Ngày 12/7, Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack đã thông báo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) sẽ đầu tư 300 triệu USD để cải thiện việc đo lường lượng khí thải của ngành nông nghiệp và lâm nghiệp - nguyên nhân chủ đạo dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Khoản đầu tư đến từ Đạo luật Giảm lạm phát trong bộ luật khí hậu của Hoa Kỳ sẽ tạo ra một mạng lưới nghiên cứu để theo dõi mức độ các bon trong đất. Điều này rất quan trọng để các nhà chức trách có thể nắm bắt lượng khí nhà kính tích tụ trong đất. Mạng lưới nghiên cứu cũng sẽ mở rộng năng lực quản lý dữ liệu của cơ quan chuyên môn và cải thiện các phương pháp nghiên cứu hiện có được sử dụng để định lượng và phân tích khí nhà kính.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường, ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 10% lượng khí nhà kính của Hoa Kỳ vào năm 2021, vì vậy nghiên cứu trên hướng tới mục tiêu cải thiện hệ thống giám sát khí thải nhà kính, theo đó nông dân có thể được thưởng khi sử dụng các biện pháp thân thiện với khí hậu.
Trước đó một ngày, trong một buổi họp báo, Bộ trưởng Vilsack cho biết: “Điều quan trọng và cần thiết là chúng ta đưa ra nhiều phương pháp để nông dân tạo ra doanh thu, cải thiện thu nhập”. Để giảm lượng khí thải, nông dân có thể áp dụng các chiến lược nông nghiệp như không làm đất hoặc trồng cây che phủ, cả hai cách đều đã được chứng minh là giúp đất khỏe hơn, ít xói mòn.
Các vùng trồng áp dụng biện pháp thân thiện với khí hậu có thêm lợi ích là lưu trữ nhiều các bon hơn thay vì thải các bon vào khí quyển và thúc đẩy biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, một báo cáo năm 2019 trên tạp chí khoa học Nature đã nêu bật một số điểm không chắc chắn khi tính toán về việc phải lưu trữ chính xác bao nhiêu lượng khí các bon để giảm phát thải. Để có được bức tranh rõ ràng hơn về các tác động lên khí hậu, các chuyên gia cho biết họ cần thêm dữ liệu.
Nhưng đo lường chính xác lượng carbon dioxide đang được lưu trữ trong một lĩnh vực nhất định có thể là một quá trình tốn nhiều thời gian và đòi hỏi kỹ thuật cao. Và việc chuyển sang các phương thức canh tác mới có thể không hấp dẫn đối với một số nông dân, những người thường phải chịu gánh nặng chi phí nếu họ bị thâm hụt sản lượng hoặc phải mua hạt giống mới.
Những người ủng hộ lập luận trên cho rằng việc hiểu rõ hơn về dữ liệu đó có thể mở ra cơ hội cho một thị trường các bon mạnh mẽ hơn, nơi nông dân có thể được đền bù cho những nỗ lực bảo tồn của họ và được bảo vệ khỏi những rủi ro tài chính khi thay đổi hoạt động canh tác.
Shalamar Armstrong, Phó Giáo sư nông học tại Đại học Purdue, chuyên gia nghiên cứu khoa học đất, cho biết: “Khi chính sách giúp nông dân nhận được tiền bồi thường cho các biện pháp bảo vệ sức khỏe đất được cải thiện và là trung tâm của cuộc bàn luận quy mô quốc gia bao gồm chính phủ, học viện và ngành công nghiệp, đó sẽ là một chuyện tốt”.