Thông tin từ Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết, Đồn biên phòng Pò Hèn vừa bắt giữ vụ vận chuyển 500 kg cá tầm Trung Quốc nhập lậu.
Theo đó, vào khoảng lúc 1 giờ 50 phút ngày 24/4, trong khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ biên giới tại khu vực cầu Thán Phún 2, đường quốc lộ 18C, thuộc địa phận thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, Thành phố Móng Cái, tổ tuần tra của Đồn biên phòng Pò Hèn trong đã phát hiện và bắt giữ Chìu A Lộc (sinh năm 1992, lao động tự do, trú tại thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái) đang điều khiển xe tải biển kiểm soát 14C 231.12, trọng tải 1,4 tấn hướng Bắc Sơn lên Hải Sơn.
Qua kiểm tra, trên xe chở 25 thùng xốp, bên trong chứa cá tầm tổng trọng lượng 500 kg. Tại thời điểm kiểm tra Lộc không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số cá trên.
Thông tin ban đầu, đối tượng Chìu A Lộc khai nhận đã mua số cá trên bên Trung Quốc, sau đó thuê người vận chuyển về Việt Nam qua khu vực mốc 1353 để kiếm lời, khi đang vận chuyển số cá trên đi tiêu thụ thì bị Bộ đội biên phòng bắt giữ.
Cách đây 2 ngày, tổ công tác của Công an huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) khi đang làm nhiệm vụ tại bản Khoa San, xã biên giới Mù Sang cũng phát hiện chiếc xe tải biển kiểm soát 29H-480.42 lưu thông trên đường có biểu hiện nghi chở hàng buôn lậu.
Tiến hành kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe có một lô hàng cá tầm Trung Quốc gần 2 tấn. Nhóm đối tượng khai nhận sau khi mua, đã thuê người vận chuyển về Việt Nam qua đường tiểu ngạch, không khai báo hải quan và không đóng thuế với mục đích bán lại để kiếm lời.
Liên quan vấn đề cá tầm Trung Quốc, như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường C05, Bộ Công an vừa ban hành văn bản số 455 gửi Cơ quan quản lý Cites Việt Nam về việc nhập khẩu cá tầm trái Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Theo C05, trong thời gian từ 28/1/2020 đến ngày 23/7/2020, tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung, 7 doanh nghiệp được các cơ quan Nhà nước cho thông quan nhập khẩu từ Trung Quốc 337 tấn cá tầm Xiberi (tên khoa học: Acipenser baerii, thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế động vật, thực vật hoang dã nguy cấp).
Cụ thể gồm: Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thanh Tú nhập 160 tấn; Công ty TNHH thủy hải sản Sỹ Hưng nhập 52 tấn; Công ty TNHH đầu tư và xuất nhập khẩu An Hưng nhập 52 tấn; Công ty TNHH đầu tư hải sản Hải Yến nhập 45 tấn; Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nguyệt Vượng nhập 3 tấn; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thảo Nguyên nhập 6 tấn; Công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Xuân Phúc nhập 19 tấn.
Tổng cộng có 337 tấn cá tầm Xiberi sau khi nhập về Việt Nam đã được các doanh nghiệp bán ra thị trường ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, qua thời gian theo dõi tình hình làm thủ tục hải quan và phối hợp, lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại tại Viện Nghiên cứu nuôi trường thủy sản 1 đối với một số lô hàng cá tầm nhập khẩu tại Cục Hải quan các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cho thấy thực tế cá tầm nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan...