| Hotline: 0983.970.780

Cả làng ở Thanh Hóa lo vỡ đê

Thứ Ba 15/08/2023 , 08:58 (GMT+7)

Hàng chục vết nứt chạy ngang dọc thân đê sông Càn, đe dọa an toàn của hàng trăm hộ dân thôn 4, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Nếu vỡ đê, cả làng ngập hết

Sông Càn vào mùa lũ. Căn nhà chị Trần Thị Hồng nằm dưới chân đê đang bị lún, nứt. Bởi vậy, cả hai vợ chồng chị thay phiên nhau giám sát việc thi công tuyến đê đang xuống cấp. Những ngày này, gia đình chị Hồng thấp thỏm, lo âu khi mùa mưa bão đến.

Vẫn biết sống trong hiểm nguy, thế nhưng nếu di chuyển đến nơi ở khác thì gia đình chị không có điều kiện. “Đê sông Càn xuống cấp lắm rồi. Có năm nước lũ mấp mé bờ đê, cả làng phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng. Nếu vỡ đê, cả làng ngập hết. Cứ mỗi lần bão lũ là dân lại lo nơm nớp, không biết bấu víu vào ai. Chính quyền địa phương đã nhiều lần xử lý mỗi khi đê gặp sự cố, nhưng đâu rồi lại vào đó”, chị Hồng, trú tại thôn 4, xã Nga Điền lo lắng.

Chị Hồng cũng cho biết thêm, thời điểm nước sông lên cao, đặc biệt là vào mùa lũ, gia đình phải cho con cái nghỉ học vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. 

Máy móc được huy động đến hiện trường để xử lý khẩn cấp tình trạng đê nứt, lún. Ảnh: Quốc Toản.

Máy móc được huy động đến hiện trường để xử lý khẩn cấp tình trạng đê nứt, lún. Ảnh: Quốc Toản.

Cách đây vài tháng, tuyến đê sông Càn đoạn chạy qua thôn 4, xã Nga Điền có biểu hiện lún, sụt, trượt ra mép sông. Vào thời điểm này, tình trạng đê xuống cấp càng trầm trọng hơn.Theo quan sát của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, chiều dài đoạn đê bị lún, nứt chạy qua thôn 4, xã Nga Điền lên tới 150m tính từ cống Ba Bì đến cống Đình.

Điểm đê xung yếu tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người dân có chiều dài hơn 30m. Mặt đê và mái đê xuất hiện hàng chục vết nứt, đứt gãy, có chiều rộng từ 5-7cm, cá biệt có đoạn lên tới 20cm kéo dài từ 1 đến 5m.

Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện để ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn tuyến đê. Hiện nay, đơn vị có trách nhiệm đã huy động máy móc, thực hiện san gạt, đắp nền và gia cố tuyến đê. Cũng trên địa bàn xã Nga Điền cách đây không lâu, tuyến đê sông Càn cũng bị sạt lở nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có mưa bão, thiên tai. 

“Không biết tuyến đê này có trụ được qua mùa mưa bão không. Nếu đê cứ xuống cấp như vậy thì dân chúng tôi lo lắm. Đề nghị chính quyền địa phương nhanh chóng bố trí kinh phí, đầu tư đê, kè, đảm bảo an toàn cho người dân sống dưới mái đê”, chị Trần Thị Hường, thôn 4, xã Nga Điền đề nghị.

Chờ kinh phí

Đê sông Càn là tuyến đê cấp V do UBND huyện Nga Sơn quản lý. Đây là con đường duy nhất dẫn vào xã Nga Điền và là nơi sinh sống của hàng trăm hộ dân dọc đê. Theo phản ánh của các hộ dân, tuyến đê sông Càn xuống cấp đã nhiều năm nay nhưng chưa được đầu tư xây dựng. 

Mái đê bị sạt trượt đe dọa an toàn của nhiều hộ dân tại xã Nga Điền. Ảnh: Thanh Nga.

Mái đê bị sạt trượt đe dọa an toàn của nhiều hộ dân tại xã Nga Điền. Ảnh: Thanh Nga.

