| Hotline: 0983.970.780

Bình Định triển khai toàn diện khắc phục thẻ vàng IUU

Thứ Sáu 23/08/2019 , 08:47 (GMT+7)

Trong thời gian qua, nhằm khắc phục “thẻ vàng” IUU, Bình Định đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

trn-chu142821662
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, xung quanh vấn đề này.
 

Không một phút giây lơ là

Thưa ông, trong công tác khắc phục “thẻ vàng” IUU, Bình Định đã triển khai như thế nào?

Bình Định không phút giây lơ là công tác này. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành hàng loạt văn bản và tổ chức chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” IUU. Là tỉnh có nghề cá phát triển mạnh, nên chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực thủy sản, là sự sống còn của nghề đánh bắt thủy sản.

Chúng tôi bắt đầu từ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân về các quy định pháp luật liên quan đến khai thác IUU và Luật Thủy sản. Công tác này được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp tuyên truyền, hàng ngàn chủ tàu và thuyền trưởng tham gia, đồng thời phát 5.000 tờ rơi để thông tin đến với từng ngư dân. Tháng nào tỉnh cũng tổ chức họp để đánh giá những việc đã làm trong tháng, những gì chưa làm được thì cùng nhau bàn bạc, đề ra hướng khắc phục khẩn cấp.

Tỉnh cũng đã giao các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước và TP Quy Nhơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân có liên quan, doanh nghiệp xuất khẩu hải sản phải quán triệt đầy đủ các nội dung của Chỉ thị số 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và triển khai Luật Thủy sản năm 2017.

Công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến gặp vướng mắc gì, thưa ông?

Có thể nói, trong nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” IUU, đây là một trong những phần việc khó. Bởi ngư dân đã quen với cách làm tùy tiện, không theo khuôn khổ.

Thế nhưng trong công tác tuyên truyền, chúng tôi nhấn mạnh nếu không nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” thì đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp chính là ngư dân. Nhờ đó, ý thức của ngư dân trong việc tuân thủ những quy định nhằm khắc phục “thẻ vàng” IUU đã có chuyển biến mạnh.

Bên cạnh đó, Bình Định đã thành lập 3 tổ thường trực tại cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan, hoạt động từ ngày 2/4/2018 đến nay.

Trong năm 2018, các tổ thường trực đã kiểm tra 11.646 lượt tàu xuất bến và 8.047 lượt tàu nhập bến. Trong 8 tháng đầu năm 2019, các tổ thường trực đã kiểm tra 11.466 lượt tàu xuất bến và 9.333 lượt tàu nhập bến. Anh em ở các cảng cá làm việc rất trách nhiệm. Vừa rồi Bộ NN-PTNT về kiểm tra và đánh giá cao công tác kiểm tra, kiểm soát tàu thyền xuất nhập bến của Bình Định.
 

Xử phạt nghiêm các hoạt động bất hợp pháp

EC cũng đặt nặng việc lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định, Bình Định đã triển khai công tác này đến đâu rồi, thưa ông?

Đến nay Bình Định đã có 521 tàu cá được lắp đặt máy định vị vệ tinh Movimar và hoàn tất việc lắp đặt thiết bị Movimar cho 70 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, đảm bảo theo lộ trình của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Đối với 2.976 chiếc tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m, hiện ngành nông nghiệp tỉnh đã có kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, 1.385 chiếc tàu làm nghề câu cá ngừ và nghề lưới kéo phải được lắp đặt trước ngày 1/1/2020 và 1.591 chiếc tàu làm nghề khác phải được lắp đặt trước ngày 1/4/2020.

13-54-13_2
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng tại Cảng cá Quy Nhơn.

Những tàu cá không mở máy Movimar theo quy định chúng tôi sẽ áp dụng các chế tài xử lý, như phạt vi phạm hành chính, không cho hưởng chính sách hỗ trợ, không cho ra khơi theo quy định của Luật Thủy sản.

Vấn nạn tàu cá đánh bắt gần bờ ra vào các cảng cá không tuân thủ các quy định gây ảnh hưởng đến nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” IUU, về vấn đề này Bình Định xử lý như thế nào?

Đáng quan ngại nhất là tàu giã cào. Tỉnh chỉ đạo cho Sở NN-PTNT phối hợp các cơ quan, địa phương ven biển hướng dẫn tàu thuyền hoạt động nghề giã cào chuyển đổi nghề; kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản ven bờ; thường xuyên thực hiện kiểm tra, kiểm soát tất cả các tàu cá ra vào cảng theo quy định; yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng phải thông báo cho Văn phòng đại diện ít nhất 1 giờ trước khi ra, vào cảng.

Trước mắt, tỉnh hạn chế tàu thuyền đánh bắt trái phép gần bờ ra, vào các cảng cá, đồng thời thực hiện hỗ trợ đối với các hộ gia đình ngư dân chuyển đổi ngành nghề, không làm các nghề cấm.

