| Hotline: 0983.970.780

Bí thư cấp ủy không phải người địa phương:

Cả họ làm quan sẽ là 'tổ đảng nhà ta, chi bộ nhà ta'

Thứ Sáu 20/07/2018 , 08:37 (GMT+7)

Nếu không làm tốt công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn bổ nhiệm người quen sẽ trở nên phổ biến.

Nếu để lâu thì cả họ làm quan làm phát sinh tình trạng “tổ đảng nhà ta, chi bộ nhà ta” và kéo theo sự phân công chia chác quyền lực, không tránh khỏi tình trạng mất tập trung dân chủ, kết bè, cục bộ, tranh chức tranh quyền giữa các dòng họ.

Ảnh minh họa

Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có đánh giá rằng: “Vẫn còn những đồng chí ủy viên trung ương chưa gương mẫu hoặc để vợ, con, người thân, cấp dưới lợi dụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước”.

Xin đơn cử một số trường hợp để làm rõ hơn các nhận định trên. Trường hợp nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh khá rõ về điều này.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì ông Thanh trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm con trai Lê Phước Hoài Bảo giữ các chức vụ (Trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở KH-ĐT) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; để UBND tỉnh quyết định cử con trai đi học thạc sỹ tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định.

Và mới đây nhất, Ban Bí thư thi hành kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Bà Thanh được xác định là thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công, ký nhiều văn bản liên quan đến dự án đầu tư trái quy định, có biểu hiện tư lợi cho doanh nghiệp của gia đình.

Trước đó, Trung ương cũng thi hành kỷ luật cách mọi chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng (con trai của ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa X).

Theo đánh giá của Trung ương, ông Nguyễn Xuân Anh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền... Những việc làm đó đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.

Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, năm 2017, Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra trên diện rộng và nhận thấy tại 9 địa phương có 58 người nhà được bổ nhiệm, trong đó có nhiều chức vụ quan trọng. Cụ thể như trường hợp bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Giang (vợ ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang) thiếu trình độ ngoại ngữ B. Tại Hà Giang, dư luận cũng từng lên tiếng việc gia đình ông Vinh có nhiều người thân ruột thịt làm lãnh đạo ở các cơ quan trên địa bàn.

Hay trường hợp Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý (em trai Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà) chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính.

Bà Lê Thị Thêm (vợ Bí thư Huyện ủy A Lưới, tỉnh TT – Huế), Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện thiếu chứng chỉ ngoại ngữ. Ngoài trường hợp bà Thêm còn có ông Hồ Thanh Hà, Phó trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện (em vợ Bí thư Huyện ủy) không thực hiện trình tự, thủ tục tuyển dụng theo quy định. Thời điểm bổ nhiệm ông Hà không có bằng lý luận chính trị, không đủ thời gian giữ ngạch chuyên viên 3 năm trở lên và không có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định.

Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, từng có 14 chức danh chủ chốt đều là người nhà của 8 lãnh đạo. Đáng chú ý là ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu (nhiệm kỳ 2010-2015) có em trai là Nguyễn Văn Phú làm Chánh Thanh tra huyện; con trai Nguyễn Văn Trường, Bí thư Huyện đoàn; con dâu Lê Thị Hà, chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện; con dâu Hồ Thị Yến, kế toán cơ quan Huyện ủy.

Theo như phản ánh của dư luận thì 4 người cháu gọi ông Nguyễn Ngọc Dãy, Bí thư huyện Tân Trụ (Long An) bằng cậu ruột đều giữ chức vụ trưởng, phó phòng – ban của huyện. Ngoài ra còn có 3 người là cháu dâu và cậu bên vợ ông Bí thư cũng đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo.

Năm 2016, dư luận bất bình khi biết xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp, Nghệ An) có 12 người là anh em ruột, họ hàng với Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã được bố trí giữ các chức danh quan trọng trong đảng, chính quyền và đoàn thể. 

Cụ thể, Chủ tịch UBND xã Hạ Sơn là em rể của Bí thư Đảng ủy xã này; Phó Chủ tịch UBND xã là em con dì, Phó Chủ tịch HĐND là chú ruột của Chủ tịch xã; Trưởng công an xã là anh ruột, Chủ tịch Hội Nông dân là cháu ruột, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ là em ruột, cán bộ tư pháp là cháu rể, Chủ tịch Hội Phụ nữ là cháu của Bí thư Đảng ủy xã; Xã đội trưởng là em ruột của Phó Chủ tịch UBND xã...

