Cử tri xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu kiến nghị đẩy nhanh tiến độ dự án hồ chứa nước Bản Mồng, công trình thủy lợi đa mục tiêu kéo dài hơn 12 năm chưa hoàn thành, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế và làm xáo trộn đến sinh hoạt thường nhật của người dân.
Nội dung này tiếp tục được đại biểu đề cập đến tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại phiên thảo luận sáng 6/7, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, ông Phùng Thanh Vinh thông tin tổng quan: Dự án hồ chứa nước Bản Mồng được Chính phủ cho chủ trương đầu tư từ năm 2006, đến năm 2009 Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 3.741 tỷ đồng.
Năm 2011, do tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng của việc cắt giảm đầu tư khiến dự án bị giãn tiến độ. Đến năm 2017 mới được bố trí vốn để thực hiện 4 hợp phần, gồm đập chính, thủy điện, bồi thường giải phóng và kênh mương. Trong đó hợp phần giải phóng mặt bằng giao cho tỉnh Nghệ An đảm nhận. Từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã thực hiện giải phóng mặt bằng được 672ha với tổng mức kinh phí 574 tỷ đồng.
“Vừa rồi, sau cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2022 đã có thông báo kết luận, sau đó Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã tham mưu, bố trí vốn cho giai đoạn 2021 - 2025 là 1.850 tỷ đồng. Dự án Bản Mồng đã có thông báo đầu tư nhưng Luật mới quy định phải có chủ trương đầu tư, do vậy phải điều chỉnh lại. Kinh phí 3.741 tỷ trước đó đã sử dụng hết, phần tăng thêm là do trượt giá và một số chính sách khác. Bộ NN-PTNT đã tham mưu cho Chính phủ, giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì điều chỉnh tổng mức. Khi giao về cho tỉnh, chúng tôi sẽ thực hiện các bước tiếp theo. Nhìn chung, thời gian rất gấp”, ông Phùng Thành Vinh chốt lại.
Theo ghi nhận của NNVN, Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng là công trình đại thủy nông lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ. Do nhiều nguyên nhân, dự án chưa thể hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, đến nay nhiều hạng mục vẫn còn dang dở.
Hồ chứa nước Bản Mồng có dung tích chứa lên đến 225 triệu m3, là dự án có tiêu chí quan trọng quốc gia. Khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết 1/3 nhu cầu thiếu nước của tỉnh Nghệ An và một phần cho tỉnh Thành Hóa. Đây là công trình đa mục tiêu, vừa cấp nước cho sản xuất công nghiệp, dân sinh, lại bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Lam, cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu, đồng thời kết hợp phát điện với công suất 45MW, phát triển du lịch.