| Hotline: 0983.970.780

Cá ngừ xuất sang Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng

Thứ Năm 28/11/2019 , 11:27 (GMT+7)

Năm nay, giá trị nhập khẩu cá ngừ nói chung của Trung Quốc giảm khá nhiều. Tuy nhiên, giá trị cá ngừ Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc lại tăng rất mạnh.

Chuẩn bị đưa cá ngừ lên bờ.

Theo VASEP, thông tin từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (Mỹ), cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay,  giá trị cá ngừ nhập khẩu vào Trung Quốc giảm khá nhiều.

Cụ thể, trong 9 tháng, Trung Quốc nhập khẩu cá ngừ trị giá 135,265 triệu USD, giảm tới 29,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc giảm nhập khẩu cá ngừ, có tác động không nhỏ từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Bởi do bị áp thuế quá cao, cá ngừ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh, buộc phải đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa.

Trong các nguồn cung cá ngừ nhập khẩu vào Trung Quốc, giảm mạnh nhất là từ Mỹ, với mức giảm tới 85,29% về giá trị so với cùng kỳ. Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại là nguyên nhân chính làm nên sự sụt giảm quá lớn nói trên, khi mà Trung Quốc cũng áp thuế cao với cá ngừ nhập khẩu từ Mỹ.

Một số nguồn cung khác giảm mạnh về giá trị cá ngừ nhập khẩu vào Trung Quốc là Tây Ban Nha (giảm 84,29%), Micronesia (giảm 70,88%), Papua New Guinea (giảm 67,72%), Đài Loan (giảm 62,64%), Philippines (giảm 31,12%) …

Trong bối cảnh đó, điều đáng mừng là tăng trưởng của cá ngừ Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc lại ở mức rất cao.

Trong 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 6,513 triệu USD cá ngừ từ Việt Nam, tăng tới 236,42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng trưởng như trên của cá ngừ Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, chỉ kém so với Mauritius (đạt gần 4 triệu USD, tăng 251%). Đồng thời bỏ xa so với mức tăng trưởng của một số nguồn cung khác như Sri Lanka (tăng 197,4%), Hàn Quốc (117,25%), Vanuatu (102,35%), Úc (51,56%) …

Đặc biệt, dù có lợi thế như nhau về thuế quan, nhưng trong khi Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam, thì lại giảm nhập khẩu từ một số nguồn cung quan trọng khác trong khu vực ASEAN là Thái Lan và Philippines.

Tuy nhiên, dù đã tăng trưởng rất mạnh, nhưng giá trị của cá ngừ Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc còn rất khiêm tốn, chỉ bằng khoảng 1/6 của Quần đảo Marshall, 1/3 của Hàn Quốc, hơn 1/2của Đài Loan…

Do đó, thị phần của cá ngừ Việt Nam tại thị trường Trung Quốc còn khá khiêm tốn, và Việt Nam hiện đang đứng thứ 6 trong số những nước, vùng lãnh thổ có cá ngừ nhập khẩu vào Trung Quốc.

Chính vì vậy, tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang Trung Quốc trong thời gian tới còn rất lớn. Theo nhận định của một doanh nhân ngành hải sản, cá ngừ Việt Nam đang có nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Ngoài xuất khẩu theo các kênh truyền thống, nhiều doanh nghiệp đang tìm các kênh khác để đưa cá ngừ vào thị trường Trung Quốc, trong đó có các kênh thương mại điện tử như Alibaba…

Một số sản phẩm cá ngừ Việt Nam bán trên kênh thương mại điện tử Alibaba

Theo VASEP, Trung Quốc hiện đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 13 trên thế giới. Nước này chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ tươi, sống, ướp đá và đông lạnh. Những sản phẩm nói trên chiếm trên 90% khối lượng cá ngừ nhập khẩu vào Trung Quốc.

Các sản phẩm cá ngừ như cá ngừ vây xanh/tươi ướp lạnh, cá ngừ philê đông lạnh, cá ngừ vây xanh phía Nam ướp lạnh/tươi, cá ngừ đông lạnh, cá ngừ Albacore/vây dài ướp lạnh/tươi… nhập khẩu vào Trung Quốc đang ngày càng tăng.

Nhưng tỷ trọng lớn nhất vẫn thuộc về các sản phẩm như cá ngừ vằn đông lạnh, cá ngừ vây vàng đông lạnh, cá ngừ chế biến…

9 tháng đầu năm nay Trung Quốc đã nhập khẩu gần 80 triệu USD cá ngừ vằn đông lạnh. Tiếp đó là cá ngừ vây vàng đông lạnh (hơn 17 triệu USD), cá ngừ vây xanh tươi/ướp lạnh gần 12 triệu USD), cá ngừ chế biến (gần 11 triệu USD), cá ngừ philê đông lạnh (hơn 10 triệu USD)…

Đặc biệt, tại phân khúc thị trường loin (thăn) cá ngừ đông lạnh, Việt Nam đang là nguồn cung chính cho thị trường Trung Quốc.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất