Quá bức xúc, nên UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ can thiệp.
Đến cuối năm 2019, số tàu cá 67 của ngư dân Bình Định hết hạn bảo hiểm tăng lên đến 38 chiếc. |
Theo ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, TCty CP Bảo hiểm PJICO là đơn vị được Bộ Tài chính chỉ định bán bảo hiểm cho tàu cá của ngư dân Bình Định. Theo đó, tại Biên bản số 01/2014 được xác lập vào ngày 6/10/2014 của các TCty Bảo hiểm thì TCty CP Bảo hiểm PJICO thực hiện bán bảo hiểm cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Từ năm 2015 đến nay, Cty CP Bảo hiểm PJICO Chi nhánh Bình Định đã bán 4.866 lượt hồ sơ bảo hiểm theo quy định với số tiền được ngân sách Nhà nước hỗ trợ là hơn 119.473 triệu đồng. Trong đó, gồm bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là gần 106.214 triệu đồng; bảo hiểm thuyền viên là hơn 13.259 triệu đồng.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2019 đến nay, Cty CP Bảo hiểm PJICO Chi nhánh Bình Định đã dừng bán bảo hiểm cho tàu cá đóng mới theo NĐ 67 như cam kết trước đó. Lý do đơn vị bảo hiểm đưa ra là vì thời gian gần đây trên địa bàn gia tăng đột biến các vụ tàu chìm đắm, tổn thất toàn bộ. Do đó, TCty CP Bảo hiểm PJICO đang xem xét, giải quyết các vụ tổn thất và tăng cường kiểm tra, giám sát bảo hiểm.
Đến nay, tại Bình Định đã có 4 tàu cá đóng mới theo NĐ 67 bị chìm đắm, tổn thất toàn bộ. Theo yêu cầu của TCty CP Bảo hiểm PJICO, vừa qua UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, làm rõ và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xác định rõ nguyên nhân tàu bị chìm đắm.
Ngày 16/12/2019, UBND tỉnh Bình Định đã chủ trì tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết bảo hiểm cho tàu cá đóng mới theo NĐ 67 của ngư dân trong tỉnh. Tham gia cuộc họp có TCty CP Bảo hiểm PJICO, các ngân hàng thương mại. Tại cuộc họp, TCty CP Bảo hiểm PJICO cam kết sẽ phối hợp khảo sát, đánh giá thực tế để xem xét và bán bảo hiểm cho tàu cá 67 trong tháng 12/2019. Tuy nhiên, đến nay TCty CP Bảo hiểm PJICO vẫn chưa bán bảo hiểm cho các tàu cá như đã cam kết.
“Hiện Bình Định đang có 38 tàu cá đóng mới theo NĐ 67 đã hết hạn bảo hiện đang phải nằm bờ, chủ tàu không thể cho tàu ra khơi nên không có thu nhập. Cuộc sống các chủ tàu nói trên lâm cảnh lao đao, đồng thời làm ách tắc việc trả lãi và nợ vay cho ngân hàng. Các chủ tàu rất bức xúc, đã làm đơn kiến nghị nhiều lần với các cơ quan chức năng và phản ánh trực tiếp với các cơ quan báo chí.
Nếu không sớm giải quyết tình trạng nêu trên, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời ảnh hưởng đến việc khuyến khích ngư dân bám biển sản xuất góp phẩn bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Trần Châu chia sẻ.
Cũng theo ông Châu, để giải quyết kịp thời cho các chủ tàu cá đóng mới theo NĐ 67 được mua bảo hiểm thân tàu nhằm đảm bảo điều kiện vươn khơi sản xuất, đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm ngư dân là thuyền viên đi theo 38 chiếc tàu nói trên bị thất nghiệp nhiều tháng nay, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc bán bảo hiểm tạo điều kiện cho ngư dân bám biển.