| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Dư dả nước tưới vụ đông xuân

Thứ Hai 19/12/2022 , 11:01 (GMT+7)

Các hồ chứa của Bình Định đã tích dư giả nước phục vụ cho vụ đông xuân 2022 - 2023, tuy nhiên, cần tính toán để đáp ứng cho nhu cầu của cả năm 2023.

Dồi dào nước tưới vụ đông xuân

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện 164 hồ chứa có dung tích từ 50.000m3 trở lên ở Bình Định đã tích nước đạt 93% dung tích thiết kế. Trong đó, những hồ chứa lớn như hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) đã tích được gần 220 triệu/226 triệu m3; hồ Núi Một (Thị xã An Nhơn) tích được 108,34 triệu/110 triệu triệu m3; hồ Đồng Mít (huyện An Lão) tích được 71,40 triệu/89,84 triệu m3; hồ Hội Sơn (huyện Phù Cát) đã tích được 44,24 triệu/44,5 triệu m3; hồ Thuận Ninh (huyện Tây Sơn) đã tích được 34,5 triệu/35,36 triệu m3; hồ Vạn Hội (huyện Hoài Ân) đã tích được 13,7 triệu/14,51 triệu m3…

Có hồ Đồng Mít, 6.742 ha đất canh tác vùng hạ du các huyện An Lão, Hoài Ân và thị xã Hoài Nhơn cùng các địa phương phía Bắc huyện Phù Mỹ không còn lo thiếu nước tưới. Ảnh: V.Đ.T.

Có hồ Đồng Mít (huyện An Lão) hiện đã tích đầy nước, không lo thiếu nước tưới vụ đông xuân 2022 - 2023. Ảnh: V.Đ.T.

Năm nay, do thời tiết diễn biến bất thường, có mưa muộn diễn ra trong tháng 12/2022 nên ngành nông nghiệp Bình Định phải theo dõi sát tình hình, lên phương án ứng phó và điều tiết nước hồ chứa phù hợp. Với lượng nước đã tích được trong các hồ chứa, Bình Định không phải lo thiếu nước tưới trong vụ đông xuân 2022 - 2023. Nhưng để đảm bảo cấp đủ nước cho vụ hè, vụ thu và vụ mùa năm 2023, ngành chức năng tính toán thật kỹ lưỡng, điều tiết nước hợp lý để tiết kiệm nước.

Những năm trước, đến thời điểm này nông dân Bình Định đã xuống giống cho vụ đông xuân trên các chân ruộng sản xuất 3 vụ lúa/năm, chuẩn bị xuống giống các chân ruộng sản xuất 2 vụ lúa/năm. Thế nhưng năm nay, thay vì tích nước thì nhiều hồ chứa đã phải tính toán điều tiết nước qua tràn để đón mưa lớn với lưu lượng đảm bảo cắt giảm lũ cho hạ lưu. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp Bình Định đã thận trọng lùi lịch xuống giống ở các địa phương theo dự báo thời tiết, đồng thời phối hợp với các địa phương xây dựng các phương án tưới tiêu phù hợp.

“Trong quá trình sản xuất, ngành chức năng hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm như tưới ướt - khô xen kẽ, tưới nông - lộ - phơi và áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, khoa học theo quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) để vừa đáp ứng nhu cầu nước tốt nhất cho cây trồng, vừa tiết kiệm nước cho những vụ sau”, ông Hồ Đắc Chương chia sẻ.

Tìm giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm cho vùng "khô hạn kinh niên"

Để nước tưới không bị thất thoát, những năm qua, Bình Định đã nỗ lực kiện toàn hệ thống kênh mương để điều tiết nước. Đến nay, Bình Định đã bê tông hóa hơn 2.300km kênh mương, đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 88.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp. Các đơn vị quản lý công trình thủy lợi thường xuyên tu bổ, sửa chữa hư hỏng, nạo vét để khơi thông dòng chảy cho hệ thống thủy lợi trước mỗi vụ sản xuất. Nhờ vậy, hoạt động tưới tiêu ở Bình Định đạt hiệu suất tối đa.

Hồ Núi Một (thị xã An Nhơn) hiện đã tích gần đầy so dung tích thiết kế. Ảnh: V.Đ.T.

Hồ Núi Một (Thị xã An Nhơn) hiện đã tích gần đầy so với dung tích thiết kế. Ảnh: V.Đ.T.

Trên địa bàn Bình Định hiện có 4 hệ thống thủy lợi lớn, gồm: Hệ thống Sông Kôn - Hà Thanh phục vụ tưới cho đồng ruộng ở các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước, Thị xã An Nhơn và một phần của các địa phương phía Nam huyện Phù Cát.

Hệ thống La Tinh phục vụ tưới cho 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Hệ thống Bắc Phù Mỹ phục vụ tưới cho các địa phương phía Bắc của huyện Phù Mỹ. Hệ thống Đồng Mít - Lại Giang phục vụ tưới cho các huyện An Lão, Hoài Ân, thị xã Hoài Nhơn và dự kiến sẽ chuyển nước phục vụ tưới cho một số diện tích ở phía Bắc huyện Phù Mỹ.

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, để tận dụng triệt để nguồn nước phục vụ sản xuất, những năm qua, sau khi thu hoạch vụ đông xuân, ngành chức năng tỉnh này tổ chức sản xuất ngay vụ hè để tận dụng nguồn nước đang còn trên mặt ruộng. Đối với vụ thu, ngành nông nghiệp sẽ rà soát, khoanh vùng các diện tích có nguy cơ khô hạn để khuyến cáo người dân không sản xuất nhằm giảm thiệt hại.

Hiện nay, Bình Định đã bê tông hóa hơn 2.300km kênh mương, đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 88.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, Bình Định đã bê tông hóa hơn 2.300km kênh mương, đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 88.000ha sản xuất nông nghiệp. Ảnh: V.Đ.T.

“Dù đảm bảo nguồn nước tưới nhưng ở Bình Định vẫn có một số khu vực khô hạn “kinh niên” do nằm xa các hệ thống tưới, do vậy, Sở NN-PTNT đang xây dựng Đề án phát triển hệ thống thủy lợi, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm để giải bài toán khô hạn cục bộ, đồng thời nâng cao năng lực quản lý cho những cán bộ phụ trách thủy lợi ở cơ sở trong thời gian tới”, ông Hồ Đắc Chương cho hay.

“Trước diễn biến thời tiết bất thường như hiện nay, ngành nông nghiệp Bình Định đang theo dõi sát sao diễn biến mưa, lũ từ nay đến cuối năm để chủ động kế hoạch tích nước và triển khai vận hành, điều tiết nước hồ chứa theo đúng quy định trong trường hợp còn mưa lũ lớn. Đồng thời, Sở NN-PTNT giao các đơn vị chuyên môn trực thuộc phối hợp với các địa phương tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 nhằm tránh thiệt hại giống do mưa lớn đầu vụ đây ra”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.