Hãng tin BBC dẫn báo cáo của IFS cho hay, ngay cả khi đạt được một “Brexit không có thỏa thuận tương đối hài hòa" cũng sẽ đẩy đất nước lâm vào nợ nần lên mức cao nhất kể từ những năm 1960.
Theo đội ngũ cố vấn của IFS, các khoản vay có thể sẽ tăng lên 100 tỷ bảng và nâng tổng nợ lên 90% thu nhập quốc dân. Điều này có nghĩa là nước Anh sẽ phải chung sống với một khoản nợ nần lớn bằng tổng các nguồn thu của một năm khi rời khỏi liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận.
Thủ tướng Boris Johnson đang đối diện những áp lực sinh tử |
Ông Paul Johnson, giám đốc IFS nói: "Chính phủ hiện nay đang trôi dạt mà không có bất cứ chiếc mỏ neo tài chính hiệu quả nào khiến cho nền kinh tế và tài chính công đang đối mặt với sự bất thường và rủi ro cao. Tuy nhiên, trong trường hợp ‘Brexit cứng’, cần thực hiện việc cắt giảm thuế tạm thời và tăng chi tiêu để có thể hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế".
Nhưng ngay cả trước khi điều đó chưa xảy ra như các tính toán phía trên thì các chuyên gia cũng cho rằng, chính phủ đang sắp phá vỡ các nguyên tắc chi tiêu. IFS dự báo, sẽ có một khoản vay dự kiến lên tới 50 tỷ bảng vào năm tới, tương đương 2,3% thu nhập quốc dân. Trong khi đó, theo quy định chi tiêu công hiện nay thì chính phủ chỉ có thể vay tối đa 2% thu nhập quốc dân mà thôi.
Theo các chuyên gia, mức độ chi tiêu hàng ngày hiện nay đã đạt đến ngưỡng dự báo trong Chương trình hành động của Công đảng hồi năm 2017. Điều đó nghĩa là có khả năng khiến người dân phải đóng thuế nhiều hơn so với các kế hoạch mà đảng Bảo thủ đưa ra cùng thời điểm đó…
Một người đàn ông nhìn hướng về quận trung tâm tài chính Canary Wharf ở thủ đô London |
Trong trường hợp Brexit không có thỏa thuận, IFS cho biết chính phủ sẽ phải cần tới một khoản ngân khố lớn để chi dùng tức thời mới có thể giúp cân bằng mọi thứ và nhiều khả năng phải mất tới hai năm nền kinh tế Anh mới đi vào ổn định.
Tuy nhiên IFS cũng cảnh báo, sự gia tăng chi tiêu công vào năm 2020 có thể sẽ dẫn đến nguy cơ "vỡ nợ” bởi chính phủ phải đương đầu với "hậu quả của một nền kinh tế bị thu hẹp và nợ công khổng lồ”.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Anh Citi, Christian Schulz, đồng tác giả bản báo cáo cho biết, nền kinh tế của vương quốc Anh đã bị thu hẹp khoảng 60 tỷ bảng kể từ khi nổ ra cuộc trưng cầu dân ý ở EU vào năm 2016.
“Hoạt động đầu tư kinh doanh giảm tới 20% so với trước đây, làm tổn thương đến năng suất cũng như khu vực tiền lương. Ngoài ra sự trì hoãn lộ trình Brexit đã tạo ra sự bất ổn khiến nhiều lĩnh vực bị sứt mẻ, gây ra sự tăng trưởng bị hụt khoảng 1% mỗi năm”, ông Schulz nói.
"Một Brexit không thỏa thuận - ngay cả khi có sự kích thích đáng kể - cũng có nghĩa là có thể sẽ không có sự tăng trưởng nào trong vòng hai năm tới. Còn trường hợp ở lại EU sẽ là kịch bản tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế trong vài năm tới", vị chuyên gia này kết luận. |