| Hotline: 0983.970.780

Cà Mau: Hạn, mặn khốc liệt

Thứ Ba 25/02/2020 , 14:17 (GMT+7)

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và sụp lở trong vùng ngọt hóa đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân tỉnh Cà Mau.

Dòng sông khô hạn, đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của người dân. Ảnh Trọng Linh.

Dòng sông khô hạn, đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của người dân. Ảnh Trọng Linh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, vùng Bắc Cà Mau có diện tích tự nhiên hơn 154.000ha, Trong đó có hơn 100.000 ha đất nông nghiệp và gần 45.000 ha đất lâm nghiệp. Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch của UBND tỉnh năm 2002, vùng Bắc Cà Mau là vùng ngọt hoá, được chia làm 5 tiểu vùng, đến nay chỉ còn Tiểu vùng III và phần lớn Tiểu vùng II, Bắc Cà Mau còn giữ được ngọt hoá.

Vùng ngọt hoá có diện tích tự nhiên gần 89.000 ha, ranh giới: Phía Bắc giáp kênh Biện Nhị; Phía Nam giáp sông Đốc; Phía Đông giáp sông Tắc Thủ; Phía Tây giáp biển Tây. Vùng ngọt hóa có 120 km đê, 69 cống xây dựng cơ bản, 04 trạm bơm và 2.203 km kênh các cấp (Kênh trục, cấp I có 61 tuyến, chiều dài 769 km, cao trình đáy từ - 2.5 ÷ 3.2m; Kênh cấp II có 173 tuyến, chiều dài 1.030 km, cao trình đáy từ - 1.8 ÷ - 2.2m; Kênh cấp III, nội đồng có 210 tuyến, chiều dài 404 km, cao trình đáy từ - 0.8 ÷ - 1.5m).

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đã xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm và ở mức gây gắt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh. 

Dòng kênh cạn khô. Ảnh Trọng Linh.

Dòng kênh cạn khô. Ảnh Trọng Linh.

Mực nước trên các hệ thống kênh mương trong các tiểu vùng II, III Bắc Cà Mau thuộc các huyện U Minh và Trần Văn Thời tiếp tục duy trì ở mức rất thấp và đang tiếp tục giảm. 

Cụ thể, hệ thống kênh trục từ 0.9 - 1.4m, kênh cấp I mực nước từ 0.5 – 0.7m, trong đó có một số kênh đã khô cạn; kênh cấp II, cấp III hầu hết đã khô cạn (mực nước trung bình nhiều năm từ 1.1 – 1.3m); khu vực rừng tràm U Minh Hạ mực nước hiện nay từ 2.0 – 2.15m (mực nước trung bình nhiều năm trên 3.0m). Mực nước hiện nay trên các hệ thống kênh mương đã xuống rất thấp, trữ lượng sụt giảm từ (50 – 70)% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Tính đến ngày 19/02/2020 trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 18.000 ha các trà lúa bị thiệt hại. Trong đó, phân theo tỷ lệ, thiệt hại từ 30 - 70% hơn 5.500 ha, thiệt hại trên 70% hơn 12.500 ha; phân theo trà lúa, lúa- tôm hơn 15.900 ha, trà lúa ĐX hơn 2.100 ha, lúa mùa hơn 100 ha và rau màu bị thiệt hại là 3,6 ha.

Ông Võ Văn Bền cho hay,  ruộng đậu bị khô hạn do thiếu nước. Ảnh Trọng Linh.

Ông Võ Văn Bền cho hay,  ruộng đậu bị khô hạn do thiếu nước. Ảnh Trọng Linh.

Bên cạnh đó, chưa kể đến việc các dòng kênh, gạch bị khô cạn đã ảnh hưởng đến việc việc vận chuyển lúa hàng hóa gặp nhiều khó khăn, chi phí sản xuất của người dân tăng theo.

Ông Nguyễn Trường Đời, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Kinh Dớn (xã Khánh Bình Tây Bắc, Trần Văn Thời) cho biết: Hàng năm, lúa của bà con nông dân vận chuyển ra đến bãi tập kết chỉ mất 250 đồng/kg lúa, nhưng năm nay tình hình hạn hán, kênh, gạch khô hạn không thể vận chuyển bằng đường thủy, còn đường bộ thì bị sạt lở không vận chuyển bằng xe tải. Vì vậy bà con chỉ biết vận chuyển bằng phương tiện xe hai bánh (xe mô tô), chi phí tăng lên gần gấp đôi (từ 250 đồng lên 400 -  500 đồng/kg lúa vận chuyển), chưa kể thời gian vận chuyển rất chậm.

“Thậm chí khi bà con nông dân thu hoạch rồi, mà không có thương lái để bán, vì đoạn đường vận chuyển xa, tốn nhiều thời gian, thương lái sợ lỗ vốn. Trong đó, đối với giống lúa ngang như: OM5451, Đài thơm 8, OM 18… nông dân có thể phơi lại dự trữ lại, chờ có nước có thể vận chuyến bán được. Còn các giống lúa thơm như: ST 24, RVT… nông dân có tự phơi thì thương lái vẫn không mua. Vì đối với giống lúa thơm cần sấy đủ độ khô (từ 13 - 16 độ) thì hạt mới lột vỏ, nên có tự phơi cũng không thể đạt được độ phơi mà doanh nghiệp thu mua yêu cầu, đó là khó khăn trong khâu vận chuyển", ông Đời chia sẻ.

Do ảnh hưởng của khô hạn nên ruộng đậu của ông Bền vụ này năng suất chỉ còn 1/2 so với năm trước. Ảnh Trọng Linh.

Do ảnh hưởng của khô hạn nên ruộng đậu của ông Bền vụ này năng suất chỉ còn 1/2 so với năm trước. Ảnh Trọng Linh.

Riêng khâu sản xuất, ông Đời cho biết, do hạn, mặn kéo dài dẫn đến việc thiếu nước nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến năng suất cũng như chắc lượng của hạt lúa. Đặc biệt, đối với những hộ nông dân xuống giống ĐX trễ mất trắng vì không có nước để phục vụ sản xuất đãn đến tình trạng cây lúa bị khô, héo, chết khô…

Còn ông Võ Văn Bền, nông dân trồng đậu ấp Cơ 5, xã Khánh Bình Tây (Trần Văn Thời) cho biết, gia đình ông xuống giống khoảng 1 ha đậu, lúc đầu trồng thì đậu phát triển rất tốt, đến khoảng 3 tuần sau bắt đầu tưới phân thì bắt đầu gặp hạn, khô đậu không ra rễ nổi. Thông thường thì đậu từ 3 tuần trở lên sẽ bắt đầu phát triển, nhưng do ảnh hưởng của khô hạn nên bộ rễ cây đậu không thể phát triển đứng trước nguy cơ thua lỗ.

“Trước đó, với diện tích trên gặp thời tiết thuận lợi gia đình tôi thu hoạch khoảng 2 tấn đậu xanh thương phẩm. Năm nay, do ảnh hưởng của khô hạn nên vụ này năng suất chỉ còn 1 nửa so với trước. Tôi cố gắng chăm sóc để hy vọng bán đủ chi phí đầu tư lấy lại vốn ban đầu là mừng lắm rồi”, ông Bền buồn bã nói.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thì hệ thống thủy lợi của Cà Mau chưa khép kín. Ảnh Trọng Linh,

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thì hệ thống thủy lợi của Cà Mau chưa khép kín. Ảnh Trọng Linh,

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt cho biết: Thông thường thì tỉnh Cà Mau có 7 tháng nước ngọt và 5 tháng nước mặn, tuy nhiên trong những năm gay gắt thì mặn đến nhiều hơn khoảng 6 tháng, độ mặn cũng cao hơn và xâm nhập sâu hơn thời gian kéo dài. Không chỉ riêng Cà Mau, mà 9/13 tỉnh của ĐBSCL đều chịu ảnh hưởng hạn, mặn 2019 -2020 trong sản xuất trồng trọt nói chung cũng như trong sản xuất lúa.

Theo ông Tùng, vấn đề lớn của Cà Mau hiện nay là thủy lợi. Hiện tại hệ thống thủy lợi của Cà Mau chưa khép kín, hiện hệ thống thủy lợi ở đây chỉ khép kính trên từng ô nhỏ, đây là một đặc điểm riêng trong cơ cấu sản xuất lúa của Cà Mau. Trong khi đó, ở một số vùng khác thì các ô thủy lợi rất lớn, có thủy thấy địa hình của Cà Mau không được thuận lợi như các tỉnh khác, cao trình của Cà Mau chỉ cao từ 0,8 - 1m, trong khi đó cao trình của các tỉnh tại ĐBSCL từ 0,8 - 1,8m thuận lợi hơn so với tỉnh Cà Mau.

“Ngoài ra, hơn 70% đất của Cà Mau là đất mặn, 30% đất ít nhiễm mặn, đây được xem là khó khăn trong vấn đề trồng trọt của địa phương. Vì thế, ở Cà Mau định hình rất rõ vùng ngọt để sản xuất là ở huyện Trần Văn Thời và U Minh, vùng lúa trọng điểm của tỉnh”, ông Tùng khẳng định.

