| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi cộng đồng hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp

Chủ Nhật 22/09/2024 , 08:14 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội nhằm hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất, đồng thời tìm kiếm những giải pháp nông nghiệp bền vững hơn.

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã để lại những dấu ấn lịch sử đau thương với sự tàn phá nặng nề, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế - xã hội của đất nước, các tỉnh, thành phố phía Bắc và nhiều ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan động viên, thăm hỏi những người nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh sau bão số 3. Ảnh: Tiến Thành.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan động viên, thăm hỏi những người nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh sau bão số 3. Ảnh: Tiến Thành.

Những hậu quả mà cơn bão để lại không thể khắc phục ngay trong một sớm một chiều. Có những vấn đề có thể được giải quyết cấp bách, nhưng cũng có những vấn đề đòi hỏi sự tái thiết lâu dài, vượt ra ngoài phạm vi của ngành nông nghiệp.

Không chỉ trồng trọt, chăn nuôi hay thủy sản là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, mà việc tái định cư cho bà con tại các vùng lũ, những nơi có nguy cơ thiên tai cao cũng cần sự chung tay của cộng đồng. Chúng ta cần huy động nguồn lực to lớn, đoàn kết từ toàn xã hội.

Trong cơn bão và ngay cả sau khi bão qua đi, tình cảm chia sẻ và đồng lòng của cả đất nước đã lan tỏa. Điều này đã tạo nên hiệu ứng sâu rộng trong xã hội. 

Vừa qua, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã cam kết hỗ trợ giống cây trồng, vật tư cho nông dân bị ảnh hưởng, thể hiện rõ ràng tính nhân văn và truyền thống đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Tôi hy vọng rằng tinh thần sẻ chia, tự nguyện, và nhân văn này sẽ tiếp tục lan tỏa trong từng cá nhân, từng doanh nghiệp, từng hiệp hội ngành hàng. Bởi hơn tất cả, đó chính là văn hóa của sự yêu thương, trân trọng và sẻ chia với người nông dân - những người đang gặp phải vô vàn khó khăn.

Ví dụ, nuôi biển và thủy sản những ngành sản xuất thế mạnh của các địa phương ven biển và góp phần không nhỏ vào nền kinh tế nông nghiệp của nước nhà. Tuy nhiên, ngư dân đánh bắt thủy sản, chủ yếu ở Quảng Ninh và Hải Phòng, đã chịu tổn thất lớn.

Vùng nuôi biển Hoàng Tân sau bão số 3. Ảnh: Hoàng Anh.

Vùng nuôi biển Hoàng Tân sau bão số 3. Ảnh: Hoàng Anh.

Có những người dân nuôi giấc mơ nuôi biển, giấc mơ đổi đời suốt hàng chục năm, nhưng rồi tất cả những nỗ lực ấy đã tan biến chỉ trong chốc lát. Những thiệt hại không chỉ ảnh hưởng đến từng cá nhân mà còn đến cả một cấu trúc, một ngành nuôi biển chiến lược mà Chính phủ đã đặt ra nhằm giảm khai thác và gia tăng nuôi trồng.

Chúng ta cũng chứng kiến những trang trại chăn nuôi lớn chịu tổn thất nặng nề. Những cánh đồng lúa ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam bị thiệt hại ngay trước khi thu hoạch do ngập úng. Rau màu vốn là niềm tự hào của các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và là sản phẩm chủ lực của vụ đông tại miền Bắc, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không chỉ vậy, các khu vực nông nghiệp công nghệ cao hay những mô hình nông nghiệp mới tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc cũng chịu thiệt hại đáng kể.

Sau bão số 3, sơ bộ đã có gần 1,9 triệu cây cảnh, cây hoa ở Hải Phòng bị hư hại, trong đó người trồng đào thiệt hại rất nặng nề. Ảnh: Đinh Mười.

Sau bão số 3, sơ bộ đã có gần 1,9 triệu cây cảnh, cây hoa ở Hải Phòng bị hư hại, trong đó người trồng đào thiệt hại rất nặng nề. Ảnh: Đinh Mười.

Bộ NN-PTNT đang tiếp tục thống kê chi tiết các thiệt hại, đồng thời tìm mọi cách triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thông qua Nghị quyết số 143/NQ-CP để hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất. Dù mất mát thế nào, nông dân cuối cùng vẫn cần có sinh kế để tiếp tục cuộc sống.

Tôi mong rằng tinh thần sẻ chia của các doanh nghiệp, cộng đồng và toàn thể người dân Việt Nam sẽ là điểm tựa vững chắc cho bà con và các doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề sau cơn bão Yagi.

Mỗi người, mỗi tổ chức hãy cố gắng đóng góp một phần nhỏ bé của mình, hỗ trợ nông dân bằng cách cung cấp nguồn giống, thu mua nông sản, hay cung cấp thiết bị để bà con có thể vừa khôi phục sản xuất, vừa tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thay mặt Bộ NN-PTNT, cùng với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến tất cả những nghĩa cử cao đẹp của các doanh nghiệp từ khắp miền Nam, miền Trung và miền Bắc, đặc biệt là những doanh nghiệp cũng chịu nhiều tổn thất do cơn bão Yagi.

Tôi cho rằng đây là sự cảm thông về những khó khăn của nông dân, khi nhiều người đã mất trắng mùa vụ, mất trắng thành quả mà họ phải xây dựng suốt 5 - 7 năm mới có được.

Chúng ta không chỉ đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn này mà còn lan tỏa hơi ấm của xã hội, mang đến niềm tin và hy vọng cho bà con nông dân giữa lúc họ đang phải đối mặt với sự lạnh lẽo của thiên tai và tổn thất mùa màng.

Vùng nuôi cá lồng ở huyện Nam Sách, Hải Dương tan tác sau bão số 3. Ảnh: Tùng Đinh.

Vùng nuôi cá lồng ở huyện Nam Sách, Hải Dương tan tác sau bão số 3. Ảnh: Tùng Đinh.

Một lần nữa, tôi xin kêu gọi các doanh nghiệp, nhà tài trợ trong và ngoài nước hãy cùng nhau sẻ chia, gánh vác trách nhiệm cùng Chính phủ trong việc hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất. Bà con sẽ phục hồi và phát triển bền vững hơn trong tương lai. 

Đối với Bộ NN-PTNT, bên cạnh những nỗ lực hỗ trợ khôi phục sản xuất, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng bền vững hơn, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và những hình thái thiên tai bất lợi trong thời gian tới.

Thông qua cơn bão Yagi, chúng ta có cơ hội để nhìn nhận lại toàn bộ bức tranh của nền nông nghiệp, vốn đang đối mặt với ba thách thức lớn mà tôi gọi là 3 chữ “biến”: Thứ nhất là biến đổi khí hậu, thứ hai là biến động thị trường, và thứ ba là sự biến chuyển trong xu thế tiêu dùng của thế giới.

Mỗi hành động chúng ta thực hiện đều cần hướng tới ba mục tiêu lớn này. Trong đó, mục tiêu hàng đầu là đối phó với biến đổi khí hậu và những cú sốc thiên tai mà nó mang lại. 

Trải qua cơn bão số 3 có thể thấy, dù chúng ta có những dự báo và cảnh báo từ trước, nhưng không ai có thể hình dung hết được mức độ khắc nghiệt và ảnh hưởng sâu rộng mà biến đổi khí hậu đã và đang gây ra.

Cán bộ các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp tích cực hỗ trợ bà con chăn nuôi vệ sinh, khử trùng chuồng trại để sớm tái đàn. Ảnh: Tùng Đinh.

Cán bộ các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp tích cực hỗ trợ bà con chăn nuôi vệ sinh, khử trùng chuồng trại để sớm tái đàn. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong thế kỷ này, chúng ta đã chứng kiến một cơn bão và đợt mưa lũ bất thường, kéo dài trên diện rộng, không chỉ ảnh hưởng đến nước ta mà còn tác động đến các quốc gia láng giềng. Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về khả năng chống chịu của mình, từ các thể chế phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn và tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. 

Nhân dịp này, ngoài việc kêu gọi sự hỗ trợ để bà con khôi phục sản xuất, tôi cũng mong rằng các chuyên gia và nhà khoa học trong nước và quốc tế sẽ đồng hành cùng Bộ NN-PTNT. Chúng tôi rất cần những tư duy mới, công nghệ mới và những phát kiến tiên tiến để ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan mà chúng ta đã chứng kiến trong thời gian vừa qua.

Vài ngày gần đây, Bộ NN-PTNT đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, khuyến nghị những cách nhìn, cách tiếp cận mới.

Chúng ta cần dựa vào sức mạnh của công nghệ hiện đại, từ trí tuệ nhân tạo, công nghệ viễn thám đến những giải pháp phòng chống rủi ro về sạt lở, lũ ống, lũ quét. Mặc dù thiên tai là điều chúng ta không thể kiểm soát hoàn toàn, nhưng khả năng chủ động của chúng ta cần được nâng cao hơn, tiến bộ hơn.

Ngoài ra, chúng ta không chỉ cần suy nghĩ lại về sản xuất nông nghiệp mà còn về cấu trúc không gian sống của bà con, đặc biệt ở những khu vực bị chia cắt, bị tách biệt bởi địa hình. Làm sao để vừa đảm bảo việc sản xuất, vừa tái định cư một cách bền vững, đồng thời giảm thiểu tối đa các rủi ro đau lòng mà chúng ta đã chứng kiến qua cơn bão vừa qua.

(ghi)

Xem thêm
Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao

TP.HCM Ngày 15/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Khu tái định cư Làng Nủ được cấp điện lưới quốc gia

Ngày 15/11, Công ty Điện lực Lào Cai chính thức đóng điện công trình cấp điện tái thiết cho khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.