Báo Nông Nghiệp

Thứ Sáu, 10/1/2025 10:12 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Bình Dương mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Thứ Tư 24/05/2023 , 11:37 (GMT+7)

Bình Dương kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, hợp tác quốc tế và hợp tác phát triển liên tỉnh với TP.HCM và các tỉnh khác trên các lĩnh vực nông nghiệp...

Dư địa phát triển nông nghiệp rất lớn

Ngày 23/5, Sở NN-PTNT Bình Dương tổ chức hội thảo "Các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản". Theo Sở NN-PTNT tỉnh này, Bình Dương là tỉnh phát triển năng động, là địa bàn quan trọng gắn kết các tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh các thành tựu về công nghiệp, dịch vụ, ngành nông nghiệp Bình Dương phát triển tương đối ổn định (bình quân 3%/năm). Giá trị sản xuất nông nghiệp Bình Dương năm 2022 đạt gần 18.000 tỷ đồng, tỷ trọng là 2,7% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với 2 nguồn lực quan trọng: về diện tích đất nông nghiệp chiếm 75,63% diện tích tự nhiên của tỉnh, về lao động nông thôn chiếm 15,5% lực lượng lao động toàn tỉnh.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Trung.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Trung.

Các loại trái cây chủ lực của Bình Dương đa phần tiêu thụ nội địa. Bình quân sản lượng trái cây tiêu thụ khoảng 10.800 tấn/năm. Nông sản Bình Dương đã tiếp cận được một số thị trường thế giới, cụ thể như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Singapore, EU, Trung Quốc, New Zealand…

Hiện toàn tỉnh có 22 mã số vùng trồng của 17 cơ sở đã được Cục BVTV cấp với diện tích trên 1.000ha. Sau khi được cấp mã số vùng trồng, một số đơn vị đã ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác (chủ yếu là chuối). Còn lại các loại trái cây khác đang đàm phán, chờ hợp đồng. Ngoài ra cũng có một số loại trái cây khác cũng được xuất khẩu qua đơn vị trung gian…

Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương cho biết thêm, thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng và quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, Bình Dương đang dần hình thành những vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó có tiềm năng đáp ứng yêu cầu về vùng nguyên liệu, sản lượng xuất khẩu.

Măng cụt Lái Thiêu là một trong sản vật được cấp mà số vùng trồng sớm nhất và đang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Trần Trung.

Măng cụt Lái Thiêu là một trong sản vật được cấp mà số vùng trồng sớm nhất và đang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Trần Trung.

Song song đó, Bình Dương có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như chính sách về áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, chính sách vay vốn, chính sách liên kết sản xuất, chính sách về xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm... đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của các thị trường.

"Định hướng nông nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2030 là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn phát triển du lịch, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp 4 huyện phía Bắc của tỉnh bao gồm huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Các vùng đô thị phía Nam tập trung phát triển nông nghiệp đô thị", ông Phạm Văn Bông chia sẻ.

Giải pháp nào?

Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Minh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, đánh giá, Bình Dương quy hoạch nông nghiệp từ rất sớm và bài bản, hầu hết các nông trại đều khá lớn, sản lượng dồi dào, nguồn lực đầu tư vào kỹ thuật canh tác cao. Tuy nhiên, thực trạng sản xuất nông nghiệp Bình Dương vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, khó kết nối để xuất khẩu nông sản. Điều này biểu hiện rất rõ trong việc kết nối tiêu thụ giai đoạn dịch Covid-19. Theo TS Trần Minh Hải, khâu tổ chức liên kết sản xuất ở Bình Dương hiện còn kém. Bình Dương có nhiều HTX nông nghiệp nhưng quy mô và chất lượng đạt chuẩn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

TS. Trần Minh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn hiến kế tại hội thảo. Ảnh: Minh Sáng.

TS. Trần Minh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn hiến kế tại hội thảo. Ảnh: Minh Sáng.

“Xin nhắc lại, 'câu thần chú' của nông nghiệp Thái Lan là: chất lượng, chất lượng và chất lượng. Một điểm nhấn đặc biệt quan trọng khác là tính hợp tác ở Thái Lan rất cao. Điều này còn yếu ở trong nước cũng như tại Bình Dương. Hiện nay, Bình Dương đã có cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất khá tốt. Tuy nhiên, Bình Dương cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ nông dân tăng cường chất lượng sản phẩm, đa dạng hình thức marketing và nâng cao năng lực HTX. Một điều quan trọng nữa là Bình Dương phải sớm xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng. Bản đồ này sẽ làm căn cứ cho các huyện làm định hướng tổ chức sản xuất và liên kết. Ngoài ra, các chủ thể sản xuất, ở đây là các HTX cần đảm bảo cam kết sản xuất đúng tiêu chuẩn của doanh nghiệp và nước nhập khẩu...”, TS. Hải khuyến nghị.

