Nông dân Bình Định làm đất chuẩn bị gieo sạ vụ HT 2018 để tiết kiệm nước tưới (Ảnh: ĐT) |
Mặc dù hiện nay hầu hết các hồ chứa lớn nhỏ trên địa bàn Bình Định đều được tích trữ một lượng nước khá, tuy nhiên, qua “cân đo đong đếm” lượng nước thực tế và năng lực tưới của ngành chức năng, dự báo sẽ có 7.614ha lúa HT 2018 trong khu vực không có công trình tưới, người dân phải tự lo nước...
Lo diện tích không có công trình tưới
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, đến đầu tháng 4/2018, tổng dung tích chứa trong 165 hồ chứa lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh là 402,8/578 triệu m3 nước, đạt 69,7% dung tích thiết kế, bằng 96,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó có 24 hồ đạt hơn 90% dung tích thiết kế.
Riêng Cty Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý 15 hồ chứa lớn, tích được 305,2/458 triệu m3 nước, đạt 66,6% dung tích thiết kế, đạt 90% so cùng kỳ năm ngoái. Nếu không kể hồ Định Bình, các hồ chứa của Cty tích được 151,5/232 triệu m3 nước, đạt 65% dung tích thiết kế. Các hồ nhỏ do địa phương quản lý tích được 97,7/120 triệu m3 nước, đạt 81% dung tích thiết kế, đạt 122% so cùng kỳ năm trước.
“Hồ Định Bình hiện đang trữ được 153,5/226 triệu m3, đạt 70% dung tích thiết kế, hồ Núi Một 54,2/110 triệu m3, đạt 49,4% so dung tích thiết kế, hồ Hội Sơn 40,8/44,5 triệu m3, đạt 92% dung tích thiết kế, hồ Thuận Ninh 25/35 triệu m3, đạt 71% dung tích thiết kế, hộ Vạn Hội 10,75/14,5 triệu m3, đạt 71% so dung tích thiết kế. Qua tính toán, với lượng nước này sẽ tưới ổn cho vụ hè thu”, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Cty KTCTTL Bình Định cho biết.
Theo kế hoạch, vụ hè thu 2018 Bình Định dự kiến sẽ gieo trồng 55.414ha; trong đó có 43.028ha lúa (vụ hè 12.370ha và vụ thu 30.658ha) và 12.386ha cây màu (3.624ha ngô, 1.817ha lạc, 4.915ha rau, 1.145ha mè (vừng) và 886ha đậu).
“Qua thống kê, theo dõi và tính toán cân bằng nước trong điều kiện thời tiết bình thường, khu tưới của công trình thủy lợi sẽ đảm bảo tưới chắc cho diện tích vụ hè, nhưng vụ thu có thể sẽ bị hạn cục bộ. Năng lực tưới của công trình thủy lợi trong điều kiện bình thường là 47.800ha; trong đó có 43.500ha lúa và 4.300ha hoa màu. Như vậy, sẽ có 7.614ha diện tích không có công trình thủy tưới là không đảm bảo đủ nguồn nước tưới. Đây là mối lo lớn nhất của ngành chức năng trong vụ hè thu này”, ông Nguyễn Hữu Vui, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.
Tiết kiệm nước, chuyển đổi cây trồng
Theo ông Nguyễn Văn Phú, để đảm bảo nước tưới cho vụ hè thu 2018, hạn chế thiệt hại do nắng nóng, khô hạn, ngành chức năng sẽ áp dụng các biện pháp sử dụng nguồn nước hợp lý và tiết kiệm. Theo chủ trương, Cty KTCTTL, chính quyền các địa phương, chủ các công trình thủy lợi và các hộ sử dụng nước sẽ “bắt tay” nhau thực hiện tiết giảm ít nhất 10% lượng nước tưới so với bình thường với quy trình tưới “ướt khô xen kẽ”, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt cho cây màu.
“Cty chúng tôi sẽ quản lý chặt chẽ nguồn nước và đảm bảo tưới chắc diện tích trong hệ thống; sử dụng nước phát điện của hồ Định Bình, đập Văn Phong theo nhu cầu tưới; sẵn sàng phương án sử dụng hệ thống kênh Văn Phong để tưới chống hạn cho vùng cao của các huyện Phù Cát, Tây Sơn và tiếp nước cho sông La Tinh khi cần chống hạn”, ông Phú nói.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Bình Định còn khuyến cáo các địa phương chủ động cân đối nguồn nước, thực hiện tưới tiết kiệm, tận dụng dòng chảy tự nhiên từ sông, suối, kể cả bơm tát, khi thật cần thiết mới dùng nước hồ.
Các địa phương cũng đang khẩn cấp sửa chữa trạm bơm, cống lấy nước bị rò rỉ,; nạo vét kênh mương để hạn chế thất thoát nước; các trạm bơm sẽ tranh thủ hoạt động vào giờ thấp điểm để giảm chi phí điện năng; củng cố tổ đội thủy nông để quản lý, điều tiết tưới.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi những diện tích lúa bấp bênh sang trồng các loại cây trồng cạn sử dụng ít nước; chỉ đạo kiên quyết không gieo trồng ở khu vực không đảm bảo nguồn nước, nhằm hạn chế thiệt hại, đồng thời sẽ hỗ trợ nông dân có ruộng không SX theo chính sách để họ ổn định đời sống”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chia sẻ.
“Trong vụ hè thu 2018, Bình Định sẽ triển khai thi công sửa chữa các công trình hồ Thạch Bàn, hồ Núi Một, hồ Hố Cùng, kênh chính hồ Núi Một, hệ thống kênh mương Lại Giang, ắt sẽ ảnh hưởng đến khu tưới của các công trình sửa chữa. Ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, Cty KTCTTL phối hợp chặt chẽ với BQL Dự án NN-PTNT thực hiện các phương án nhằm đảm bảo tưới cho diện tích bị ảnh hưởng, đồng thời đảm bảo tiến độ thi công các công trình”, ông Phan Trọng Hổ. |