Cùng với Hạ Sơn của Quỳ Hợp thì Chủ tịch UBND xã Thông Thụ (huyện Quế Phong, Nghệ An) là bà Lương Thị Hồng có 8 người thân ruột thịt cùng làm việc trong xã với bà. Đó là em trai làm Chủ tịch Hội Nông dân, em gái làm Chủ tịch Hội Phụ nữ, em rể làm Phó Chủ tịch UBND xã. Ngoài ra còn có nhiều anh em họ hàng khác giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại xã.

Ngay giữa Thủ đô, năm 2015 báo chí phản ánh nhiều cán bộ công tác tại các vị trí quan trọng của UBND huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội) như Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy, Phó Ban quản lý dự án, Phó phòng Kinh tế, Trưởng phòng Dân tộc học... đều có các mối quan hệ là cô, con của thông gia, em họ, chị họ, cháu, em họ của vợ... với Bí thư Huyện ủy huyện Mỹ Đức, ông Lê Văn Sang, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Có minh quân, ắt có chiêu hiền, đãi sĩ

14-48-14_dbqh_le_thnh_vn

ĐBQH, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân nói, hiền tài quốc gia thời nào cũng có và ngày nay không thiếu. Điều quan trọng là cách thức nhận diện ra họ là ai, ở đâu và bằng cách nào? Nếu cứng nhắc, rập khuôn, khép kín và thiếu cái tâm trong sáng thì khó lòng xây dựng được lực lượng rường cột của bộ máy nhà nước.

Ông Vân cho rằng, đất nước lúc này cần lắm một thế hệ cán bộ cấp chiến lược hội đủ những tiêu chuẩn căn bản của Đức, Tài. Đó là lực lượng tinh hoa trong xã hội, có trí tuệ, năng lực và phẩm hạnh vượt trội, đại diện cho hồn cốt, tinh túy dân tộc, là nguyên khí của quốc gia, đủ tầm dẫn dắt đất nước phát triển bằng tiềm năng, lợi thế sẵn có. 

Cũng theo ông Vân, để đạt được tố chất ấy, ngoài trí tuệ thiên bẩm, họ phải có quá trình học tập, rèn luyện hà khắc, trải qua quá trình “nấu sử, sôi kinh” và được thừa nhận qua các kỳ thi, sát hạch nghiệt ngã. 

Với sức mạnh tinh thần, họ chính là người có khả năng thuyết phục muôn người bằng chính tấm gương về trí tuệ và phẩm hạnh đạo đức của bản thân, làm ngọn cờ dẫn dắt các lực lượng xã hội đi theo. Đó chính là năng lực tổ chức, vận hành bộ máy, khả năng khai thác triệt để nguồn lực và biết trọng dụng nhân tài. Có minh quân, ắt có chiêu hiền, đãi sĩ. Tài kinh bang, tâm thế của thủ lĩnh chính trị là biết thực bồi nguyên khí, chấn diệu hồng đồ, để muôn dân ngưỡng vọng và vạn sĩ hàm đan, mà đi theo.

Thảo luận ở Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng, bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu rằng, tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn bổ nhiệm người quen phổ biến ở nhiều địa phương nổi lên đáng báo động.

14-48-14_db_trn_thi_dung_tiep_xuc_cu_tri_x_thnh_yen_tinh_dien_bien_nh_phm_duong
ĐB Trần Thị Dung trong một lần tiếp xúc cử tri

Theo ĐB Dung, nhận diện rõ tình trạng cả họ làm quan cũng chính là nhận diện rõ hành vi tham nhũng vặt của cán bộ công chức, để có biện pháp xử lý. Vì nếu để lâu thì cả họ làm quan sẽ phát sinh tình trạng “tổ đảng nhà ta, chi bộ nhà ta” và sẽ kéo theo sự phân công chia chác quyền lực, không tránh khỏi tình trạng mất tập trung dân chủ gây mất đoàn kết, bè phái phái cục bộ, tranh chức tranh quyền giữa các dòng họ.

ĐB đoàn Điện Biên cho rằng, nếu quan điểm nhà dột từ nóc là nguy hiểm thì lũ lụt thấm vào nền móng còn nguy hại hơn rất nhiều, nền móng mà lún sụt thì không nhà cửa nào đứng nổi.

 

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm