Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn có diện tích tự nhiên khoảng 22.450 ha nằm trọn trên địa bàn xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão, Bình Định). Trong Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn đã ghi nhận có 739 loài thực vật thuộc 419 chi, 133 họ, bổ sung 194 loài thực vật thuộc 156 chi và 84 họ vào danh mục; 343 loài động vật có xương sống ở cạn, trong đó có 40 loài lưỡng cư, 54 loài bò sát, 164 loài chim và 85 loài thú, bổ sung 12 loài lưỡng cư, 7 loài bò sát, 21 loài chim và 1 loài thú.
Lần đầu tiên ghi nhận trong rừng đặc dụng An Toàn có 11 loài côn trùng, 15 loài cá đặc hữu, có giá trị khoa học đang bị đe dọa tuyệt chủng; xác định thêm 5 loài thực vật, 3 loài cá ngoại lai xâm hại. Đặc biệt, có 59 loài thực vật, 128 loài động vật nằm trong nhóm nguy cấp, quý hiếm thuộc danh lục trong Sách Đỏ Việt Nam, Sách Đỏ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, Nghị định 84/2021/NĐ-CP và Công ước CITES.
Theo Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, công tác quản lý, bảo vệ 26.000 ha rừng nguyên sinh trong rừng đặc dụng (trong đó có 22.450 ha diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn) đang gặp khó khăn vì lực lượng mỏng, trong khi diện tích rừng rất lớn. Hiện trong rừng đặc dụng An Toàn có 414 cây chè cổ thụ, trong đó có 137 cây phát triển tốt, nếu khai thác, chế biến sẽ tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Trước hiện tượng có nhà dân và đất sản xuất của người dân nằm trong rừng đặc dụng An Toàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu Sở NN-PTNT xem lại công tác quy hoạch, quản lý, bảo vệ rừng tại An Toàn; cần phải kiểm tra lại và xử lý dứt điểm vấn đề nói trên, nếu không sẽ rất dễ mất rừng đặc dụng.
Bên cạnh đó, ông Tuấn còn yêu cầu Sở NN-PTNT rà soát lại quy hoạch rừng, thuyết phục bà con chuyển diện tích rừng sản xuất sang trồng rừng gỗ lớn, đầu tư công nghệ để quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Quy hoạch, quản lý bảo vệ rừng phải gắn với phát triển sản phẩm phục vụ du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân.