| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Quản lý chặt giống mắc ca

Thứ Sáu 09/10/2015 , 09:26 (GMT+7)

Mặc dù tỉnh Bình Định chưa có chủ trương trồng cây mắc ca nhưng một số hộ dân ở xã miền núi Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) đã tự phát trồng loại cây này.

Đáng quan ngại là cây giống mắc ca được đưa vào trồng là giống mua trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Sau khi phát hiện, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã “tuýt còi”, khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích cây mắc ca trước khi mô hình thí điểm cho thấy hiệu quả.

Trồng tự phát

Theo ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh, ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và phát hiện đã có 7,1 ha mắc ca đã được trồng.

Nhiều diện tích được trồng đã 2 năm, một số diện tích mới trồng sau đến nay cũng đã được 1 năm tuổi, tập trung ở làng K8 và K2. Kết quả kiểm tra cho thấy có 8 hộ dân đã trồng mắc ca dù rất mơ hồ về kỹ thuật và thị trường tiêu thụ.

Trong đó, ông Khánh ở làng K8 trồng nhiều nhất với 3 ha, tiếp đến ông Thảo ở làng K2 trồng 1,2 ha, Bá Mông ở làng K8 trồng 1 ha, Đinh Klăm ở làng K8 trồng 8 sào, Bá Tra ở làng K8 trồng 4 sào, A Nham ở làng K2 trồng 3 sào, Bá Lớt ở làng K8 trồng 2 sào, ông Nguyễn Minh Thời ở làng K2 trồng 2 sào.

“Khi chúng tôi hỏi những hộ trồng mắc ca vì sao ngành chức năng chưa có khuyến cáo trồng loại cây này mà các anh nắm thông tin từ đâu trồng ào ạt như vậy, hầu hết những hộ đã trồng mắc ca đều trả lời là nghe những người bán cây giống từ Gia Lai đến tiếp thị giống và mách bảo người dân trồng cây này hiệu quả kinh tế rất cao, lại đảm bảo bao tiêu sản phẩm nên họ yên tâm trồng”, ông Xuân cho biết.

Theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, cây mắc ca ưa khí hậu mát mẻ, mưa ẩm và khô hạn xen kẽ. Mắc ca sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở nhiệt độ trung bình hàng năm từ 20 - 25 độ C với lượng mưa hàng năm từ 1.500 - 2.500 mm; trên độ cao từ 300 - 1.200 m so với mặt nước biển.

Đất trồng mắc ca tốt nhất là dạng đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, tầng đất sâu, ẩm. Xã Vĩnh Sơn nằm trên độ cao gần 1.000 m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ, có thể phù hợp với cây mắc ca.

Theo ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, sau khi xác định cụ thể từng tiểu vùng khí hậu, huyện đang xin chủ trương cho trồng thí điểm cây mắc ca trên địa bàn xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Kim nhằm đánh giá sự phù hợp của loại cây trồng mới này. Nếu mô hình thí điểm đạt hiệu quả mới tính đến nhân rộng.

“Vùng để phát triển cây mắc ca cần phải có nhiệt độ thấp mới có thể ra hoa đậu quả. Xã Vĩnh Sơn có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau nên phải hết sức cẩn trọng khi chọn vùng để phát triển. Thêm vào đó, cây mắc ca yêu cầu đất phải tốt, để trồng đại trà phải hết sức thận trọng”. - TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ.

Trước tình hình trồng mắc ca tự phát tại xã Vĩnh Sơn với cây giống không rõ nguồn gốc, để tránh thiệt hại cho người trồng về sau, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã giao cho Phòng NN-PTNT phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây mắc ca tại các cơ sở SX và mua bán giống.

Đồng thời khuyến cáo nông dân không nên phát triển trồng mắc ca quy mô lớn khi chưa được trồng khảo nghiệm.

“Khi đã có chủ trương, chúng tôi chỉ cho phép trồng các giống mắc ca được nhân giống vô tính (cấy ghép, chiết) từ các dòng có năng suất, chất lượng cao đã được Bộ NN-PTNT công nhận”, ông Đẩu nói.

Thận trọng

Cuối tháng 3/2015, UBND tỉnh Bình Định có văn bản giao Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Vĩnh Thạnh nghiên cứu việc trồng mắc ca trên địa bàn huyện này.

mc-c-21149492
Giống cây mắc ca đang được SX mạnh tại Bình Định

Trước đó, Cty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc (Cty Hiếu Ngọc) và Cty TNHH Thương mại - du lịch Đức Anh (Cty Đức Anh) đã đề xuất 2 dự án trồng mắc ca với phương thức tự đầu tư.

Với 134 ha đất đã được UBND tỉnh Bình Định cho Cty Hiếu Ngọc thuê từ năm 2011, thời hạn thuê 50 năm để trồng rừng SX tại khoảnh 4, tiểu khu 90B, làng O3 cao thuộc xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh), DN này đề nghị được trồng mắc ca toàn diện tích.

Khu vực trên có độ cao bình quân khoảng 600 m, đất feralit, tầng đất dày và ít bị ảnh hưởng của gió bão, nhiệt độ trung bình năm khoảng 20,4 độ C; nhiệt độ trong thời kỳ mắc ca ra hoa (tháng 12, 1, 2, 3) khoảng từ 17 - 19,2 độ C. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu này phù hợp để cây mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt.

“Tuy nhiên, để tránh rủi ro khi thực hiện dự án lớn, chúng tôi chỉ cho phép Cty Hiếu Ngọc xây dựng mô hình khảo nghiệm trồng mắc ca với diện tích 2 ha.

Sau khi đánh giá được khả năng thích ứng, hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ rõ ràng mới đầu tư thực hiện dự án”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.

Về dự án đầu tư trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây mắc ca của Cty Đức Anh với diện tích 1.000 ha tại các huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh và An Lão chưa được ngành chức năng tỉnh Bình Định thông qua vì còn... mù mờ.

Theo ông Phan Trọng Hổ, việc điều tra, khảo sát điều kiện lập địa tại các huyện nằm trong dự án của Cty Đức Anh chưa đủ cơ sở khoa học để chứng minh cây mắc ca “trụ” được; về đánh giá năng suất, hiệu quả kinh tế không phù hợp với chỉ đạo và định hướng của Bộ NN-PTNT; thông tin về thị trường còn thiếu.

“Cty Đức Anh phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu, xây dựng lại dự án. Trước mắt, công ty phải hoàn thành thủ tục thuê đất từ 5 - 10 ha để trồng khảo nghiệm cây mắc ca với các dòng đã được Bộ NN-PTNT công nhận để đánh giá khả năng thích nghi, năng suất quả và hiệu quả kinh tế trước khi triển khai dự án”, ông Hổ nói.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.