“Cả tỉnh Thanh Hóa không có nơi nào đê xấu và xuống cấp như tại xã Nga Điền. Mặt đê xuất hiện hàng nghìn ổ gà, ổ voi, đất đá lởm chởm như đánh bẫy người đi đường. Ngày nắng thì bụi dày, phủ kín mặt đường. Trời mưa thì trơn, trượt, gây nguy hiểm cho người và phương tiện, đặc biệt là học sinh trong làng. Đoạn nào xuống cấp, sụt, lún thì họ lại bồi đất lên. Có hôm trời mưa lớn, học sinh phải đến trường bằng việc men theo đường đồng, chứ không thể đi trên đê”, chị Trần Thị Hường cho hay.

Cũng theo phản ánh của các hộ dân thôn 4, sau khi phát hiện sự cố, chính quyền địa phương đã cắt cử người túc trực canh đê, cấm xe trọng tải lớn lưu thông qua khu vực này. "Nếu chính quyền không xử lý kịp thời đoạn đê bị xuống cấp thì thân đê, mái đê này đã bị kéo trượt xuống sông rồi”, bà Trần Thị Hường, thôn 4, xã Nga Điền cho hay.

Mặt đê sông Càn lún sụt. Ảnh: Thanh Nga. 

Mặt đê sông Càn lún sụt. Ảnh: Thanh Nga. 

Khi được hỏi về dự án tu bổ đê sông Càn, ông Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND xã Nga Điền cho biết, đây là vấn đề vượt quá khả năng của chính quyền địa phương: “Dưới mái đê là sình lầy nên độ lún cao. Nếu đê lún thì phải bồi đất đá để ngăn tình trạng sạt, trượt. Tuy nhiên, chỉ sau một trận mưa thì mọi thứ trở lại như cũ. Trong khi đó, vấn đề kinh phí để xử lý tuyến đê vượt quá điều kiện của xã”.

Nói rõ hơn vấn đề này, ông Thịnh Văn Huyên, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho biết: “Huyện đã đề xuất với cấp có thẩm quyền bố trí vốn để làm đập, kè đê sông Càn nhưng chưa được duyệt. Về phương án trước mắt, UBND huyện Nga Sơn đã đề xuất với tỉnh phương án xử lý khẩn cấp đoạn đê bị sạt lở. Hiện nay nước sông đang thấp nên mọi thứ đang được lực lượng chức năng kiểm soát theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân tại các vị trí vực xung yếu”.

Sau khi đi thực tế tuyến đê, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu huyện khẩn trương khoanh vùng, cắm biển cảnh báo khu vực đang có diễn biến sạt lở; tiếp tục cắt cử lực lượng canh đê cấm các phương tiện có trọng tải lớn lưu thông qua khu vực xảy ra sự cố. Đồng thời, thực hiện việc khơi thông dòng chảy, phát quang mái đê nhằm phát hiện kịp thời các vị trí có thể phát sinh sự cố mới tại đoạn đê nguy cơ cao.

Để đảm bảo an toàn cho tuyến đê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở NN-PTNT phối hợp với huyện Nga Sơn khảo sát, đánh giá cụ thể nguy cơ nứt, sạt đoạn đê tả sông Càn đoạn qua xã Nga Điền; lập dự toán báo cáo UBND tỉnh quyết định đầu tư kinh phí khắc phục khẩn cấp sự cố đoạn đê bằng nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh. Cùng với đó, các đơn vị liên quan cần thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các công trình thủy lợi, đê điều, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với các sự cố công trình trong mùa mưa bão.

Ảnh: Quốc Toản.

Ảnh: Quốc Toản.

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến La Habana, bắt đầu thăm Cuba

Tối 25/9 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Sân bay quốc tế Jose Marti, Cuba.

Lần đầu tiên tổ chức lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc

Lễ hội được tổ chức tại Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa, quận Phong Đài, thành phố Bắc Kinh, một chợ đầu mối hoa quả thuộc diện lớn trong vùng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hà Nội: Nông nghiệp ước tính thiệt hại hơn 2.287 tỷ đồng

Ước thiệt hại nông nghiệp sau bão, lũ là hơn 2.287 tỷ đồng. Thành phố Hà Nội đã yêu cầu ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, khắc phục hậu quả bão số 3.

Bình luận mới nhất