Về tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, Cà Mau không tăng thêm mà giữ nguyên 290.000 ha như hiện nay. Tuy nhiên mỗi năm có sự điều chỉnh, vùng nuôi tôm không hiệu quả sẽ chuyển sang nuôi trồng cây, con khác, ngược lại vùng trồng lúa kém hiệu quả sẽ điều chỉnh chuyển sang nuôi trồng thủy sản.
Trong 4 loại hình nuôi tôm bền vững, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 diện tích nuôi tôm trên đất trồng lúa là 50.000ha, nuôi tôm nước tĩnh 20.000ha, nuôi công nghiệp từ 15.000 - 20.000ha, tôm - rừng 20.000ha. Còn lại là nuôi quảng canh cải tiến và thử nghiệm một số hình thức nuôi theo công nghệ mới. Với quy hoạch trên Cà Mau phấn đấu đến năm 2020 đạt sản lượng nuôi trồng đạt từ 400.000 - 500.000 tấn.
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản cao nhất nước nhưng nhìn chung hiệu quả đạt được trong thời gian qua chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng. Năng suất thấp, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, tính rủi ro cao, dịch bệnh làm cho tôm chết luôn xảy ra làm cho người nuôi tôm gặp nhiều bất trắc.
Nhằm đáp ứng cho 4 loại hình nuôi tôm bền vững, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, tỉnh tập trung hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản 4 lĩnh vực, một là giống, phấn đấu đến năm 2020 bảo đảm 100% nguồn giống sạch cho người nuôi; hai là hệ thống thủy lợi, ưu tiên đầu tư một số công trình thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản; ba là trung tâm khuyến ngư sẽ hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật trong nuôi trồng nhằm hạn chế rủi ro; bốn là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận nguồn vốn để tổ chức sản xuất đạt hiệu quả.
Ông Huỳnh Việt Khải, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, việc quy hoạch xác định các loại hình nuôi tôm để ưu tiên đầu tư phát triển bền vững là việc làm cần thiết vì hiện nay nông dân đang lúng túng không biết nuôi theo hình thức nào đạt hiệu quả cao.