Bên cạnh đó, tình hình sụp lún cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân Cà Mau. Ảnh Trọng Linh.

Bên cạnh đó, tình hình sụp lún cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân Cà Mau. Ảnh Trọng Linh.

Ông Tùng cho biết, qua khảo sát thực tế cơ cấu mùa vụ của Cà Mau có mấy dạng hình: 2 vụ lúa, 2 vụ lúa- 1 vụ màu, 2 vụ lúa - 2 vụ màu hoặc là 1 vụ lúa và trong 5 loại hình cơ cấu mùa vụ thì loại hình cơ cấu mùa vụ nào cũng chịu tác động mặn ở 1 hoặc 2 mùa vụ cụ thể.

Ví dụ, đối với 2 vụ lúa, thì mặn sẽ ảnh hưởng đến vụ lúa ĐX; đối với 2 vụ lúa - 1 vụ màu, thì vụ lúa cuối ĐX và 1 vụ màu đều bị nhiễm mặn… Trong khi đó, vận chuyển từ giống lúa này sang một giống lúa khác là hết sức khó khăn, do tập quán sản xuất của người dân.

Ông Tùng cho rằng, đối với vùng sinh thái ngọt khoảng 100.000ha, trong đó huyện U Minh khoảng 56.000 ha và huyện Trần Văn Thời là 44.000 ha, áp dụng cơ cấu sản xuất 1 lúa - 1 vụ tôm (trồng lúa mùa mưa, nuôi tôm mùa khô), sẽ có nhiều ưu thế, thuận lợi, chủ động ứng phó BĐKH.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Vấn đề cung cấp ngước ngọt phục vụ sản xuất cho vùng Bán đảo Cà Mau dã được nghiên cứu và thực hiện bằng Dự án ngọt hoá bán đảo Cà Mau từ nhiều năm trước.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, đến nay dự án chưa hoàn thành, mục tiêu của dự án cũng chưa đạt được. Trong khi hệ thống hạ tầng thuỷ lợi chậm được đầu tư theo qui hoạch, xâm nhập mặn tiếp tục lấn dần, người dân tự phát sản xuất trong điều kiện chịu sự tác động của BĐKH, do đó nước mặn ngày càng lấn sâu, phân ranh mặn ngọt theo trục Kênh xáng Quản lộ - Phụng Hiệp không còn khả thi và đang nghiên cứu thay bằng trục sông Trắc Bằng.

Riêng huyện Trần Văn Thời đã có gần 1.000 vị trí sụp lún, sạt lở. Ảnh Trọng Linh.

Riêng huyện Trần Văn Thời đã có gần 1.000 vị trí sụp lún, sạt lở. Ảnh Trọng Linh.

Đến nay chưa có kết luận việc dẫn dòng nước ngọt có đảm bảo cho sản xuất, sinh hoạt vùng bán đảo Cà Mau nói chung, vùng ngọt hoá của tỉnh Cà Mau nói riêng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh này, trước thực tế trên Cà Mau cũng đã đưa ra một số kiến nghị: Nghiên cứu xây dựng hệ thống kênh trục, cấp nước ngọt theo hình thức cưỡng bức (bơm) từ sông Hậu về phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các tỉnh ven biển vùng bán đảo Cà Mau hoặc nghiên cứu xây dựng hệ thống hồ chứa qui mô lớn ở vùng ngọt (U Minh); xây dựng khôi phục lại hệ thống ao, hồ theo cụm, tuyến dân cư giếng làng để trữ nước mưa phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Ngoài diện tích lúa bị thiệt hại, thì diện tích bị khô hạn đến nay là hơn 42.800ha. Trong đó cấp II là 8.160,4ha; Cấp III là 11.450,6ha; Cấp IV là 11.156,3ha; và Cấp V là 12.101,5ha).  Đặc biệt, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 20.542 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt...

Xem thêm
Tăng năng suất, chất lượng bò thịt bằng nguồn giống và công nghệ

TP. HCM Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành chăn nuôi chú trọng tăng chất lượng, sản lượng đàn bò thịt trong thời gian tới nhằm đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ninh Thuận chiếm trên 50% cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản của cả nước

Ninh Thuận đã xây dựng được 11 cơ sở an toàn dịch bệnh với tôm giống và tôm bố mẹ, chiếm trên 50% cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản của cả nước.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.

Bình luận mới nhất