| Hotline: 0983.970.780

Bình Liêu đánh thức tiềm năng du lịch

Thứ Hai 01/12/2014 , 08:20 (GMT+7)

Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) là địa phương có tiềm năng để phát triển du lịch. 

Nơi đây có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp vẫn còn hoang sơ với những ruộng bậc thang, cánh rừng hồi, quế thơm nồng, bãi “đá thần” ở dãy núi Cao Ba Lanh hùng vĩ... Và, huyện đang thực hiện nhiều biện pháp để đánh thức tiềm năng này.

Nhiều thắng cảnh

Là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, có diện tích 471,5km2, Bình Liêu nổi tiếng với phong cảnh tươi đẹp, nguyên sơ hoà cùng với nhiều nét văn hoá đặc sắc còn được lưu giữ. Từ lâu Bình Liêu được ví như một Sapa thu nhỏ nổi tiếng với nhiều thắng cảnh tự nhiên.

Thác Khe Vằn, “đệ nhất hùng thác”, là danh thắng khá nổi tiếng ở Bình Liêu được rất nhiều bạn trẻ yêu thích du lịch “phượt” đến khám phá. Khe Vằn là thác nước cao gần 100m, không gian rộng với ba tầng nước chảy rì rào như bản hùng ca đêm ngày của núi rừng. Mỗi tầng thác mang một hình thế, một dáng vẻ khác nhau tạo nên một phong cảnh thực kỳ thú.

Cùng với Khe Vằn, đến Bình Liêu không thể không nói đến một loài hoa đặc trưng là hoa sở. Mỗi dịp xuân về, trên những cánh rừng, những con đường, bản làng... đều bạt ngàn một màu trắng tinh khôi của hoa sở. Loài hoa này sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm vô cùng thích thú khi đến đây.

Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, Bình Liêu còn giữ được nét văn hoá bản địa đặc sắc của những bản làng dân tộc Dao, Sán Chỉ, với những mái nhà theo lối kiến trúc đơn sơ, mộc mạc.

Cùng với đó, ở đây còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán sinh hoạt văn hoá dân gian của nhiều dân tộc như: Lễ hội Đình Lục Nà diễn ra từ 16 đến 18 tháng Giêng âm lịch, lễ hội Au Pò của người Tày và người Sán Chỉ vào dịp rằm tháng Ba âm lịch, lễ hội hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ vào dịp 16/3 âm lịch, lễ hội hát Sán Cố của người Dao, rồi nghi lễ Then cổ của người Tày…

Ngoài ra, Bình Liêu còn có một số sản phẩm may thêu thủ công cũng như nhiều món ăn truyền thống mang đậm bản sắc của các dân tộc thiểu số vùng miền núi Bắc Bộ...

Doanh nghiệp vào cuộc

Tại Hội nghị phát triển du lịch Bình Liêu năm 2014, thu hút trên 20 Cty lữ hành du lịch, khảo sát, xây dựng tour đưa du khách tới tham quan, hầu hết các DN đều đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh và tin tưởng rằng Bình Liêu sẽ tận dụng tốt để phát triển du lịch văn hóa.

Một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này là Cty TNHH MTV Nam Phong. Đơn vị đã cung cấp đối tác là hơn 20 hãng lữ hành trong nước tham quan khảo sát, đồng thời thí điểm khảo sát, thực hiện một số tour khả quan.

Theo đó đơn vị dự kiến sẽ tổ chức các tour Hạ Long - Bình Liêu trong 1 ngày và 2 ngày, khám phá những nét độc đáo, mới lạ của các điểm tham quan như: Thác Khe Vằn, bản Sú Cáu, núi Cao Ba Lanh, ruộng bậc thang...; thưởng thức một số món ăn truyền thống (xôi 7 sắc, miến dong Bình Liêu, cá suối nướng, canh rau rừng...); ngoài ra còn được thưởng thức những làn điệu dân ca mượt mà (hát Soóng Cọ, hát Then - đàn tính...). Đơn vị cũng mong muốn sớm đưa các tour này vào đón khách trong nước và quốc tế. 

