Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giúp người dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động ở nông thôn… góp phần nâng cao thu nhập.
Một vườn tiêu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm tại xã Ân Tường Đông (Hoài Ân) |
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Bình Định, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 38/112 xã về đích NTM, với mức bình quân thu nhập đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2010. Tỉ lệ hộ nghèo tại các xã về đích NTM đã giảm xuống dưới 5%. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh và chính quyền các địa phương trong việc tập trung hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các mô hình sản xuất mới, hiệu quả cao, nhằm thực hiện tốt tiêu chí thu nhập.
Ông Đào Văn Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối Xây dựng NTM Bình Định cho biết, trong năm 2016, từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của Trung ương, tỉnh đã chi trên 13 tỉ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất cho 94 xã. Trong đó, tập trung ưu tiên hỗ trợ cho 45 xã thuộc diện khó khăn và bãi ngang ven biển, mỗi xã được hỗ trợ 223 triệu đồng; các xã còn lại được hỗ trợ từ 56 - 73 triệu đồng mua giống cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất.
Ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết, là địa phương có xuất phát điểm thấp, để xây dựng NTM thành công, huyện xác định phải huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia, trong đó tập trung phát huy vai trò chủ thể của người dân; lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, tạo tiền đề để thực hiện các tiêu chí NTM...
Thu hoạch bưởi da xanh tại xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) |
Ông Trần Văn Tảo, Chủ tịch UBND xã Ân Đức, cho biết, trong 5 năm qua, xã đã hỗ trợ 260 triệu đồng để mua các loại giống cây trồng mới giúp nông dân cải tạo vườn tạp. Ngoài ra, xã đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp toàn diện; thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, xây dựng mô hình các cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 80 ha ở 2 thôn Khoa Trường, Gia Trị với 261 hộ tham gia. Nhờ vậy, năng suất lúa bình quân của xã đã đạt tới 75 tạ/ha, tăng hơn 5 tạ/ha so với mức bình quân chung.
Xã cũng đã chú trọng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại; toàn xã có 2 trang trại, 365 gia trại với tổng đàn trâu, bò 813 con, đàn heo 24.000 con, đàn gia cầm 23.000 con. Đến cuối năm 2016, xã Ân Đức đã về đích NTM. Mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 27 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,98%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Trần Châu, nhận xét: Trong xây dựng NTM, thu nhập là tiêu chí hết sức quan trọng, chi phối các tiêu chí khác. Một khi thu nhập ổn định thì bà con có điều kiện để sửa sang nhà cửa, sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận thông tin, hưởng thụ văn hóa... Chẳng những vậy, thu nhập ổn định, bà con còn tham gia đóng góp thực hiện có hiệu quả các chương trình khác ở địa phương. |