| Hotline: 0983.970.780

Bón phân có thương hiệu, tiêu vẫn chết

Thứ Năm 17/08/2017 , 13:46 (GMT+7)

Giữa tháng 7 vừa qua, Chi cục QLTT tỉnh Đăk Lăk đã phát hiện và ngăn chặn lô phân bón 176 tấn hết hạn sử dụng chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Trước đó, hơn 8 sào tiêu của một nông dân chết sạch sau khi bón phân…

Gặp nông dân Nguyễn Văn Th. (SN 1967, ở xã Xuân Phú, huyện EaKar), anh cho biết, gia đình có hơn 3ha tiêu, trồng từ những năm 2006, nọc cao từ 5 - 7m, nhiều nọc có bán kính hai người ôm.

13-49-58_nh_1
Anh Nguyễn Văn Th. bên gốc tiêu chết

“Cách đây gần 1 năm, có mấy nhân viên Cty phân bón A.T. ở huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông, đến chào hàng. Họ nói sản phẩm mới này có thể thay thế phân chuồng và tăng năng suất tiêu. Tôi nghe bùi tai nên đồng ý mua 2 tấn với giá 7,6 triệu đồng bón cho vườn tiêu. Trong hợp đồng nêu rõ, trong vòng 30 ngày kể từ ngày bón, nếu phân không tốt phải báo lên cho Cty để giải quyết, nếu không thông báo gia đình tôi phải chịu trách nhiệm”, anh Th. nói.

Sau khi nhận phân, anh dùng 1,2 tấn phân để bón cho gần 800 nọc tiêu. Sau khoảng 10 ngày, hàng loạt tiêu vừa được bón phân bị vàng lá, rụng trái và nhiều trụ tiêu bị chết. Ngay sau đó, anh Th. thông báo và phía Cty A.T. cử người xuống kiểm tra, tiến hành phun một số loại thuốc để xử lý, đồng thời đưa cho gia đình anh Th. một lô thuốc để phun nhưng vẫn không hiệu quả.

“Tôi tiếp tục khiếu nại, họ lại cho người về, nói sẽ xử lý, nhưng rồi cứ im ỉm, gọi không nghe máy. Tôi khiếu nại lên chính quyền, công an xã, yêu cầu Cty A.T. phải bồi thường theo hợp đồng 450 triệu. Nhưng họ chỉ đồng ý hỗ trợ 100 triệu đồng, họ nói chưa thể khẳng định nguyên nhân tiêu chết là do bón phân của Cty. Số tiền này không đủ chi phí tiền công chăm sóc”, anh Th. nói.

Điều đáng nói là, mặc dù chấp nhận bồi thường, nhưng sau đó ít ngày, phía Cty A.T. lại mang đến gia đình anh Th. kết quả phân tích mẫu phân bón của Cty, trong đó ghi người gửi mẫu là anh Nguyễn Văn Th. Theo kết quả phân tích này thì nguyên nhân khiến tiêu của anh Th. chết là do “trong mẫu đất trồng hồ tiêu xuất hiện tuyến trùng gây hại Pratylenchus sp. và Meloidogyne sp., do rễ bị hư hại nặng nên tuyến trùng đã di chuyển sang các cây xung quanh”.

Họ hoàn toàn không ghi nguyên nhân từ phân bón. Điều đáng nói là anh Th. khẳng định, anh không hề gửi mẫu phân tích. “Tôi không gửi mẫu nào lên Viện, chỉ có 2 nhân viên của Cty A.T đến lấy mẫu. Điều lạ là trong kết quả phân tích ghi ngày 10, trong khi ngày 2 nhân viên Cty đến lấy mẫu là 11, tức kết quả phân tích có trước ngày lấy mẫu!"

13-49-58_nh_2
Anh Th. và bản hợp đồng mua 2 tấn phân của Cty A.T

"Tôi khẳng định vườn tiêu của tôi không bị bệnh, nếu tiêu bệnh nhìn biết ngay, và chết diện rộng chứ không phải chỉ chết ở những nơi tôi bón phân. Tôi chủ quan, nghĩ họ là Cty lớn, có địa chỉ đàng hoàng, làm ăn chân chính chứ đâu phải Cty “cuốc xẻng”, nên bón đại trà. Tiêu tôi hơn chục tuổi rồi chứ đâu mới trồng, nếu tiêu chết vì nguyên nhân khác ngoài phân thì cũng không thể chết đồng loạt như thế”, anh Th. bức xúc nói.

Theo Chi cục QLTT Đăk Lăk, mỗi năm, Chi cục đã xử lý và tịch thu hàng chục tấn phân bón vi phạm, chủ yếu là hàng quá hạn sử dụng, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm niêm yết giá, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, để phân bón tiếp xúc với nền đất tại địa điểm kinh doanh.

 

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.