| Hotline: 0983.970.780

Cà Mau: Có hơn 83% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Thứ Năm 24/09/2020 , 18:05 (GMT+7)

Tỉnh Cà Mau đã có 1.320/1.584 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt hơn 83%.

Hội nghị tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Ảnh: Trọng Linh.

Hội nghị tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Ảnh: Trọng Linh.

Ngày 24/9, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý, chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Thời gian qua, mặc dù tỉnh Cà Mau thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân khai thác đúng theo quy định của pháp luật, không đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, bắt buộc chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không khai thác vi phạm chủ quyền các nước.

Tuy nhiên, tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép vẫn còn xảy ra. Tính từ đầu năm 2020 đến nay có 5 tàu cá/45 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ và xử lý. Nếu tính từ ngày 23/10/2017 đến nay đã có tổng cộng 43 tàu/264 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, ông Triều cho biết.

Theo đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, qua công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát trên các vùng biển, đơn vị đã phát hiện và xử lý 857 vụ vi phạm với số tiền thu phạt hơn 13 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau đã có 1.320/1.584 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (thiết bị VMS), đạt hơn 83%. Trong đó, số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên là 56/61 chiếc, từ 15m đến dưới 24m là 1.260 chiếc (ngoài ra còn có 4 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15m tự nguyện lắp đặt).

Qua công tác điều tra, rà soát thì còn 264 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS. Nguyên nhân chưa lắp đặt theo các nhóm như, tàu cá chưa điều tra được tình trạng do chủ tàu và tàu hiện tại không còn ở địa phương hoặc nơi cư trú theo hồ sơ quản lý là 73 tàu, tàu cá đã sang bán là 57 tàu, tàu cá đang hoạt động là 54 tàu và có 80 tàu cá ngưng hoạt động.

Theo ông Triều, thì tình trạng mất kết nối chưa rõ nguyên nhân vẫn thường xuyên xảy ra, đôi khi chiếm số lượng lớn (thường xuyên từ 10-15%/tổng số đã lắp đặt), gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Đội kiểm tra liên ngành 335, Chi cục Thủy sản đã tổ chức làm việc với nhiều hộ dân, các nhà cung cấp thiết bị nhưng tình trạng ngư dân và nhà cung cấp đổ lỗi cho nhau trong khi đó cơ sở pháp lý xử phạt vi phạm hành chính chưa được hướng dẫn rõ ràng. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn nhiều tình trạng không đóng phí dẫn đến nhà cung cấp ngắt kết nối.

Toàn tỉnh Cà Mau đã có 1.320/1.584 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (thiết bị VMS) đạt hơn 83%. Ảnh: Trọng Linh.

Toàn tỉnh Cà Mau đã có 1.320/1.584 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (thiết bị VMS) đạt hơn 83%. Ảnh: Trọng Linh.

Tại hội nghị, nhiều địa phương đề nghị tỉnh có ý kiến về việc nhà mạng cung cấp thiết bị giám sát hành trình xem xét giá bán, giá dịch vụ hàng tháng. Đồng thời, có biện pháp xử lý đối với những thiết bị mất kết nối do lỗi kỹ thuật.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng: Qua kiểm tra, việc mất kết nối có nhiều nguyên nhân như: Gỡ thiết bị ra khỏi niêm phong, không đóng phí dịch vụ vệ tinh, che chắn thiết bị phát sóng, thiết bị trục trặc kỹ thuật dẫn đến ngành chức năng bị lúng túng, không biết xử lý thế nào, không phân biệt được nguyên nhân mất kết nối dẫn đến chúng ta chưa đưa ra được biện pháp xử lý.

Ông Sử cho biết, quy định về xử lý thiết bị giám sát hành trình bị mất kết nối theo Nghị định 42, 26 của Chính phủ đã có, nhưng chúng ta chưa áp dụng. Như vậy, Sở NN-PTNT đề xuất giải pháp, căn cứ quy định của pháp luật để xử lý.

Xem thêm
Người nuôi thủy sản Thái Bình chuẩn bị kỹ cho vụ nuôi mới

Các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang khẩn trương cải tạo hệ thống ao đầm, lồng bè…, sẵn sàng thả nuôi vụ mới vào tháng 4.

Thừa Thiên - Huế đề xuất đầu tư 350 tỷ đồng cho hạ tầng nghề cá

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất bổ sung 350 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá địa phương, góp phần nâng cao năng lực ngành thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.