Kiểm soát chặt tàu cá hoạt động ngoài địa phương
Kế hoạch chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Chính phủ, từ nay đến tháng 5/2023, cả nước phải rà soát, thống kê số lượng tàu cá của các địa phương, hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác, tàu cá có nguy cơ cao gửi các cơ quan chức năng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân theo dõi; chấm dứt nạn tàu cá vi phạm IUU, đặc biệt là 100% vụ vi phạm phải được xử lý nghiêm.
Theo đó, Ban chỉ đạo IUU tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản kiểm tra, lập danh sách những tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU để cảnh báo và xử lý theo đúng quy định. Kết quả cho thấy, hiện Bình Định có 318 tàu thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh nằm trong nhóm nguy cơ cao vi phạm IUU.
“Trong 318 tàu cá nói trên, chỉ có 89 tàu có chiều dài thân tàu trên 15m, còn lại chủ yếu là tàu có chiều dài dưới 15m đã có thời gian hoạt động trên 20 năm. Hiện nay, nhóm tàu nói trên hoạt động thường xuyên ở các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu 215 tàu, Tiền Giang 44 tàu, Bình Thuận 21 tàu, Cà Mau 16 tàu, Kiên Giang 10 tàu, Khánh Hòa 10 tàu và Ninh Thuận 2 tàu. Chủ nhân của 15 tàu trong số 318 tàu cá nói trên đã chuyển hộ khẩu về tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ lâu nhưng chưa chuyển đăng ký tàu cá đến nơi ở mới; 71 tàu cá khác đã sang nhượng, nhưng chủ mới chưa thực hiện sang tên đổi chủ…”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho hay.
Sau khi “điểm danh” số tàu cá nằm trong nhóm nguy cơ cao vi phạm IUU, đầu tháng 3 vừa qua, ngành nông nghiệp Bình Định đã thành lập 2 tổ công tác vào các tỉnh ở miền Nam có tàu cá Bình Định đang hoạt động để làm việc với ngư dân, yêu cầu ngư dân thực hiện đúng các quy định trong công tác chống khai thác vi phạm IUU, nhất là đối với những tàu đã sang nhượng nhưng chưa làm thủ tục.
Hiện nay, cũng theo ông Nghĩa, Chi cục Thủy sản Bình Định tổ chức phân công nhân sự trực Trung tâm giám sát tàu cá 24/24 và công bố số điện thoại đường dây nóng để theo dõi, tiếp nhận thông tin, kịp thời phát hiện, xử lý tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.
“Từ đầu năm 2023 đến nay, thông qua phần mềm hệ thống giám sát tàu cá tại Trung tâm, Bình Định đã phát hiện và cảnh báo 1 lượt/1 tàu vượt ranh giới khai thác cho phép trên biển; 213 lượt/100 tàu mất kết nối thường xuyên, 1 tàu mất kết nối trên biển hơn 10 ngày”, ông Nghĩa cho biết.
Tuyên truyền mềm, xử lý rắn
Về xử lý những tàu cá đánh bắt vi phạm IUU trong thời gian qua, ông Phạm Dân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thành viên Ban chỉ đạo IUU tỉnh Bình Định, cho rằng trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” này, cùng với tổ chức tuyên truyền, Bình Định cần tập trung xử lý các trường hợp vi phạm IUU nhằm thực thi pháp luật hiệu quả theo khuyến nghị mà EC đưa ra.
Hiện Bình Định có 5.795 tàu cá đăng ký hoạt động khai thác thủy sản, số liệu đăng ký tàu cá được cập nhật thường xuyên trên hệ thống dữ liệu tàu cá quốc gia. Có 84% số tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản, số còn lại chưa thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép khai thác thủy sản. 100% tàu cá (3.242 tàu) có chiều dài từ 15m trở lên ở Bình Định hoạt động khai thác vùng khơi đã được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định, còn lại 39 chiếc hư hỏng, không hoạt động nên chưa được lắp đặt. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành nông nghiệp Bình Định đã từ chối 3 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá có chiều dài dưới 15m hoạt động ở ngư trường ngoài tỉnh.