| Hotline: 0983.970.780

Bình Định ra nhiều chính sách phát triển chăn nuôi gà đồi

Thứ Hai 25/07/2022 , 08:11 (GMT+7)

Chăn nuôi gà được Bình Định ưu tiên tập trung chính sách hỗ trợ phát triển tại các huyện trung du, miền núi nhằm làm giảm áp lực ở các huyện đồng bằng.

Nhiều chính sách "tiếp sức" cho nông dân

Những năm qua, ngành nông nghiệp Bình Định đã triển khai đồng bộ và hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho nông dân. Tiêu biểu như đối với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng đã hỗ trợ giá giống cây trồng cạn để thực hiện chuyển đổi sản xuất trên đất trồng lúa trong vụ mùa năm 2021 và vụ đông xuân 2021 - 2022 theo hồ sơ đề nghị của các địa phương; hỗ trợ 4 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống tại các xã Phước Thuận, Phước Hiệp, Phước Thắng (huyện Tuy Phước), Nhơn Lộc (Thị xã An Nhơn) với tổng kinh phí từ ngân sách 9.678 triệu đồng; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển bò thịt chất lượng cao trong nông hộ, đến nay tỷ lệ bò lai đạt 87% tổng đàn, bê lai sinh ra sinh trưởng phát triển tốt, chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Bình Định sẽ có chính sách khuyến khích người dân các huyện miền núi nuôi gà thả đồi để cải . Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định sẽ có chính sách khuyến khích người dân các huyện miền núi nuôi gà thả đồi để cải . Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, thời gian tới, Bình Định sẽ thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục thực hiện các chính sách đã được ban hành, đặc biệt là chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025.

Bình Định cũng sẽ nghiên cứu ban hành các chính sách mới như: Khuyến khích đầu tư, phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích đầu tư, phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm của tỉnh; xây dựng mạng lưới thương mại điện tử, chuyển đổi số trong nông nghiệp; phát triển các vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, nhất là các vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến...

Bứt phá cho gà đồi

Thực hiện Chương trình hành động số 11 của Tỉnh ủy Bình Định về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, trong đó đối với chăn nuôi, ngành nông nghiệp Bình Định sẽ tập trung phát triển chăn nuôi gà đồi và xây dựng chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung hỗ trợ tại 5 huyện trung du, miền núi, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gà thả đồi.

Trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Bình Định xác định chăn nuôi gà được ưu tiên tập trung phát triển tại các huyện trung du, miền núi, nơi có mật độ chăn nuôi còn thấp như các huyện Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh nhằm làm giảm áp lực mật độ nuôi gà ở các huyện đồng bằng có mật độ nuôi gà cao như Thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, Thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ, huyện Phù Cát.

Gà thả đồi có chất lượng thịt ngon, người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán luôn cao hơn gà nuôi nhốt. Ảnh: V.Đ.T.

Gà thả đồi có chất lượng thịt ngon, người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán luôn cao hơn gà nuôi nhốt. Ảnh: V.Đ.T.

Trên cơ sở kết quả thực hiện chính sách phát triển mô hình gà đồi tại các huyện trung du, miền núi, Sở NN-PTNT Bình Định sẽ tổng kết, đánh giá và nhân rộng ra các địa phương có điều kiện, có nhu cầu phát triển gà đồi trên địa bàn toàn tỉnh. Quy mô hỗ trợ tối thiểu 3.000 con gà thịt cho 1 lứa nuôi nhằm mục tiêu thực hiện chính sách xây dựng vùng chăn nuôi chủ lực, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng thương hiệu gà đặc sản Bình Định và hình thành các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các hộ tham gia phải có điều kiện về tài chính, năng lực, trách nhiệm, có hiểu biết kinh nghiệm chăn nuôi gà.

Mục tiêu chăn nuôi gà phải hình thành được vùng sản xuất hàng hóa, nuôi theo hướng chuyên nghiệp, tiến tới hình thành HTX chăn nuôi gà đồi. Do đó, sẽ phải lựa chọn các hộ đủ điều kiện sản xuất 3.000 con/lứa, cam kết duy trì đầu tư sản xuất ổn định; khi mô hình đạt hiệu quả, người chăn nuôi sẽ tự giác tham gia. Sở NN-PTNT sẽ ban hành quy trình chăn nuôi gà thả đồi và tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để người chăn nuôi áp dụng.

“Bình Định sẽ xúc tiến đầu tư 2 cơ sở giết mổ gia cầm liên kết tiêu thụ gà đồi cho người chăn nuôi. Hiện nay, Công ty Giống gia cầm Cao Khanh ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát) đã ký hợp đồng thỏa thuận với Công ty San Hà (TP. HCM) đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm công suất 10.000 con/ngày, dự án đang xúc tiến triển khai. Khi Nhà máy giết mổ gia cầm San Hà đi vào hoạt động, sẽ liên kết thu mua gà đồi cho người chăn nuôi”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.

Xem thêm
Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.