| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận kiên quyết chuyển đổi

Thứ Ba 07/04/2020 , 09:01 (GMT+7)

Bình Thuận là một trong những vùng khô hạn nhất nước. Tuy nhiên phần lớn diện tích nông dân đều sản xuất 3 vụ lúa/năm, đã gây ra nhiều bất cập.

Nông dân Bình Thuận vẫn thói quen sản xuất lúa 3 vụ lúa/năm. Ảnh: Lê Khánh.

Nông dân Bình Thuận vẫn thói quen sản xuất lúa 3 vụ lúa/năm. Ảnh: Lê Khánh.

Bất cập

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh có trên 50.000 ha đất canh tác lúa, với trên 110.000ha gieo trồng (đông xuân, hè thu và vụ mùa), sản lượng bình quân khoảng 650 – 700 ngàn tấn/năm.

Diện tích lúa trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu tại 4 huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Tuy nhiên phần lớn diện tích lúa hiện nay nông dân đều sản xuất 3 vụ/năm, do đó đã gây ra một số bất cập trong sản xuất.

Theo Cty TNHH MTV KTCTTL Bình Thuận, gần 70% tổng diện tích lúa trên địa bàn trồng 3 vụ. Trong khi đó đa số nông dân áp dụng phương pháp tưới truyền thống là tưới ngập. Lượng nước tưới cho 1 ha lúa cao khoảng 2,5 lần so với cây trồng cạn khác.

Những năm gần đây tình hình hạn hán trên địa bàn ngày càng nghiêm trọng, thiếu nước thường xuyên xảy ra. Cuối mùa mưa các hồ chứa thường không tích đủ nước theo thiết kế, hàng năm phải cắt giảm diện tích. Vì vậy công tác cân đối, điều tiết nước tại các hồ chứa gặp nhiều khó khăn.

Ghi nhận tại cánh đồng lúa với diện tích 80 ha thuộc HTX nông nghiệp Hòa Thành, thị trấn Phú Long (huyện Hàm Thuận).

Đặc điểm cánh đồng lúa này nằm cuối kênh tưới cấp 1 của hệ thống thủy lợi (cuối điền), nên mùa nắng là khô hạn trước, còn mùa mưa lại hay ngập úng, nhưng bà con nông dân vẫn sản xuất 3 vụ lúa/năm.

Ông Đỗ Văn Mao, giám đốc HTX nông nghiệp Hòa Thành cho biết, thật ra làm lúa chẳng có lời lãi gì vì các phí đầu tư mỗi năm đều tăng cao.

Ở vụ ĐX bà con làm lúa cho năng suất trung bình từ 60 - 65 tạ/ha, còn vụ hè thu từ 50 - 60 tạ/ha và vụ mùa 45-50 tạ/ha. Tập quán của bà con sống chết gì cũng lúa, làm quanh năm.

Bình Thuận có trên 50.000 ha đất canh tác lúa, với sản lượng bình quân khoảng 650 – 700 ngàn tấn/năm. Ảnh: Lê Khánh.

Bình Thuận có trên 50.000 ha đất canh tác lúa, với sản lượng bình quân khoảng 650 – 700 ngàn tấn/năm. Ảnh: Lê Khánh.

Giải pháp

Theo Cty TNHH MTV KTCTTL Bình Thuận, trước tình hình hạn hán như hiện nay, trong khi trên địa bàn tỉnh chưa đầu tư thêm công trình tích trữ nguồn nước thì giải phát tốt nhất là giảm lượng nước tưới cho 1 đơn vị diện tích cây trồng.

Vì vậy cần hướng dẫn nông dân áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm hoặc chuyển đổi 1 vụ lúa sang cây trồng cạn, giảm được lượng nước sử dụng để tăng diện tích gieo trồng.

Trong vụ đông xuân nếu chuyển được 1 ha lúa nước sang cây trồng cạn thì diện tích sản xuất tăng lên 2,5 lần. Để thực hiện được việc này cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự hợp tác của người dân.

Những năm gần đây do ảnh hưởng hạn hán các hồ chứa ở Bình Thuận tích nước thấp. Ảnh: Lê Khánh.

Những năm gần đây do ảnh hưởng hạn hán các hồ chứa ở Bình Thuận tích nước thấp. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Phan Văn Tấn, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Thuận bày tỏ sẽ chỉ đạo kiên quyết lịch thời vụ, không để tình trạng xuống giống kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho các sâu bệnh phát sinh. Bố trí xuống giống từng vùng, từng cánh đồng phải thực hiện phương châm “đồng loạt, tập trung”. Khuyến cáo nông dân áp dụng biện pháp cày ải phơi đất, làm đất kỹ nhằm tiêu diệt mầm mống sâu bệnh còn tồn lưu. Với giống, yêu cầu dùng giống cấp xác nhận trở lên. 

Đối với những vùng sản xuất lúa bấp bênh, không chủ động nước, ngành nông nghiệp khuyến khích người dân chuyển đổi sang các cây trồng cạn khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, gắn với thị trường tiêu thụ.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình 2 lúa + 1 màu.

Đến nay, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa từ lúa 3 vụ sang 2 lúa + 1 màu/bắp đạt kết quả khá cao.

Cụ thể năm 2018 chuyển đổi được 3.119 ha và năm 2019 có 5.184 ha. Riêng vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh có 4.610 ha chuyển sang sản xuất những cây hàng năm khác như: bắp, rau các loại, đậu các loại, dưa hấu, đậu phộng... Các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đều cho năng suất, hiệu quả cao hơn so với sản xuất lúa. Đặc biệt các mô hình đều tiết kiệm lượng nước tưới từ 50-55% (tùy thuộc vùng đất).   

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.