Để phục vụ phát triển tuyến điểm du lịch, Bình Liêu cũng tích cực phối hợp, khuyến khích các DN du lịch, khảo sát xây dựng tuyến điểm du lịch, đồng thời tích cực gìn giữ khôi phục các giá trị văn hoá...

Cụ thể, thời gian qua Bình Liêu đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể như hát Then của người Tày, Soóng Cọ của người Sán Chỉ, Sán Cố của người Dao và một số lễ hội văn hóa truyền thống đang được huyện bảo tồn và phục dựng...

Nếu ví Quảng Ninh là một Việt Nam thu nhỏ thì Bình Liêu có thể coi là đại diện cho vùng miền núi và dân tộc ít người. Bình Liêu là một huyện miền núi nghèo nằm ở Tây Bắc Quảng Ninh, cách Hạ Long khoảng 120km, dân số khoảng 3 vạn người, trong đó hơn 96% là người các dân tộc như Tày, Dao, Sán Chay…
Với cấu trúc địa hình đa dạng của miền núi cao thuộc cánh cung Đông Triều - Móng Cái nên Bình Liêu được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan tươi đẹp.

Đối với Húc Động, nơi có thắng cảnh thác Khe Vằn được các DN lữ hành đánh giá cao, huyện cho khảo sát, đánh giá thực tế xây dựng “điểm du lịch cộng đồng”, thành lập 5 Câu lạc bộ Soóng Cọ tại Húc Động, khảo sát, sưu tầm và lập đề cương trưng bày hiện vật (các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ...) tại nhà văn hoá xã Húc Động.

Bên cạnh đó, Bình Liêu còn tổ chức các lớp đào tạo du lịch có trách nhiệm, tổ chức tham quan, học tập mô hình du lịch “làng cộng đồng” tại Hoà Bình, tích cực  tuyên truyền, quảng bá tài nguyên, tiềm năng thế mạnh du lịch Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch...

Tuy có tiềm năng lớn nhưng ông Trịnh Văn Duyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho rằng, việc triển khai còn gặp không ít khó khăn. Trên thực tế, các DN du lịch khảo sát các tuyến điểm du lịch đều thấy những bất cập về hạ tầng, giao thông vào các tuyến điểm, thắng cảnh, việc đảm bảo an toàn tại các tuyến điểm...

Cụ thể trong chuyến khảo sát thác Khe Vằn, không ít Cty lữ hành băn khoăn về con đường khoảng 10km qua xã Húc Động vào thác Khe Vằn nhỏ hẹp và khó đi; không thể đáp ứng các xe lớn, hoặc để tham quan làng bản, cuộc sống của người dân, hầu như du khách phải đi bộ rất nhiều. Điều này khiến không ít khách thấy bất tiện và mệt mỏi sau tour tham quan.

Một trong các vấn đề được các lữ hành quan tâm đó là các yếu tố để hấp dẫn giữ chân du khách ngoài cảnh quan tự nhiên, đó là: Hệ thống nhà hàng, điểm nghỉ chân, lưu trú phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách, điểm mua sắm hàng lưu niệm, hoạt động hấp dẫn giữ chân du khách... Ngoài ra, huyện cũng chưa chú trọng đến tuyên truyền, quảng bá và có chính sách ưu đãi để thu hút nhiều hãng lữ hành đưa khách tới Bình Liêu. 

Được biết, huyện Bình Liêu đã phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh thống nhất chủ trương và định hướng nội dung, lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đây là cơ sở quan trọng để Bình Liêu đẩy nhanh việc phát huy tiềm năng phát triển du lịch, tạo điều kiện, thu hút các DN du lịch. Ngoài ra, huyện có những chính sách hỗ trợ phù hợp cho những DN tiên phong khai phá, phát triển du lịch địa phương...

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm