Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Bình Dương nhanh chóng quay trở lại sản xuất với không khí làm việc sôi động. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý II/2025, thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng lao động.
Ông Nguyễn Quang Phong, đại diện Phòng nhân sự Công ty TNHH Bao bì Vĩnh Hưng Đạt (KCN Tân Bình), cho biết công ty đang cần tuyển thêm lao động do lượng đơn hàng tăng cao. Tuy nhiên, việc tìm kiếm lao động phổ thông đã khó, tuyển dụng lao động có tay nghề cao lại càng khó hơn. Để giải quyết, công ty đã triển khai tuyển dụng qua nhiều kênh và tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.
Nhờ sự thích ứng linh hoạt, doanh nghiệp tại Bình Dương đã nhanh chóng nắm bắt sự phục hồi của thị trường xuất khẩu. Ông Phan Thành Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP.Thuận An), chia sẻ công ty đã chủ động nâng cao tỷ lệ nội hóa nguyên liệu, đầu tư vào máy móc hiện đại, tự động hóa quy trình sản xuất để nâng cao năng suất, giảm chi phí lao động, đáp ứng yêu cầu giao hàng nhanh và tiêu chuẩn chất lượng.
![Các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao để giám sát và xử lý nhanh giao dịch xuất nhập khẩu. Ảnh: Trần Phi.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/z6303923142667_2f21d1b4b08a8d4952948dd0c05dfc6c-125725_897-125725.jpg)
Các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao để giám sát và xử lý nhanh giao dịch xuất nhập khẩu. Ảnh: Trần Phi.
“Để tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật quy định từ các thị trường xuất khẩu, đầu tư công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và quản lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Đức cho biết.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Bình Dương, nhận định năm 2025, ngành da giày cần tái cấu trúc để thích ứng với các biến động, đặc biệt là sự thay đổi chính sách nhập khẩu từ Hoa Kỳ, thị trường chiếm gần 40% tỷ trọng xuất khẩu của ngành.
“Doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị để duy trì thị phần. Đồng thời, cần đảm bảo xuất xứ hàng hóa rõ ràng, tránh bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn”, ông Vũ nhấn mạnh.
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Dương, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất để cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế. Bên cạnh đó, cần tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) để hưởng ưu đãi thuế quan và mở rộng thị phần.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết hệ thống hải quan tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao để giám sát và xử lý nhanh giao dịch xuất khẩu, nhập khẩu giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả trong công tác thuế.
Bà Phan Thị Khánh Duyên nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh biến động của thị trường thế giới, doanh nghiệp cần đổi mới sản xuất, chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA thế hệ mới, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường bền vững.