| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng không bộ Nguyễn Văn Xuân: Chiếc kiềng ba chân của ngành Quân giới

Chủ Nhật 07/07/2019 , 07:49 (GMT+7)

Trong danh sách Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt chiều 2/9-1945 và danh sách Chính phủ Liên hiệp lâm thời ngày 1/1/1946 đều xuất hiện tên một vị Bộ trưởng không giữ bộ nào: Nguyễn Văn Xuân.

Bộ trưởng không bộ phụ trách Quân giới

Ngày 20/8/1945, ông Nguyễn Văn Xuân mang vũ khí do mình chế tạo tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Bắc Ninh. Ngay sau đó, ông nhận được lệnh yêu cầu bàn giao xưởng vũ khí để về Hà Nội nhận công tác mới của Trung ương.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Xuân (1902-1981). Ảnh tư liệu gia đình.

Về Hà Nội, ông được đồng chí Trần Quốc Hoàn cho biết sẽ vào Bắc Bộ Phủ gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sáng hôm sau, ông Nguyễn Văn Xuân ngỡ ngàng khi biết mình được bầu vào Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữ chức Bộ trưởng không bộ (cùng ông Cù Huy Cận). Ông giữ chức vụ này cho đến khi Chính phủ Liên hiệp chính thức ra mắt ngày 2/3/1946.

Cuộc gặp đầu tiên với Hồ Chủ tịch khiến ông nhớ mãi lời Bác nói:

- Trong Đại hội Tân Trào, chú không có mặt. Các đại biểu cử chú vào Ban Khởi nghĩa và Chính phủ Lâm thời. Chú vừa ở trong Ban vũ khí, vừa là Bộ trưởng Bộ không bộ.

Ông Xuân vừa sửng sốt vừa ngần ngại:

- Thưa Bác, từ trước tới giờ tôi vẫn có chí hướng đánh Tây. Còn làm vũ khí, tôi chỉ hiểu chút ít, công việc cũng chỉ mới bắt đầu, chưa có gì. Riêng cái nghề làm bộ trưởng, thưa Bác, tôi không dám, tôi chưa làm bao giờ ạ.

Nghe ông nói xong, Hồ Chủ tịch cười, khích lệ:

- Bây giờ ta mới giành được chính quyền, trong chúng ta có ai làm bộ trưởng bao giờ đâu.

Vậy là ông Xuân không còn lý do để chối từ nữa.

Ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng - cơ quan điều hành cao nhất của ngành Quân giới Việt Nam lúc bấy giờ. Bác giao nhiệm vụ phụ trách chung cho ông Vũ Anh và ông Nguyễn Ngọc Xuân (tên khai sinh của ông Nguyễn Văn Xuân) làm Chánh Văn phòng phụ trách chung với hai nhiệm vụ: thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí.

Ngay sau ngày 15/9/1945, ông Nguyễn Ngọc Xuân đã triển khai ngay việc mua sắm vũ khí và xây dựng binh công xưởng. Một tuần sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp ký giấy ủy nhiệm: “Nay chứng nhận ông Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Xuân là Trưởng phòng Quân giới phụ trách việc quản lý và chế tạo vũ khí và đạn dược”.
 

Xưởng vũ khí Làng Chè

Những năm trước cách mạng, dù bị quản thúc tại quê nhà, nhưng do có kiến thức về công nghiệp và hóa chất, ông Nguyễn Văn Xuân được tổ chức Đảng giao nhiệm vụ chế tạo một số vũ khí và lựu đạn. Ngoài vốn kiến thức đã được học, ông không ngừng tự học để có thêm những hiểu biết về thuốc nổ và mày mò chế thử được thuốc đen và phuy-mi-nat thủy ngân - một loại thuốc gợi nổ rất cần trong sản xuất vũ khí.

Năm 1944, lực lượng cách mạng đã có căn cứ ở Cao - Bắc - Lạng. Lực lượng vũ trang tập trung đã hình thành và phát triển, nhu cầu về vũ khí có những đòi hỏi mới: ngoài chiến lợi phẩm thu được của địch trong chiến đấu, cần phải tổ chức sản xuất để phục vụ tổng khởi nghĩa. Xứ ủy Bắc Kỳ khẩn trương chỉ đạo xây dựng cơ sở sản xuất, sửa chữa vũ khí ở bí mật ở Làng Chè (Tiên Sơn, Bắc Ninh) sản xuất lựu đạn vỏ gang kiểu đập ra đời, để phục vụ chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Đại tá Trần Tiệu, năm 1950, khi lên Việt Bắc nhận công tác được gặp Phó cục trưởng Cục Quân giới Nguyễn Ngọc Xuân đã nhận thấy: “Tôi có cảm tình ngay buổi đầu làm việc với anh. Anh nói nhỏ nhẹ, dáng thư thả khoan thai, giống một thầy giáo huyện hơn là một quan nhà binh...”.

