Hiện loại thực phẩm biến đổi gen (GMO) từng gây tranh cãi này đã sẵn sàng tung ra thị trường Mỹ.
Nghiên cứu “siêu cà chua” này được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại hãng Norfolk Plant Sciences, được lai tạo giữa các gen từ hoa mõm chó (snapdragon) để bổ sung một liều lượng cao chất anthocyanins, có tác dụng chống tiểu đường, ung thư, kháng viêm và nhiều lợi ích bảo vệ sức khỏe khác.
Hiện loại cà chua tím này đã được Cơ quan Kiểm tra Sức khỏe Động thực vật (APHIS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đánh giá và xem xét trong 13 tháng và vừa được phê duyệt hồi đầu tháng này, trong một nỗ lực đánh dấu bước đi đầu tiên của Mỹ đối với một sản phẩm biến đổi gen được trồng trên lãnh thổ.
Cathie Martin, nhà sinh vật học thực vật và đồng sáng lập công ty, nói với New Atlas, theo kế hoạch dự kiến, đơn vị này sẽ bán hạt giống cà chua tím biến đổi gen cho những người làm vườn.
Cà chua biến đổi gen lần đầu tiên được phát triển vào năm 2008, khi bà Martin và người đồng sáng lập Jonathan Jones bổ sung hai gen từ một bông hoa mõm chó để tạo ra màu tím sẫm. Màu sắc đặc biệt được tạo ra bởi các sắc tố chống oxy hóa cũng được tìm thấy trong quả mâm xôi và quả nam việt quất, được gọi là anthocyanin.
Anthocyanin là chất hóa học được gọi là chất chuyển hóa trung gian của thực vật (flavonoid), có tác dụng thanh lọc các phân tử oxy có khả năng gây hại trong cơ thể. Mặc dù chúng được tạo ra tự nhiên bởi cây cà chua, nhưng chất này thường chỉ được tìm thấy trong lá.
Trước đó, các nhà khoa học Anh cũng đã chuyển gen từ những cây mõm chó, bằng cách sử dụng vi khuẩn thích nghi đặc biệt và sau đó “ghép” một lần vào bên trong quả cà chua.
Nhóm nghiên cứu chia sẻ trong một thông cáo báo chí vào năm 2008: Anthocyanin tích lũy trong cà chua ở mức cao hơn bất cứ thứ gì được báo cáo trước đây về kỹ thuật trao đổi chất trong cả vỏ và thịt của quả cà chua.
Và sau đó nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm cà chua tím để chứng minh rằng nó có lợi cho sức khỏe.
Trong nghiên cứu, cà chua biến đổi gen này được cho những con chuột mắc bệnh ung thư ăn và tiến hành đồng thời thí nghiệm đối chứng với một nhóm chuột khác mắc bệnh ung thư, được cho ăn cà chua truyền thống.
Kết quả là những con chuột ăn cà chua tím biến đổi gen đã kéo dài tuổi thọ trung bình lâu hơn 30%, so với những con chuột ăn quả cà chua truyền thống
Mặc dù nghiên cứu này được thực hiện vào năm 2008 nhưng mãi đến ngày 7 tháng 9 năm 2022, loại “siêu cà chua” này mới được các cơ quan quản lý thực phẩm bật đèn xanh.
Theo một thông cáo báo chí từ USDA, cơ quan quản lý nhận thấy rằng loại cây này không có khả năng gây tăng nguy cơ sâu bệnh so với các giống cà chua bình thường khác. “Điều đó có nghĩa là, từ góc độ rủi ro dịch hại thực vật, loại cây này có thể được trồng và sử dụng một cách an toàn để nhân giống ở Mỹ”, thông cáo báo chí cho biết.
Hiện các nhà khoa học Martin và Jones đang tiến hành các bước đi để cà chua tím biến đổi gen sớm được chấp thuận ở Anh. “Giờ đây ước mơ của chúng tôi đang dần hiện thực, là chia sẻ những quả cà chua tím tốt cho sức khỏe với nhiều người tiêu dùng. Điều buồn vui lẫn lộn là cà chua sẽ được bán ở Mỹ chứ không phải ở Anh. Nhưng mặt tích cực là bằng cách tập trung vào những người trồng tại nhà, chúng tôi sẽ hướng đến người tiêu dùng và sẽ có thể nhận được phản hồi và sự quan tâm cần thiết để phát triển các sản phẩm khác”, Martin chia sẻ.