| Hotline: 0983.970.780

Cà Mau: Sạt lở đê biển Tây nghiêm trọng, phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Thứ Năm 10/09/2020 , 14:48 (GMT+7)

Mặc dù tuyến đê biển Tây ở tỉnh Cà Mau mới được đầu tư gia cố nhưng đã xuất hiện nhiều đoạn sạt lở có thể ảnh hưởng trực tiếp 26.160 hộ dân...

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký Quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây thuộc địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký Quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây thuộc địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Cà Mau cho biết: Những ngày qua mưa to, gió lớn, triều cường dâng cao làm nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3-0,4m, với chiều dài hơn 2.000m gây sạt lở đặc biệt nguy hiểm. 

Theo ông Hoai, khu vực này vừa hoàn thành các dự án: Hộ đê khẩn cấp đoạn bờ Bắc, bờ Nam Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến), chiều dài 550m bằng hình thức gia cố mái đê bằng thảm đá bọc PVC. Hộ đê khẩn cấp đoạn bờ Bắc T25 (xã Khánh Hội), chiều dài 700m bằng hình thức gia cố xếp rọ đá phía biển, nên cơ bản ứng phó tốt trong đợt mưa bão, triều cường vừa qua.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy hiện khu vực này xuất hiện đoạn sạt lở có chiều dài 50m nằm cách Giồng Cát hướng về Tiểu Dừa 1.150m. Điểm sạt lở nguy hiểm nhất cách chân đê 10m, khu vực phía ngoài không còn đai rừng phòng hộ, chỉ có hệ thống kè đang thi công. Những đoạn sạt lở này có thể gây vỡ đê biển Tây bất cứ lúc nào và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 26.160 hộ dân sinh sống ven biển và 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký Quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây thuộc địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời. Theo đó, tổng chiều dài sạt lở đê biển Tây trong tình huống khẩn cấp là 3.325m, với 4 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần thực hiện giải pháp công trình khẩn cấp để bảo vệ đê.

Cụ thể, tại xã Khánh Tiến (huyện U Minh) xuất hiện sạt lở đê biển nghiêm trọng, đoạn từ Hương Mai + 7.900m hướng về Tiểu Dừa với chiều dài 610m và đoạn từ Hương Mai + 6.000m hướng về Tiểu Dừa có chiều dài 315m.

Trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, xuất hiện vị trí sạt lở tại thuộc bờ Nam và Bắc Kênh Mới (Khánh Bình Tây), cùng với đó là đoạn từ Đá Bạc + 2000m hướng về Sào Lưới (xã Khánh Hải, Khánh Bình Tây), có chiều dài 500m. Tại xã Khánh Bình Tây Bắc, sạt lở diễn ra tại đoạn từ Ba Tĩnh đến T25, có chiều dài 1.900m. Nếu vỡ đê trong mùa mưa bão sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của 26.100 hộ dân sinh sống ven biển Tây.

Vỡ đê biển Tây của tỉnh Cà Mau sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 26.160 hộ dân sinh sống ven biển.

Vỡ đê biển Tây của tỉnh Cà Mau sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 26.160 hộ dân sinh sống ven biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với 2 địa phương trên khoanh vùng khu vực bị sạt lở và thiết lập hành lang an toàn. Ngoài ra, ông Hải yêu cầu ngành chuyên môn và địa phương tiếp tục khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở theo tình huống khấn cấp.

Lãnh đạo UBND huyện U Minh và Trần Văn Thời tiến hành vận động, sơ tán người dân và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở. Nghiêm cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng khu vực sạt lở, không để xảy ra tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn. Trước đó, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã có tờ trình gửi đến UBND tỉnh này, về việc quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây.

Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Sở NN-PTNT vừa đề xuất tạm ứng 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để khắc phục ngay các vị trí sạt lở, khi có chủ trương cấp bổ sung sẽ hoàn lại nguồn kinh phí theo quy định.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.