Nhờ có vốn kiến thức hồi học ở Trường Kỹ nghệ Hà Nội (1924-1925), ông Xuân không xa lạ với hoạt động công nghiệp. Tuy nhiên, đối với công nghệ làm vũ khí mới mẻ, ông cũng như bao anh em khác đều phải đi từ con số không. Cuối cùng, những quả “bom” được thử nghiệm thành công ở làng Chè do các ông Nguyễn Văn Xuân, ông Ngô Gia Khảm, ông Tuấn ở Thuỷ Nguyên, ông Kim nông dân Làng Chè… đã lan đi khắp nơi, làm nức lòng nhân dân. Đồng bào đi chợ kháo nhau: Đêm qua Việt Minh kéo quân về đồng bằng họ thử bom nổ to lắm. Cách mạng sắp nổ ra đến nơi rồi.

Nhân dịp Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ (4/1945) xưởng Làng Chè còn sản xuất mẻ lựu đạn làm tặng phẩm Hội nghị, ngoài vỏ đúc hai chữ VM. Đây là những đóng góp lớn của hai ông Nguyễn Văn Xuân và Ngô Gia Khảm.
 

Chiếc kiềng ba chân của ngành Quân giới

Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tổ chức lại cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó có Cục Quân giới do ông Nguyễn Ngọc Xuân làm Phó Cục trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy.

Khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, sau khi nghe ông Nguyễn Ngọc Xuân báo cáo về tình hình sản xuất vũ khí ở cơ sở, Bác Hồ căn dặn: “Có thể giặc Pháp sắp tiến công mình… Về Quân giới, phải gấp rút chuyển hết máy móc, nguyên liệu ra khỏi Hà Nội, mang lên rừng núi lập căn cứ chống lại nó…”.

Cục phó Nguyễn Văn Xuân hướng dẫn cán bộ Quân giới sử dụng súng. Ảnh tư liệu gia đình.

Bộ trưởng Không bộ Nguyễn Văn Xuân (1902-1981) tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Xuân, sinh tại thôn Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Năm 1955, ông được cử làm Cục trưởng Cục Quân giới. Năm 1959, ông chuyển ngành, làm Phó ban chỉ huy công trường gang thép Thái Nguyên, Cục trưởng Cục Cơ khí - Bộ Công nghiệp nặng (1960), Trưởng ban Kiểm tra - Bộ Công nghiệp nặng (1962).

Ông Nguyễn Ngọc Xuân cùng cán bộ và công nhân của ngành vận chuyển máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu ra khu căn cứ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ông cùng với các cán bộ - nhân viên ngành Quân giới vừa di chuyển, vừa ổn định tổ chức, triển khai sản xuất lại vừa sát cánh chiến đấu cùng chiến sĩ ngoài mặt trận.

Trong kháng chiến chống Pháp 9 năm ở núi rừng Việt Bắc, Cục Quân giới dưới sự điều hành của chiếc “kiềng ba chân” rất vững vàng: Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Ngọc Xuân, Nguyễn Duy Thái nên đã từng bước xây dựng được nền nếp lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất.

Trong đó thì Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Xuân cao tuổi hơn cả, cả tuổi đời lẫn tuổi Đảng. Hai Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Xuân và Nguyễn Duy Thái cáng đáng nhiều việc để Cục trưởng Trần Đại Nghĩa có điều kiện tập trung tư duy cao độ cho việc nghiên cứu chế tạo, cải tiến vũ khí.

Đầu năm 1947 Cơ quan đầu ngành của Quân giới Việt Nam là Cục Quân giới cũng bắt đầu được kiện toàn, hình thành các Nha trực thuộc đảm nhiệm từng lĩnh vực công tác.

Nha Mậu dịch do đồng chí Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Xuân kiêm Giám đốc Nha, đồng chí Nguyễn Quang là Phó Giám đốc, có nhiệm vụ mua sắm các loại hoá chất, thuốc nổ, các nguyên vật liệu khác cần thiết cho việc sản xuất vũ khí, đồng thời tự tổ chức sản xuất một số nguyên liệu như diêm tiêu và chỉ đạo các bộ phận mậu dịch của các ty quân giới các khu.

Năm 1981, ông Nguyễn Ngọc Xuân qua đời sau gần hai mươi năm chống chọi với chứng tai biến mạch máu não, hưởng thọ 80 tuổi.

(Kiến thức gia đình số 27)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm