| Hotline: 0983.970.780

Bình Liêu vươn mình từ kinh tế lâm nghiệp

Chủ Nhật 30/07/2023 , 11:31 (GMT+7)

Huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) đã vươn mình mạnh mẽ khi phát huy thế mạnh lâm nghiệp ở địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế.

Năm 2022, sản lượng quế khô ở huyện Bình Liêu đạt 420 tấn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Năm 2022, sản lượng quế khô ở huyện Bình Liêu đạt 420 tấn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Huyện Bình Liêu có 18.000ha rừng phòng hộ, 22.000ha rừng sản xuất, nhờ công tác quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng, nhiều hộ dân ở đây đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu nhờ kinh tế rừng.

Theo đó, trong 2 năm qua, toàn huyện đã thực hiện trồng được 23.300 cây phân tán, gồm cây hồi, sở, đào, giổi và cây bóng mát. Về trồng rừng tập trung đã thực hiện được hơn 1.300ha, trong đó, rừng phòng hộ (trồng rừng thay thế) đạt 195ha, rừng sản xuất đạt 1.140ha với chủng loại cây trồng chủ yếu là keo, thông, sở, quế. 

Nhờ mở rộng diện tích rừng cùng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh và huyện, người dân địa phương đã mạnh dạn phát triển kinh tế từ rừng, tích cực tham gia sản xuất lâm nghiệp với những mô hình hiệu quả, mang lại thu nhập cao. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, thu nhập từ rừng đã giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Ông Hoàng Ngọc Hoa (thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) chia sẻ, gia đình ông có 3ha trồng hồi và quế. Năm 2021, ông Hoa thu hoạch được 16 tấn hoa hồi tươi, giá bán gần 50.000đ/kg hồi tươi và dao động mức 200.000đ/kg hồi khô. Ông Hoa vui vẻ nói: "Hồi thu hoạch đến đâu có người thu mua hết đến đấy nên không có hàng tồn. Cây hồi cũng giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế từ nhiều năm nay".

Còn tại xã Húc Động, khoảng 50% số hộ đang trồng quế, hồi với tổng diện tích khoảng hơn 1.000ha. Nguồn thu từ rừng ổn định, quế, hồi được chăm sóc tốt sẽ cho sản lượng cao. Nhiều gia đình trong xã không có đất để trồng quế, hồi đã tham gia thu mua vỏ quế, hoa hồi, khai thác nhựa thông hoặc làm dịch vụ vận chuyển, bóc vỏ quế, khai thác hoa hồi thuê cho những hộ khác.

Người dân huyện Bình Liêu cũng đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng năng suất, giá trị của cây quế, hồi, sở, nhân sâm tím, dong riềng. Chính quyền địa phương đã giao đất, giao rừng, hỗ trợ cây trồng để người dân tiếp tục phát triển lâm nghiệp.

Người dân địa phương có thêm thu nhập khoảng 300.000đ/ngày từ việc vận chuyển, bóc vỏ quế thuê. Ảnh: Vũ Cường.

Người dân địa phương có thêm thu nhập khoảng 300.000đ/ngày từ việc vận chuyển, bóc vỏ quế thuê. Ảnh: Vũ Cường.

Không chỉ trồng, khai thác sản lượng lâm sản đơn thuần, nhiều hộ dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chế biến lâm sản, sản xuất sản phẩm OCOP Bình Liêu như dầu sở, các loại tinh dầu tự nhiên hồi, quế... Đồng thời, gắn phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, tiêu biểu Hội hoa sở được tổ chức lần đầu năm 2015 đến nay đã khẳng định thương hiệu du lịch đặc trưng riêng có ở huyện miền núi Bình Liêu.

Hiện nay, phát triển kinh tế rừng đã giúp người dân trên địa bàn huyện Bình Liêu nói riêng, các địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Bình Liêu đang tiếp tục giao đất, giao rừng cho người dân, nhằm đảm bảo 100% diện tích rừng trên địa bàn đều có chủ, qua đó tạo dư địa về rừng để người dân có thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống.

Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết, trong năm 2023, huyện Bình Liêu sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa đời sống cho người dân miền núi, biên giới, bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đặt mục tiêu sẽ giải quyết việc làm mới cho 600 lao động trở lên; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng trên 83%.

Đến hết quý I/2023, Bình Liêu đã có trên 10.200ha hồi, quế, sở, tăng 1.300ha so với năm 2017. Huyện cũng đã trồng được 120 ha cây gỗ lớn lâu năm có giá trị kinh tế cao như lim, dổi, lát, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Từ khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng, đến hết năm 2022, huyện Bình Liêu cơ bản không còn hộ nghèo.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.