| Hotline: 0983.970.780

Bức tranh lâm nghiệp nổi trội ở miền núi phía Bắc

Thứ Sáu 20/10/2023 , 15:51 (GMT+7)

Tuyên Quang như một ‘bức tranh’ lâm nghiệp nổi trội của khu vực miền núi phía Bắc cả về độ che phủ rừng và vai trò vị trí của kinh tế rừng trong đời sống.

Tuyên Quang được xem như bức tranh lâm nghiệp nổi trội của khu vực miền núi phía Bắc. Ảnh: Đào Thanh.

Tuyên Quang được xem như bức tranh lâm nghiệp nổi trội của khu vực miền núi phía Bắc. Ảnh: Đào Thanh.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm tỉnh Tuyên Quang trồng hơn 11.000 ha rừng, khai thác hơn 1 triệu m3 gỗ rừng trồng, có khoảng 48.000 ha rừng đã được cấp chứng chỉ quốc tế. GRDP ngành lâm nghiệp Tuyên Quang năm 2022 đạt hơn 1.750 tỉ đồng. Tuyên Quang đang dần trở thành trung tâm chế biến gỗ của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Đời sống người trồng rừng không ngừng được nâng lên, lâm nghiệp trở thành ngành ngành kinh tế hiệu quả, có giá trị cao, bền vững…

Bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang cho biết, tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 426.000 ha rừng/tổng diện tích 448 nghìn ha đất lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng trên 65%, (đứng thứ 3 cả nước). Hệ sinh thái rừng rất phong phú, đa dạng. Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng…

Tỉnh cũng đã hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trên 132.000ha, trong đó diện tích rừng gỗ lớn hơn 69.860ha, khai thác trên 1 triệu m3 gỗ mỗi năm (đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về sản lượng gỗ rừng trồng). Diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) trên 48.318ha. Tuyên Quang là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng được 1 trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm, phát triển các giống cây lâm nghiệp, cung ứng 20% nhu cầu cây giống cho vùng trung du và miền núi phía Bắc.

 Hướng tới triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất chế biến gỗ”, những năm qua, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào chế biến gỗ và lâm sản. Toàn tỉnh hiện có trên 10 doanh nghiệp có nhà máy chế biến gỗ đang hoạt động, trong đó có 8 công ty, nhà máy lớn, với công suất chế biến từ 20 đến 130 nghìn m3/năm. Nổi bật như Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, Công ty cổ phần giấy An Hòa…

Lâm nghiệp ngày càng giữ vài trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Lâm nghiệp ngày càng giữ vài trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Thực hiện tốt các chính sách phát triển rừng gắn với chế biến lâm nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã hình thành những vùng nguyên liệu rộng lớn, đặc biệt là tại các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa… Những cánh rừng mang lại cuộc sống ấm no và làm giàu cho hằng nghìn hộ nông dân. Hiện tại, Tuyên Quang cũng đã quy hoạch 200.000ha rừng trồng phục vụ chế biến; chuyển hóa trên 40.000ha từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn và cấp chứng chỉ FSC cho các chủ rừng, hộ gia đình với diện tích trên 35.000ha.

 Ông Hồ Văn Huyến, Bí thư Chi bộ thôn Nà Vơ, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn cho biết, hiện nay thôn có trên 300ha rừng sản xuất, bình quân mỗi hộ có gần 4ha. Những năm qua, rừng không chỉ che chở cho người dân khỏi mưa lũ mà còn tạo sinh kế bền vững. Thu nhập từ bán gỗ đã cho nhiều hộ dân có của ăn của để, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn.

Trong Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm và 10 nhóm giải pháp đảm bảo phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng của rừng trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 trở thành địa phương điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái.

Đến nay, những định hướng chiến lược trong Đề án đã được các địa phương, cơ sở, ngành chức năng trong tỉnh triển khai, cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ và giải pháp hết sức cụ thể và thiết thực. Điều đó đã tạo lập một môi trường, điều kiện thuận lợi, thích hợp nhất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đầu tư tài chính để thực hiện sản xuất, kinh doanh; hình thành chuỗi liên kết ổn định, chặt chẽ, hiệu quả và có định hướng chiến lược trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.