| Hotline: 0983.970.780

Bình Định bảo vệ, giữ gìn bãi đẻ cho rùa biển

Thứ Tư 15/11/2023 , 14:42 (GMT+7)

Tỉnh Bình Định có ‘bề dày’ bảo tồn rùa biển hơn 15 năm qua. Ý thức bảo tồn rùa biển đã ‘ngấm trong máu’ của người dân sống ven biển.

Ý thức bảo tồn rùa biển lan tỏa rộng khắp

Bình Định cũng là địa phương làm tốt công tác bảo vệ rùa biển trong hơn 15 năm qua. Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, năm 2007, ngành chức năng tỉnh này được sự tư vấn của bà Gail Berbie, tình nguyện viên thuộc tổ chức VSA (New Zealand), thực hiện khảo sát bãi đẻ của rùa biển tại xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn), kết quả khảo sát đã phát hiện được 1 bãi đẻ của rùa tại Hòn Khô (xã Nhơn Hải). Rùa biển đẻ tại Nhơn Hải là rùa xanh, có tên khoa học là Chelonia mydas (Green turtle), tên địa phương là đú, vích.

Từ đó, để bảo tồn rùa biển, ngành nông nghiệp Bình Định đã phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vận động ngư dân địa phương bảo vệ, giữ gìn bãi đẻ của rùa biển.

Tình nguyện viên bảo vệ rùa biển và cán bộ Chi cục Thủy sản Bình Định thả rùa con về biển vào năm 2013. Ảnh: V.Đ.T.

Tình nguyện viên bảo vệ rùa biển và cán bộ Chi cục Thủy sản Bình Định thả rùa con về biển vào năm 2013. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và là tình nguyện viên bảo vệ rùa biển ở địa phương, kể: Hằng năm, cứ đến mùa gió Nam, khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch là mùa sinh nở của rùa biển. Trước đây, khi làng chài Nhơn Hải còn là xã bãi ngang với những bãi cát vắng vẻ, lũ rùa biển chọn nơi đây làm chốn sinh nở.

Thế nhưng từ khi ngư dân Nhơn Hải phát triển mạnh nghề đánh bắt thủy sản gần bờ, hoạt động của con người và tàu thuyền đã tước mất sự vắng vẻ của những bãi cát, đồng nghĩa lũ rùa biển bị mất bãi đẻ. Từ đó, đến mùa sinh nở là lũ rùa mẹ kéo nhau ra Hòn Khô, cù lao nằm tách biệt với khu dân cư xã Nhơn Hải để đẻ cho yên tĩnh.

Để bảo tồn rùa biển, ngành thủy sản Bình Định đã phối hợp với IUCN vận động ngư dân địa phương bảo vệ, giữ gìn bãi đẻ của rùa biển. Ngoài ra, ngành thủy sản Bình Định còn thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn xoay quanh nội dung về bảo tồn rùa biển cho cán bộ, ngư dân các địa phương ven biển, người kinh doanh, buôn bán các sản phẩm thủy sản, các doanh nghiệp có liên quan…

"Nỗ lực của ngành chức năng, của chính quyền địa phương và của các ngành liên quan đã lay động được lòng dân. Không chỉ người dân ven biển được nâng cao ý thức bảo vệ rùa biển bằng cách không còn bắt rùa để bán như trước đây; họ còn biết bảo vệ những ổ trứng rùa, không còn lấy trứng về nhà luộc ăn hoặc bán, mà mỗi khi phát hiện ổ trứng liền báo cáo ngành chức năng hoặc chính quyền địa phương để bảo vệ. Thậm chí, nhiều người dân gặp rùa biển được bán ở các chợ quê liền bỏ tiền ra mua rồi giao nộp cho ngành chức năng", ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho hay.

Tổ Tình nguyện viên bảo vệ rùa biển của xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Tổ Tình nguyện viên bảo vệ rùa biển của xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Đẩy mạnh công tác truyền thông bảo vệ rùa biển

Giữa năm 2023, Chi cục Thủy sản Bình Định phối hợp UBND xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn); 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch là Avani Quy Nhon Resort và Anantara Quy Nhon Villas tổ chức chiến dịch truyền thông bảo tồn bãi đẻ rùa biển tại khu vực biển mũi Cồn (xã Nhơn Hải) có đông đảo người dân địa phương tham gia.

Theo ông Trần Văn Vinh, xã bán đảo Nhơn Hải là nơi duy nhất của Bình Định có rùa biển lên bãi đẻ trứng. Hoạt động bảo tồn rùa biển bắt đầu triển khai tại xã Nhơn Hải vào năm 2007; năm 2010, Chi cục Thủy sản Bình Định triển khai các hoạt động bảo tồn bãi đẻ rùa biển dựa vào cộng đồng, thành lập Tổ tình nguyện viên bảo vệ bãi đẻ rùa biển và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.

Nhờ những hoạt động trên, nhận thức của cộng đồng ngư dân ven biển Bình Định, nhất là người dân xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn) về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo tồn rùa biển được tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, công tác bảo tồn rùa biển hiện nay tại xã Nhơn Hải đối mặt với thách thức lớn, đó là các dự án kinh tế và sinh hoạt của dân cư đang gây ra nguy cơ mất dần các bãi đẻ của rùa biển.

Rùa biển đào cát làm ổ đẻ để bảo vệ trứng. Ảnh: V.Đ.T.

Rùa biển đào cát làm ổ đẻ để bảo vệ trứng. Ảnh: V.Đ.T.

“Vì vậy, việc bảo tồn bãi đẻ cho rùa biển là rất cần thiết. Để thực hiện hiệu quả công tác này, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa các hình thức truyền thông, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng các thông điệp về tầm quan trọng của việc bảo tồn rùa biển, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển”, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, chia sẻ.

Năm 2022, UBND TP Quy Nhơn đã có văn bản về việc thống nhất phương án quy hoạch tạm thời bãi biển xã Nhơn Hải. Theo đó, tổng diện tích quy hoạch dọc theo bãi biển nằm trên mặt nước là 14,67ha, phân làm 3 khu: Khu neo đậu tàu thuyền, ngư lưới cụ và để thúng; khu tắm biển dịch vụ du lịch và khu vực bãi rùa sinh sản nằm tại mũi Cồn thuộc thôn Hải Đông (xã Nhơn Hải). Trong đó, khu vực bãi rùa sinh sản có diện tích hơn 9.856m2, nghiêm cấm tất cả các hoạt động tắm biển, vui chơi, giải trí tại khu vực này chỉ để khoanh vùng phục vụ cho rùa đẻ.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.