Là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ nghệ cao, ông Phạm Quốc Liêm – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I chia sẻ, hầu hết các sản phẩm hiện nay của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái đều được tiêu thụ qua hợp đồng trực tiếp với đối tác là các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi và các đối tác nước ngoài. Điển hình như sản phẩm chuối già hương được xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia; sản phẩm dưa lưới được xuất khẩu sang Singapore.

Với thị trường rất tiềm năng và có khả năng tiêu thụ với quy mô lớn hơn, nhu cầu liên kết với các trang trại, nông hộ, các hợp tác xã trong vùng để hình thành các liên vùng chuyên canh các sản phẩm có lợi thế là một trong những xu hướng phát triển rất tiềm năng. Hiện nay, chủ đầu tư đang đi đầu trong việc hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy trình kỹ thuật sản xuất và xây dựng hệ thống phân phối, làm hạt nhân.

Ông Phạm Quốc Liêm – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Trần Trung.

Ông Phạm Quốc Liêm – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Trần Trung.

Mục tiêu của Unifarm khi tham gia vào ngành nông nghiệp là phải tìm ra những mô hình có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, từ đó nhân rộng ra cho người dân trong và ngoài tỉnh. Unifarm không bao giờ có định hướng cạnh tranh hay thay thế vai trò của người nông dân. Dựa trên cơ sở đó, Unifarm đã mời nhiều chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, đã thực nghiệm nhiều mô hình trồng trọt, và đã tìm ra được những mô hình trồng hiệu quả như dưa lưới, chuối... Đối với những mô hình đó, Unifarm không chỉ nghiên cứu vấn đề trồng trọt (sản xuất) thuần túy, mà là phải xây dựng cả chuỗi cung ứng mang tính hệ thống cho từng sản phẩm, bao gồm: trồng trọt, công nghệ sau thu hoạch, vấn đề logistics (vận tải, kho vận, hệ thống phân phối), phát triển thị trường trong và ngoài nước. 

Theo ông Phạm Văn Bông: “Để xuất khẩu nông sản, ngành nông nghiệp Bình Dương cần xác định quy mô sản xuất theo từng ngành hàng, cần quy mô lớn, tập trung để đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng như đảm bảo chất lượng đồng đều. Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo chuỗi giá trị, từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm chế biến; từ sản phẩm chế biến đơn giản sang chế biến sâu; từ sản phẩm giá trị gia tăng thấp sang sản phẩm giá trị gia tăng cao. Áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường một cách chặt chẽ đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và nâng cao uy tín của nông sản Bình Dương. Tổ chức truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và hành động khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố hoặc cảnh báo từ phía nhà nhập khẩu...”.

Các doanh nghiệp chuẩn bị nông sản xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.

Các doanh nghiệp chuẩn bị nông sản xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.

Phát biểu kết luận hội thảo, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương Phạm Văn Bông hoan nghênh tinh thần góp ý, xây dựng, hiến kế của các chuyên gia, doanh nghiệp. Ông Bông cũng nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được, ngành nông nghiệp địa phương còn tồn tại một số khó khăn như nông sản Bình Dương chủ yếu xuất khẩu dạng tươi, chưa qua chế biến nên giá trị xuất khẩu thấp. Một số loại nông sản có giá trị kinh tế cao như măng cụt chỉ trồng được ở một số vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên sản lượng không nhiều.

Bên cạnh đó, Bình Dương chưa hình thành được liên kết ngang giữa các hộ, trang trại sản xuất để đẩy mạnh, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm. Chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, chứng nhận quốc tế còn ít. Tỷ lệ sản phẩm có thương hiệu không nhiều làm giảm sức cạnh tranh, phần lớn xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô nên hạn chế sự tham gia sâu vào hệ thống phân phối bán lẻ của các nước nhập khẩu nên giá trị xuất khẩu còn thấp…

“Thông qua hội thảo, ngành nông nghiệp Bình Dương kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của các tỉnh có thể tham gia đầu tư, hợp tác quốc tế và hợp tác phát triển liên tỉnh với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, thương mại...”, ông Phạm Văn Bông nhấn mạnh.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Năm 2024 là một năm thành công đối với ngành cà phê Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu đạt 5,48 tỷ USD nhờ giá tăng mạnh.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.