Có lẽ việc ngăn chặn tàu cá đánh bắt bất hợp pháp vẫn là mối lo lớn của Bình Định, thực trạng này hiện nay như thế nào, thưa ông?

Công tác này chúng tôi thực hiện rất quyết liệt, và sẽ còn quyết liệt hơn nữa đối với những tàu cá vi phạm. Bình Định buộc 100% chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước khác. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã làm đề cương tuyên truyền cụ thể, có bản đồ, sơ đồ vùng biển cung cấp cho từng hộ dân, từng tàu thuyền. Tuyên truyền viên cấp xã, huyện xuống từng hộ dân cũng phải nắm rõ nội dung phổ biến, nói sao cho ngư dân hiểu cụ thể những quy định về khai thác hải sản, như thế nào là trái phép, là xâm phạm vùng biển nước khác và sẽ bị xử lý ra sao nếu vi phạm.

Cả hệ thống chính trị ở Bình Định đang vào cuộc quyết liệt, chủ yếu phải làm sao để ngư dân, chủ tàu thuyền, thuyền trưởng hiểu thấu được việc khai thác thủy sản trái phép, không rõ nguồn gốc là gây tổn hại đến nền kinh tế, uy tín, danh dự của cả quốc gia.


Những quy định tối thiểu mà mỗi chủ tàu cá và ngư dân cần ghi nhớ khi ra khơi.

Tỉnh cũng đã giao cho ngành Công an, Bộ đội Biên phòng củng cố hồ sơ xử lý các chủ tàu, thuyền trưởng đã vi phạm; đưa chủ tàu, thuyền trưởng ra kiểm điểm trước dân; tước giấy phép hành nghề, đồng thời xử lý các tàu thuyền không đủ điều kiện. Đối với các tàu thuyền không có đủ giấy phép khai thác hợp pháp thì xử lý kiên quyết.

Nhờ đó, trong năm 2019 này số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm. Nếu như những năm trước, đến thời điểm này có đến 24 – 25 trường hợp vi phạm; nhưng qua 8 tháng đầu năm 2019, tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ giảm còn 6 trường hợp, hầu hết các tàu vi phạm không quay về địa phương mà ở hẳn trong vùng biển Kiên Giang hoạt động. Chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm trước dân những hộ chủ tàu vi phạm nói trên, sau khi mãn hạn tù về nước, chúng tôi tiếp tục xử phạt mỗi tàu vi phạm 1 tỷ đồng, đồng thời không cho các tàu ấy tiếp tục hoạt động nghề cá.

Công an tỉnh cũng đã phát hiện, đang điều tra, xác minh và sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bình Định đang vào cuộc quyết liệt trên mọi mặt trận để góp phần vào việc khắc phục “thẻ vàng” IUU.

Xin cảm ơn ông!

Chủ tàu cá và ngư dân cần ghi nhớ khi ra khơi

Thực hiện kế hoạch hành động Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), khắc phục Thẻ vàng IUU của Ủy ban Châu Âu đối với Việt Nam và hướng tới xây dựng Nghề cá bền vững, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã triển khai hoạt động đồng hành, tuyên truyền cho ngư dân dưới hình thức clip ngắn để ngư dân thực hiện tốt Luật Thủy sản 2017, khắc phục Thẻ vàng IUU.

Nội dung tuyên truyền những quy định đối với ngư dân và chủ tàu cá theo các nội dung tại Luật Thủy sản 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP và các văn bản pháp lý hướng dẫn Luật Thủy sản liên quan.

Mỗi chủ tàu cá và ngư dân ra khơi cần ghi nhớ những quy định tối thiểu sau:

1. Phải có Giấy phép khai thác thủy sản;

2. Treo cờ Việt Nam khi hoạt động;

3. Không sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm;

4. Không vi phạm về khai thác bất hợp pháp (IUU);

5. Tham gia cứu hộ, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển

6. Tàu từ 12m trở lên phải ghi nhật ký khai thác và nộp theo quy định;

7. Tàu từ 15m trở lên: phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định; thiết bị hoạt động liên tục 24/24 sau khi rời cảng:

- Kết nối với Hệ thống Giám sát tàu cá tại Trung ương và 28 tỉnh ven biển;

- Thiết bị tự động truyền qua hệ thống vệ tinh tối thiểu 2 giờ/lần (đối với tàu 24m trở lên); và 3 giờ/lần với các tàu 15-24m qua vệ tinh, thông tin di động GSM hoặc thông tin mặt đất.

- Dữ liệu giám sát tàu cá được sử dụng làm căn cứ xử phạt, xử lý tranh chấp trên biển, nên thiết bị phải lưu trữ được số lượng vị trí tối thiểu theo chuyến biển để hỗ trợ giải quyết.

8. Phải thông báo cho Cảng cá ít nhất 01 giờ trước khi cập cảng;

9. Tàu cá khai thác ngoài vùng biển Việt Nam phải có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế và có văn bản chấp thuận hoặc giấy phép của Tổng cục Thủy sản.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.