| Hotline: 0983.970.780

Bỏ bê nương rẫy vì sợ voi dữ tấn công

Chủ Nhật 20/03/2011 , 13:54 (GMT+7)

Người dân ở xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo (Đăk Lăk), không dám vào rẫy để thu hoạch vì sợ gặp voi dữ...

Đang là cao điểm mùa thu hoạch sắn, điều nhưng người dân ở xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo (Đăk Lăk), không dám vào rẫy để thu hoạch vì sợ gặp voi dữ, sau sự cố một người bị "ông bồ" giẫm chết.

Tối 13/3, hai anh Trần Văn Tư và Hà Văn Thuật trên đường đi làm rẫy về, đến khu vực rừng giáp ranh giữa huyện Ea Súp (Đăk Lăk) và xã Ia Mơr (Gia Lai) thì gặp một con voi đực to lớn, có ngà. Hai người hoảng hốt bỏ chạy, bị voi đuổi theo. Anh Thuật chạy thoát vào đường rẽ, còn anh Tư hướng thẳng trên con đường mòn nên bị voi giẫm chết.

Ea H’leo có diện tích hơn 34.000 ha, dân số hơn 11.000 người, sống chủ yếu bằng nông nghiệp với các cây trồng chủ lực là mì, cà phê, tiêu, bông, cao su... Lâu nay, khi vào rừng, lên nương rẫy sản xuất, người dân vẫn thường xuyên gặp voi rừng. Để tỏ lòng kính trọng, họ thường gọi voi là “ông”.

Vào mùa khô, voi thường xuống sát bìa rừng nơi người dân canh tác để tìm thức ăn, nước uống; phá hoại hoa màu, lán trại. Tuy nhiên, đối với người dân nơi đây, xưa nay voi rừng vẫn hiền, có thể đuổi đi được chứ chưa bao giờ chúng rượt đuổi, giẫm chết người.

Một chòi rẫy của người dân ở trong rừng điều bị voi quật đổ

Anh Thuật, người thoát nạn khi bị voi đuổi, cho biết: “Vì phải thường xuyên lên nương vào rừng làm rẫy nên tôi thường xuyên gặp 'ông bồ' (voi), nhất là vào mùa khô. Năm ngoái, tôi cũng đã gặp chính 'ông' đã giẫm chết anh Tư, nhưng lúc đó 'ông' không hề rượt đuổi mà chỉ lẳng lặng đứng bóc ruột cây chuối ăn ngon lành”.

Ma Thiên (79 tuổi, người dân tộc Jrai), người đã gắn bó lâu năm với vùng núi rừng giáp ranh giữa huyện Ea Súp và xã Ia Mơr kể, năm nào “ông” cũng về, có lúc đi thành đàn, có lúc đi một mình. Lâu nay chỉ thấy “ông” phá chòi canh rẫy để tìm muối, phá hoa màu để ăn chứ chưa bao giờ giẫm chết người cả.

Với tâm lý voi hiền, gặp voi là “chuyện thường ở huyện”, nên khi đêm về, vẫn có hàng trăm người ngủ lại trong các chòi canh dưới đất để trông giữ nông sản, bơm thuốc cho cây trồng. Họ được trang bị một số cách phòng tránh, xua voi theo kiểu kinh nghiệm, như: đốt lửa, gõ xoong nồi, nếu khi voi rượt thì chạy vòng quanh hoặc chạy xuống dốc...

Tuy nhiên, sau cái chết của anh Tư , cả tuần nay hàng trăm hộ nông dân ở đây hết sức hoang mang, không dám vào rừng để sản xuất, thu hoạch mì, điều, vì sợ điều không may lại xảy đến.

Theo thống kê của UBND xã Ea H’leo, trong vùng voi xuất hiện có khoảng 300 ha điều của người dân nhận khoán từ Dự án 327 và hơn 200 ha sắn đang trong thời điểm thu hoạch. Bình quân mỗi đêm có khoảng 150-200 người ở lại để phun thuốc điều và thu hoạch sắn.

Chị Lục Thị Liên, vợ anh Thuật, than thở: "Vườn điều 4 ha dưới chân núi của nhà tôi đang bắt đầu chín bói nhưng thuê người hái không ra vì ai cũng sợ gặp voi". Anh Hà Văn Ban, ở thôn 1, xã Ea H’leo, cho biết: Trước đây, tối đến, cha con anh ở lại chòi canh để đốt lửa xua “ông” xuống phá sắn. Nhưng nay, nghe “ông” nổi nóng, giẫm chết người, cả nhà anh không dám ở lại đêm nữa.

"Chúng tôi tranh thủ buổi sáng vần công cho nhau thu hoạch sắn, chứ buổi chiều không dám lên rẫy vì sợ gặp 'ông'", anh Ban nói. 

Ngoài những người nông dân địa phương, còn có hàng trăm dân tứ xứ đang bám trụ tại đây từ đầu mùa khô để vào rừng sâu tìm kiếm phong lan, nu cây, gỗ quý... cũng đang lo sợ không dám mạo hiểm vào rừng. Có người đã phải trở về quê, vì quá sợ hãi. Anh Trần Văn Sáng, một người chuyên đi rừng tìm nu cây đến từ Bình Định, đang ngồi uống cà phê với đồng nghiệp tâm sự: "Tui đang chuẩn bị khăn gói để về nhà chứ nghe voi hung dữ như thế này mà vào rừng chỉ có nước nộp mạng".

Sau cái chết của anh Tư, nhiều tin đồn voi quật chết thêm người cũng lan nhanh ở địa phương mấy ngày qua, khiến nông dân thêm lo sợ. Trao đổi với PV, ông Lê Trọng Trinh, Chủ tịch UBND xã Ea H’leo, xác nhận: “Tình trạng người dân địa phương đang hoang mang, lo sợ, không dám lên rừng làm nương rẫy, thu hoạch nông sản là có thật”.

Theo ông Trinh, trước mắt, địa phương đã cử một tổ công tác túc trực thường xuyên trên địa bàn có voi rừng xuất hiện để phối hợp với buôn làng cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn người dân một số biện pháp xua voi, cách chạy trốn nếu bị voi rượt đuổi.

“Về lâu dài, các cấp, các ngành cần sớm có biện pháp khả thi để vừa bảo vệ tính mạng, thành quả lao động của người dân, vừa ngăn chặn sự xâm hại đối với voi rừng có thể sẽ xảy ra”, ông Trinh trăn trở.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.