| Hotline: 0983.970.780

Bò dự án chưa được tiêm phòng

Thứ Tư 27/03/2019 , 13:15 (GMT+7)

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) thừa nhận, thời điểm nhận bò, bên B không xuất trình bất kỳ một loại hồ sơ gì, kể cả hồ sơ kiểm dịch đối với 24 con bò. Và việc tiêm phòng, kiểm dịch chỉ dựa vào “niềm tin”...

13-13-45_1
Bò dự án chưa được tiêm phòng?

Về vụ giao bò dự án còi cọc, thiếu trọng lượng mà Báo NNVN đã lên tiếng, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cung cấp PV xem hồ sơ 24 con bò dự án giảm nghèo nhanh và bền vững cho thấy, những hồ sơ này có nhiều uẩn khúc, chưa đủ chứng minh bò đã được tiêm phòng trước khi cấp cho dân.
 

Hợp đồng mua bán mù mờ

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết, năm 2018, xã làm chủ đầu tư dự án giảm nghèo bền vững, cấp 24 con bò cho 24 hộ nghèo, cận nghèo với tổng tiền 300 triệu đồng. Ngoại trừ 18 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo khi nhận bò sẽ phải “đối ứng” 2 triệu đồng/hộ. Các hộ nhận bò sẽ được cấp 150 nghìn tiền thuốc thú y, 2 triệu đồng làm chuồng (hộ nghèo) và hộ cận nghèo nhận 1,6 triệu đồng. Số tiền còn lại chi cho công tác triển khai và đều sử dụng đúng mục đích.

Ông Bình khẳng định, các hộ đều được nhận bò có trọng lượng 120 kg. Thế nhưng, một hộ cận nghèo nhận bò khẳng định, họ phải nộp cho xã 2,4 triệu đồng. Một hộ nghèo khác nói, họ chưa được nhận 150 nghìn đồng tiền thuốc thú y. Việc thu tiền “đối ứng” của hộ cận nghèo cũng không có biên lai nhận tiền.

Bà Phùng Thị Thêm, kế toán xã Hoằng Phụ trần tình: “Tôi có sơ suất là không xuất biên lai thu tiền “đối ứng”. Hiện vẫn còn 3 hộ chưa được nhận tiền làm chuồng vì thực tế họ chưa xây dựng chuồng. Hộ cận nghèo chỉ nộp 2 triệu đồng để nhận bò chứ không phải 2,4 triệu đồng như họ phản ánh”.

Theo tìm hiểu, trong hợp đồng mua bán bò lập ngày 15/12/2018 giữa UBND xã Hoằng Phụ và ông Phạm Bá Hùng, công dân xã Hoằng Đông, huyện Hoằng Hóa (đơn vị cấp bò), tổng số tiền mua bò là 240 triệu đồng (10 triệu đồng/con), bò có trọng lượng 130 kg.

Hồ sơ cấp bò dự án có nhiều khuất tất

Biên bản nghiệm thu ngày 28/12/2018 cũng nêu rõ, bò có trọng lượng 130 kg, được tiêm phòng đầy đủ. Biên bản này chỉ có 2/6 thành viên UBND xã tham gia nghiệm thu ký bao gồm ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã và bà Nguyễn Thị Nguyệt, cán bộ địa chính. Từ đó, hai bên đi đến thống nhất thanh lý hợp đồng.

Tại buổi bàn giao bò, Trạm Thú y huyện Hoằng Hóa (đơn vị chuyên môn về công tác phòng chống dịch) không được mời tham dự và cán bộ Phòng LĐTB xã hội huyện cũng không có mặt. Thực tế, người dân nhận bò vào ngày 9/1/2019 chứ không phải là ngày 28/12/2018 như biên bản giao bò. Và trọng lượng bò là 120 kg thay vì 130 kg như hợp đồng đã ký.

Những điều khập khiễng trong các văn bản trên khiến người dân nghi ngờ có nhiều khuất tất trong việc triển khai dự án giảm nghèo bền vững tại xã Hoằng Phụ.
 

Bò dự án chưa tiêm phòng?

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ thừa nhận, thời điểm nhận bò, bên B không xuất trình bất kỳ một loại hồ sơ gì, kể cả hồ sơ kiểm dịch đối với 24 con bò. Và việc tiêm phòng, kiểm dịch chỉ dựa vào “niềm tin” giữa UBND xã Hoằng Phụ và ông Phạm Bá Hùng.

Liệu niềm tin ấy có đáng tin cậy hay không khi bên B chỉ cung cấp giấy chứng nhận tiêm phòng từng cá thể bò sau gần 3 tháng bàn giao bò cho người dân? Câu hỏi đặt ra là vì sao UBND xã Hoằng Phụ vẫn chấp nhận để nhận bò cấp cho hộ dân khi không đầy đủ hồ sơ thủ tục? “Trong hợp đồng, ông Hùng cam kết có đầy đủ chứng nhận tiêm phòng, kiểm dịch nhưng lúc đó cận tết nên họ bảo hôm sau sẽ mang tới(?)”, ông Bình phân trần.

Thời điểm ông Bình cho là cận tết, theo hồ sơ giao bò ngày 28/12/2018, tức là nhằm ngày 22/11 năm Mậu Tuất. Còn theo giấy mời UBND xã Hoằng Phụ gửi các hộ dân thì ngày nhận bò là 9/1/2019, tức là còn cách Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 26 ngày. Vì lý do gì bên B lại không kịp hoàn thiện thủ tục cấp bê dự án?

Khi làm việc với PV (sáng 21/3/2019), ông Bình không cung cấp được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến tiêm phòng và chứng nhận kiểm dịch. Chiều 21/3/2019, ông Bình cung cấp “hồ sơ kiểm dịch” bao gồm 24 giấy chứng nhận tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trung (LMLM- THT) ghi ngày 28/9/2018 do Trạm Thú y huyện Hoằng Hóa cấp; 1 phiếu thu tiền tiêm phòng đợt 2/2018.

13-13-45_4
Dù không đủ hồ sơ nhưng UBND xã Hoằng Phụ vẫn chấp thuận và cấp bò cho người dân

Về vấn đề này, một cán bộ công tác lâu năm trong ngành thú y cho biết, những loại giấy tờ nêu trên không đủ điều kiện để hoàn thiện thủ tục hồ sơ cấp bò dự án. Hiện nay, kiểm dịch nội tỉnh đã được bãi bỏ nhưng việc cấp bò dự án căn cứ theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN- PTNT. Tức là bò dự án vẫn phải tiêm phòng 2 loại vắc xin THT và LMLM.

 Các giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ cấp bò dự án (động vật trên cạn) bao gồm biên bản tiêm phòng gia súc (có gắn số thẻ tai) và phiếu trả lời kết quả xét nghiệm do cơ quan có thẩm quyền cấp (tại Thanh Hóa, do Chi cục Thú y vùng III cấp).

Về quy trình tiêm vắc xin, đối với trâu bò, ngoài 1 liều vắc xin THT thì vắc xin LMLM tiêm lần 1 và nhắc lại sau 21-28 ngày. Kể từ ngày tiêm mũi vắc xin cuối cùng, phải sau 14-21 ngày mới lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá hàm lượng kháng thể. Theo yêu cầu, thì tỷ lệ bảo hộ (cả LMLM và THT) phải đạt trên 70% mới cho lưu hành.

Ông Lê Văn Lộc, Trưởng phòng LĐ,TB- XH huyện Hoằng Hóa: “Nguồn vốn thực hiện dự án giảm nghèo nhanh, bền vững thực hiện tại xã Hoằng Phụ do ngân sách tỉnh cấp và UBND xã Hoằng Phụ làm chủ đầu tư. Về nguyên tắc chúng tôi có trách nhiệm giám sát cơ quan cấp dưới thực hiện nhưng thời điểm cấp bò chúng tôi không biết”.

 

Xem thêm
Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Tân Lạc thu hoạch trên 1.000 tấn quýt Vân Sơn

HÒA BÌNH Mùa vụ này các nhà nông Mường Bi lại được mùa quýt Vân Sơn, sản lượng cho thu hoạch ước trên 1.000 tấn quả, đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.