Kết quả và hạn chế
Trong năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận diễn biến phức tạp, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bình Thuận, thời gian qua hệ thống dân vận trong tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai các nội dung phối hợp tham gia xây dựng NTM và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả gắn với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…; phong trào thi đua tập trung vào các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, an sinh xã hội, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những gia đình bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM.
Tính cuối năm 2021, toàn tỉnh có thêm 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Cụ thể, xã Bình An (Bắc Bình); Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc); Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam); Gia An (Tánh Linh) nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 69/93 xã, đạt 74,2%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Điển hình kết quả huy động nguồn lực thực hiện chương trình chưa cao; các phong trào thi đua trong xây dựng NTM chưa đều khắp ở các địa phương. Liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế; sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều; giá cả nông sản thiếu ổn định; giá nguyên liệu đầu vào (phân bón, thuốc BVTV, thức ăn gia súc…) tăng cao.
Môi trường tại một số khu dân cư vẫn chưa được cải thiện, còn xảy ra tình trạng vứt rác, xả nước thải chưa qua xử lý ra các sông, kênh mương làm ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường tại các xã điểm xây dựng NTM.
Tại một số thôn trên địa bàn xã chưa thành lập các tổ dịch vụ thu gom rác thải, một số khu vực vẫn còn xảy ra tình trạng hộ gia đình đổ rác chưa đúng nơi quy định, đúng thời gian, do đó gây khó khăn cho việc thu gom và xử lý rác trên địa bàn xã. Việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ sở sản xuất kinh doanh tại các xã điểm xây dựng NTM chưa cao.
Nhiều làng nghề nông thôn đều chưa có hệ thống xử lý nước thải do thiếu kinh phí, đa số cơ sở trong làng nghề hoạt động với quy mô hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, sản xuất phân tán, thiết bị công nghệ lạc hậu... nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác BVMT, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn nông thôn vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…
Sẽ nâng cao chất lượng các tiêu chí
Về nhiệm vụ, giải pháp xây dựng NTM trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận kiêm Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, cho biết, sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, tham mưu điều hành, chỉ đạo, tổng hợp cụ thể hóa kịp thời và hoàn thiện hệ thống văn bản thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, thực hiện theo hướng gắn với đô thị hóa, bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp và an toàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.
Phát huy vai trò chức năng Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát đối với các chương trình, dự án và các công việc liên quan đến tổ chức triển khai xây dựng NTM ở địa phương.
“Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí NTM, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hoá và an ninh trật tự. Đối với các xã đạt chuẩn, tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng NTM nâng cao. Đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM phải bảo đảm chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích, phấn đấu cuối năm đạt kế hoạch”, ông Phước chia sẻ.
Để đạt mục tiêu trên, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bình Thuận sẽ vận động, khuyến khích người dân tham gia, đóng góp xây dựng NTM theo hình thức tự nguyện, không huy động quá sức dân và để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản của Chương trình. Cùng với đó vận động các tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ địa phương (huyện, xã) thực hiện xây dựng NTM.
Các sở, ngành tiếp tục theo dõi địa bàn và tiêu chí của ngành mình phụ trách. Kiểm tra, nắm bắt tiến độ triển khai để kịp thời cùng với địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao.
Cũng như tiếp tục thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh đối với các sản phẩm đạt 3, 4 sao, nghiên cứu xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Trong năm 2022, tỉnh Bình Thuận sẽ phấn đấu thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 71/93 xã (đạt 76,34%) và 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với đó tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cũng như tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ gắn liên kết theo chuỗi giá trị, thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Dự kiến kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM gần 1.400 tỷ đồng.