| Hotline: 0983.970.780

Bình Định chuyển mạnh sang nuôi heo công nghệ cao

Thứ Ba 28/02/2023 , 07:50 (GMT+7)

Bình Định đang hình thành các vùng chăn nuôi heo tập trung ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường...

Trong năm 2023, ngành nông nghiệp Bình Định xác định xây dựng vùng chăn nuôi heo trọng điểm tập trung ở thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Phù Cát và huyện Hoài Ân. Đây là những địa phương đang có số lượng đàn heo lớn, chiếm gần 70% tổng đàn heo toàn tỉnh. 4 vùng nuôi nói trên có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ quản lý dịch bệnh khép kín, áp dụng công nghệ Blockchain trong theo dõi và kiểm soát đàn heo.

Huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là “vựa heo lớn nhất miền Trung” là địa phương đầu tiên ở Bình Định thí điểm việc chuẩn hóa quy trình chăn nuôi và chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh.

Một trong những trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Một trong những trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, tỉnh này đang cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi với 3 nhóm vật nuôi trên cạn chủ lực là heo, bò thịt chất lượng cao và gà. Riêng với chăn nuôi heo, đến nay tổng đàn heo trên địa bàn Bình Định đạt gần 664.000 con (chưa kể heo con theo mẹ), tăng 0,43% so với cùng kỳ năm trước. Những năm gần đây, việc phát triển và tái đàn heo trên địa bàn được duy trì ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Đến nay, Bình Định được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu “Heo Hoài Ân”, đây là điều kiện để Bình Định hình thành vùng chăn nuôi hợp chuẩn, đưa chất lượng thịt heo Bình Định đạt các chứng nhận về an toàn thực phẩm đến với người tiêu dùng.

Trong 4 vùng nuôi heo trọng điểm của Bình Định hiện nay, tại thị xã An Nhơn đã có Khu chăn nuôi heo tập trung Nhơn Tân (xã Nhơn Tân) đang hoạt động, các hộ chăn nuôi heo trong vùng dần di chuyển vào đây để dễ quản lý dịch bệnh, tránh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Tổng đàn heo của thị xã An Nhơn hiện có hơn 85.000 con; có 41 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, trong đó có 4 trang trại được công nhận cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh.

Bình Định đẩy mạnh hình thành vùng chăn nuôi heo tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định đang dần hạn chế chăn nuôi nông hộ nhỏ tiềm ẩn nguy cơ cao về dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Ảnh: V.Đ.T.

Nhằm ổn định tổng đàn heo, duy trì tỷ lệ tăng trưởng, hàng năm ngành nông nghiệp thị xã An Nhơn tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi để người dân áp dụng. Riêng về chăn nuôi heo, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã hướng dẫn người chăn nuôi xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Tại vựa heo Hoài Ân, những năm qua, chính quyền các cấp không ngừng đẩy mạnh đầu tư phát triển chăn nuôi heo thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đến nay, Hoài Ân có 32 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, trong đó có 5 trang trại áp dụng công nghệ cao.

Hiện nay, Hoài Ân đang xúc tiến xây dựng khu mua bán, vận chuyển và giết mổ tập trung nhằm hạn chế tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Năm 2023, Hoài Ân thực hiện quản lý chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong đó tập trung vào đàn heo để duy trì và phát triển nhãn hiệu “heo Hoài Ân”.

Bình Định có lợi thế chủ động nguồn heo giống nhờ có đàn nái sinh sản cao. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định có lợi thế chủ động nguồn heo giống nhờ có đàn nái sinh sản cao. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, huyện này đang tiếp tục phát triển chăn nuôi, quy hoạch vùng nuôi theo 3 nhóm vật nuôi chủ lực của tỉnh. Riêng với đàn heo, trong năm 2023 này, Hoài Ân xúc tiến phát triển vùng nuôi tập trung, phát triển các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; xây dựng chuỗi chăn nuôi heo gắn với tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Đà Nẵng, TP.HCM.

Tương tự, huyện Phù Cát và Thị xã Hoài Nhơn cũng đang hoàn thiện và quy hoạch vùng nuôi heo tập trung. Đẩy mạnh áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để duy trì sự ổn định của tổng đàn.

Heo thịt ở Hoài Ân (Bình Định) xuất đi các thị trường Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế. Ảnh: V.Đ.T.

Heo thịt ở Hoài Ân (Bình Định) xuất đi các thị trường Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: V.Đ.T.

“Ngành nông nghiệp Bình Định đang tập trung hoàn thiện kế hoạch phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường. Kế hoạch này được triển khai là tiền đề để người chăn nuôi ở các vùng chăn nuôi tập trung chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế, mở ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho hoạt động chế biến sâu”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.