| Hotline: 0983.970.780

Trồng dược liệu dưới tán rừng, thu nhập nhân đôi

Thứ Năm 19/10/2023 , 09:56 (GMT+7)

YÊN BÁI Nhiều cây dược liệu ưa ẩm, ưa rợp bóng trồng dưới tán rừng vừa giúp nhân đôi thu nhập từ rừng, vừa làm giàu rừng, tăng đa dạng sinh học và giá trị phòng hộ.

Trồng khôi nhung dưới tán rừng vừa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha mỗi năm, vừa tăng độ che phủ và đa dạng sinh học. Ảnh: Thanh Tiến.

Trồng khôi nhung dưới tán rừng vừa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha mỗi năm, vừa tăng độ che phủ và đa dạng sinh học. Ảnh: Thanh Tiến.

Gia đình anh Phạm Văn Tiến ở thôn 6, xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) trồng gần 1ha cây khôi nhung dưới tán rừng. Anh Tiến chia sẻ: "Mất vài năm để tôi mày mò đưa cây khôi nhung từ rừng tự nhiên về vườn nhà. Đến nay, có thể khẳng định đây là cây trồng hiệu quả vì vừa có giá trị kinh tế cao, lại vừa có thể trồng xen dưới tán rừng nên tận dụng được tối đa quỹ đất, gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích rừng trồng".

Với mô hình phía trên là các loại cây rừng trồng lâu năm, dưới tán trồng cây khôi nhung, cứ khoảng 1 tháng rưỡi đến 2 tháng anh Tiến lại thu hái lá khôi nhung một lần, mỗi năm thu hái từ 6 lứa trở lên.

Theo anh Tiến, cây khôi nhung ưa ẩm và những nơi rợp bóng nên có thể trồng xen rất thuận lợi dưới tán rừng hoặc ven các khe suối, chân đồi, quanh nhà. Cây khôi nhung rất ít bị sâu bệnh nên chăm sóc không khó. Chỉ cần thường xuyên vun xới quanh gốc, phát cỏ xâm lấn, tưới nước tạo độ ẩm cho cây phát triển tốt. Đến nay, với gần 1ha trồng khôi nhung dưới tán rừng quế, anh Tiến thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm.

Anh Phạm Văn Tiến (xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên) chăm sóc vườn ươm cây giống khôi nhung. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Phạm Văn Tiến (xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên) chăm sóc vườn ươm cây giống khôi nhung. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Dương Kim Hưng – Chủ tịch UBND xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên) cho biết, địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn. Các diện tích rừng trồng sản xuất của xã hiện nay chủ yếu được phủ xanh bởi cây quế và tre Bát Độ. Vài năm gần đây, để tận dụng tối đa hiệu quả kinh tế rừng, chính quyền xã đã vận động người dân trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng như khôi nhung, sơn thục, nghệ…

Hiện nay trên địa bàn xã Kiên Thành đã phát triển được gần 10ha cây khôi nhung, khoảng 3ha cây sơn thục (còn gọi là cây thiên niên kiện). Các diện tích cây dược liệu này phát triển tốt, cho thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/năm. Việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng đã nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất rừng, đồng thời góp phần làm giàu rừng, tăng độ che phủ đất, cải thiện khả năng phòng hộ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Người dân xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên) thu hoạch lá cây khôi nhung. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên) thu hoạch lá cây khôi nhung. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, toàn huyện Trấn Yên đã có gần 170ha cây dược liệu, trong đó có hơn 120ha cây khôi nhung và hơn 40ha các loại cây dược liệu khác như sơn thục, đinh lăng, cà gai leo, hà thủ ô, nghệ, sả… Cây khôi nhung được trồng nhiều ở các xã Cường Thịnh, Minh Quán, Hòa Cuông, Báo Đáp, Việt Hồng...

Với lợi thế có diện tích rừng lớn, không chỉ ở Trấn Yên, cây dược liệu cũng đang được phát triển mạnh ở nhiều địa phương của tỉnh Yên Bái. Ông Phạm Nguyên Bình – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Chấn cho biết, cây dược liệu từ lâu đã tồn tại và phát triển nhiều nơi ở huyện Văn Chấn. Hiện Văn Chấn có tổng diện tích cây dược liệu gần 800ha.

"Tuỳ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, khả năng thích nghi cũng như yêu cầu sinh thái, mỗi địa phương trong huyện tạo nên các vùng cây dược liệu đặc thù khác nhau. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện sẽ có trên 1.000ha cây dược liệu các loại, trong đó tập trung vào một số loại cây chính như thảo quả, ba kích, hoài sơn, cà gai leo, đương quy...", ông Bình cho biết.

Người dân huyện Văn Chấn sơ chế củ hoài sơn. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân huyện Văn Chấn sơ chế củ hoài sơn. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái là địa phương có cây dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại. Đặc biệt, trong 200 loài thực vật dược liệu trong Sách Đỏ Việt Nam thì tỉnh Yên Bái có gần 100 loài.

Tỉnh Yên Bái đang chỉ đạo các đơn vị như sở NN-PTNT, Sở Y tế, Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp, HTX triển khai các đề tài, dự án, mô hình trồng cây dược liệu. Điển hình như: Dự án phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm lá khôi nhung tại 2 xã Xuân Long, Ngọc Chấn (huyện Yên Bình); mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cây khôi nhung dưới tán rừng theo chuỗi giá trị tại xã Khánh Hòa (huyện Lục Yên); Đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển cây hà thủ ô đỏ tại huyện Văn Chấn”; Đề tài “Nghiên cứu tính thích ứng của cây cát sâm, sâm cau nhằm phát triển cây dược liệu có giá trị tại huyện Văn Yên”; Đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học xây dựng mô hình sản xuất nấm linh chi từ nguyên liệu ngọn, cành cây keo tại tỉnh Yên Bái”…

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.