| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương điều tra, truy tìm đối tượng phá rừng ở Hàm Cần

Thứ Hai 06/09/2021 , 18:17 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Liên quan vụ phá rừng ở xã Hàm Cần, cơ quan chức năng cho biết đang tích cực điều tra, truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo pháp luật.

Phát hiện 2 vụ phá rừng ở Hàm Cần

Ngày 6/9, Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết, đã báo cáo nhanh kết quả kiểm tra, xác minh vụ việc phá rừng trái pháp luật xảy ra tại Tiểu khu 266 thuộc đối tượng rừng sản xuất, lâm phận do Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét quản lý.

Hiện trường vụ phá rừng ở xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) Ảnh: HC.

Hiện trường vụ phá rừng ở xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) Ảnh: HC.

Theo đó, ngày 6/7, Trạm Cầu Treo (thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét) đã chuyển giao hồ sơ ban đầu đối với 2 vụ phá rừng cho kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) để củng cố thiết lập hồ sơ tiếp theo.

Bài liên quan

Cụ thể, vụ thứ nhất là ngày 1/6, Trạm Bảo vệ rừng Cầu Treo đã tuần tra, kiểm tra rừng có phát hiện vụ việc phá rừng trái pháp luật với diện tích 3.861 m2, nằm trong lô 33, khảnh 8, đối tượng rừng sản xuất, lâm phận thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét quản lý, ở Thôn 3 xã Hàm Cần. Tổng số cây rừng tự nhiện bị thiệt hại là 80 cây, chủng loại gồm thành ngạnh, cà na, cà chí, lim xẹt, nhàu, cóc, Sp; với khối lượng lâm sản bị thiệt hại 3,939 m3, trữ lượng 7,232 m3.

Theo Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam, vụ việc trên đã được Trạm Bảo vệ rừng Cầu Treo phối hợp với cán bộ lâm nghiệp xã Hàm Cần thiết lập hồ sơ ban đầu vào ngày 1/6 vừa qua, và xác định thời điểm diện tích rừng bị phá vào khoảng từ cuối tháng 5 năm 2021.

Tiếp đến, ngày 3/7, Trạm Cầu Treo tiếp tục phát hiện thêm diện tích rừng bị phá mới với diện tích 4.811 m2, nằm trong lô 33, khảnh 8, đối tượng rừng sản xuất, lâm phận Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét quản lý, địa giới hành chính Thôn 3 xã Hàm Cần. Tổng số lượng cây rừng tự nhiên bị thiệt hại là 85 cây, chủng loại gồm thành ngạnh, cà na, cà chí, lim xẹt, nhàu, cóc, Sp; với lượng lâm sản bị thiệt hại khoảng 3,818 m3, trữ lượng 7,010 m3.

Vụ phá rừng đang được cơ quan chức năng điều tra đối tượng vi phạm. Ảnh: HC.

Vụ phá rừng đang được cơ quan chức năng điều tra đối tượng vi phạm. Ảnh: HC.

Trạm Bảo vệ rừng Cầu Treo cũng đã phối hợp với cán bộ lâm nghiệp xã Hàm Cần thiết lập hồ sơ ban đầu và xác định thời điểm chặt phá vào khoảng ngày 2/7/2021. Tại thời điểm phát hiện thì 2 diện tích rừng bị phá nêu trên đều chưa xác định được đối tượng vi phạm.

Trên cơ sở báo cáo của Kiểm lâm địa bàn xã Hàm Cần, ngày 8/7/2021, Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam chủ trì, phối hợp UBND xã Hàm Cần và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét đã tiến hành kiểm tra hiện trường vụ việc phá rừng trái pháp luật nêu trên.

Tới ngày 24/8/2021, Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam tiếp tục chủ trì, phối hợp Công an huyện, Viện Kiểm sát huyện, UBND xã Hàm Cần và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét tiến hành kiểm tra, xác minh tại hiện trường đối với 2 vụ phá rừng nêu trên lần nữa.

Kết quả kiểm tra về diện tích, vị trí địa điểm, khối lượng, trữ lượng, chủng loại lâm sản bị thiệt hại về 2 vụ phá rừng trên đều đồng nhất với kết quả kiểm tra vào ngày 8/7/2021 và như báo cáo hồ sơ của Trạm Cầu treo nêu trên. Các vụ phá rừng đều xác định công cụ cắt hạ bằng cưa máy cầm tay, tại mặt cắt gốc còn dấu vết lam cưa.

Đang truy tìm đối tượng phá rừng

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, từ kết quả kiểm tra thực tế tại hiện trường; căn cứ Nghị định 156 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp, thì toàn bộ 2 vụ phá rừng trên đủ tiêu chí xác định là rừng tự nhiên.

Do đó, hành vi vi phạm trên xác định là hành vi phá rừng trái pháp luật được quy định tại điểm b, khoản 8 và điểm b, khoản 9 Điều 20 Nghị định số 35 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Cơ quan chức năng cho biết đang truy tìm đối tượng phá rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ảnh: HC.

Cơ quan chức năng cho biết đang truy tìm đối tượng phá rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Ảnh: HC.

Ông Hồ Thiện Đang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cho biết, hiện Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam cùng phối hợp với Công an huyện, UBND xã Hàm Cần, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét và các cơ quan liên quan đang tích cực điều tra, truy tìm đối tượng vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Chi cục đã đề nghị Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét tăng cường lực lượng bảo vệ giữ nguyên hiện trường vụ vi phạm, tuyệt đối không để cho đối tượng dọn đốt, lấy lâm sản đi, làm thay đổi hiện trường.

Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch, có biện pháp phối hợp chặt chẽ các lực lượng, tổ chức quản lý, bảo vệ rừng tại gốc, bố trí ngay chốt bảo vệ rừng tại các khu vực thường xảy ra phá rừng, khai thác rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.

Trước đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng đã nhận được thư phản ánh của người dân xã Hàm Cần về việc khu rừng xanh tốt ở Thôn 3, xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã bị một số đối tượng cưa hạ.

Gần đây, người dân trong xã Hàm Cần còn phát hiện khu vực rừng nằm cuối thôn đã bị tàn phá trụi lủi. Khu rừng bị phá nằm ngay bên đường nhựa tuyến Ba Bàu - Thôn 3 Hàm Cần - Mỹ Thạnh. Cánh rừng đang xanh tốt bỗng dưng ngã rụi.

Hàng loạt cây rừng bằng bắp đùi trở lên, nhiều cây đường kính 20 - 35 cm đã bị cưa hạ, ngã rạp xuống đất. Dấu cưa tại gốc cho thấy những kẻ phá rừng dùng cưa máy để hạ cây rừng. Nguyên cả cánh rừng nằm gần đường nhựa bị chặt phá trọc lóc…

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Thị trường tín chỉ carbon phát triển nhanh, cạnh tranh khốc liệt

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia mang đến thách thức đáng kể cho Việt Nam trong việc cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất