Ngày 17/8, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tập trung ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.
Theo báo các của các địa phương, phản ánh của người dân, cơ quan truyền thông, từ đầu năm 2021 đến nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Cụ thể, trong gần 8 tháng, các cơ quan liên quan của các địa phương đã phát hiện, xử lý tiêu hủy trên 120.000 con gia cầm giống và hàng chục tấn sản phẩm gia cầm nhập lậu. Trong nửa đầu tháng 8/2021 đã phát hiện, xử lý tiêu hủy trên 50.000 con gia cầm giống và hàng trăm kg sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 90 xã thuộc 62 huyện của 28 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 350.000 con con gia cầm (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, dịch bệnh cúm gia cầm đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh giáp biên giới phía Bắc như: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên...
Đặc biệt, từ tháng 6/2021, lần đầu tiên phát hiện chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 xâm nhiễm từ nước ngoài vào và gây bệnh trên gia cầm tại các tỉnh biên giới như Cao Bằng, Quảng Ninh, sau đó đã lây lan đến 9 tỉnh, thành phố khác, dẫn đến buộc phải tiêu hủy trên 22.000 con gia cầm.
Các cơ quan thú y đã chủ động tổ chức lấy mẫu giám sát cúm gia cầm tại các chợ, điểm buôn bán gia cầm của các tỉnh biên giới như Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh và đã phát hiện tỷ lệ dương tính với virus cúm gia cầm A/H5 (có thể lây sang người) là 4%, trong đó chủng virus cúm A/H5N6 chiếm 77%.
Nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm và các loại dịch bệnh nguy hiểm khác tiếp tục xâm nhiễm vào Việt Nam là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi gia cầm hiện có tổng đàn hơn 500 triệu con của nước ta.
Trước tình hình đó, công văn của Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đặc biện quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực và khẩn trương thực hiện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam.
Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới.
Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 của địa phương chủ động triển khai các hoạt động, giải pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào Việt Nam.
Phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Bên cạnh đó chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tăng cường công tác truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép.
Tổ chức vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm độngvật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.