Cá tôm cạn kiệt
Dân chài bán cá tôm tươi hằng ngày ở các chợ vùng sông nước ĐBSCL cho biết, mấy năm gần đây nghề chài cá, giăng câu, kéo lưới mai một dần. Cá nước ngọt không còn nhiều như trước. Hàng cá, tôm, tép từ sông rạch ra chợ ít dần. Mấy loài cá tra dầu, cá hô… to lớn mỗi con trên dưới trăm ký hầu như rất hiếm đánh lưới bắt được. Dân sống theo nghề đóng đáy, chất chà, lưới bao, cào cá… trong vùng không còn nhiều, phần lớn lên bờ làm thuê, làm mướn tìm kế khác sinh nhai.
Loài tôm càng xanh to có đôi càng to dài, dân chài địa phương gọi là càng xào lưới bắt được càng hiếm nên từ nhiều năm qua nguồn hàng cung cấp ra thị trường chủ yếu là tôm càng xanh nuôi từ Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang chở về. Không chỉ tôm càng xanh, các loài cá nước ngọt có nguồn gốc ngoài tự nhiên bán chợ hiện hầu hết là từ nuôi ao, nuôi bè như: Cá lóc, cá rô, cá tra hay điêu hồng, thát lát, cá he…
Mấy năm qua khi dòng nước thượng nguồn đổ về ít, không còn lũ lớn ở ĐBSCL, nước không lên đồng được, cá không sinh sôi, nảy nở. Tập quán sinh sản theo dòng nước của bao nhiêu loài trên dòng Mekong, sông Cửu Long nổi tiếng như: Basa, bông lau, cá linh, tôm, tép… đang bị triệt đường sống.
PGS TS Trần Đắc Định, Trưởng Bộ môn Quản lý và Kinh tế nghề cá Khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Cho đến nay ở vùng ĐBSCL chưa có một đánh giá nào đầy đủ cho toàn vùng về con số chính xác mức độ suy giảm nguồn lợi thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, thông qua các nghiên cứu ở từng địa phương, từng vùng sinh thái và ở các thời điểm nghiên cứu khác nhau trong khoảng 10 năm trở lại đây, cho thấy mức độ phong phú (hay trữ lượng) của nguồn lợi thủy sản nói chung và nguồn lợi cá nước ngọt nói riêng bị suy giảm khoảng 30 - 60%.
Về đa dạng, nhiều loài bị tuyệt chủng hoặc nguy cấp, đặc biệt là các loài có kích cỡ rất lớn và rất nhỏ. Sự suy giảm này, có 2 nguyên nhân chính: Do việc khai thác chưa hợp lý (như khai thác quá mức cả về trữ lượng và tăng trưởng, khai thác vào mùa sinh sản hoặc di cư sinh sản, sử dụng ngư cụ khai thác tận diệt...).
Nguyên nhân thứ 2 là do sự suy giảm của hệ sinh thái nơi mà chúng phân bố cả về số lượng và chất lượng (như giảm nhanh chóng phạm vi/diện tích phân bố, các công trình thủy điện/thủy lợi hạn chế sự di cư và phân bố, ô nhiễm do công nghiệp, nông nghiệp, độ thị hóa...). Trong đó, nguyên nhân thứ 2 ngày càng ảnh hưởng đến mức độ suy giảm nhiều hơn nên để hạn chế, khắc phục nguyên nhân này cũng khó khăn hơn.
Nguồn lợi thủy sản suy giảm
Cuối tháng 2/2021, theo công bố của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), các loài cá nước ngọt đa dạng và tuyệt đẹp đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, an ninh lương thực và sinh kế đối với hàng trăm triệu người trên thế giới. Nhưng theo một báo cáo mới phát hành của 16 tổ chức bảo tồn toàn cầu, các loài cá đang bị de dọa nghiêm trọng với 1/3 số loài đang trên bờ tuyệt chủng.
Báo cáo "Các loài cá bị lãng quên" cho thấy sự đa dạng độc đáo của các loài cá nước ngọt, với tổng số 18.075 loài, chiếm hơn nửa số loài cá và 1/4 số loài động vật có xương sống trên Trái đất. Riêng sông Mekong – một trong những con sông lớn dài nhất thế giới (4.900 km) với hệ sinh thái đặc trưng đa dạng, có tới 1.148 loài và có tới 4 trong tổng số 10 loài cá nước ngọt khổng lồ. Sự trù phú của các loài cá là điều thiết yếu đối với sự khỏe mạnh của các con sông, hồ và các vùng đất ngập nước, hỗ trợ các xã hội và nền kinh tế trên toàn cầu.
Ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh, thủy sản nước ngọt là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho 200 triệu người cũng như tạo công ăn việc làm cho hơn 60 triệu người. Tại Việt Nam, cá là một trong những nguồn dinh dưỡng động vật phổ biến, cung cấp 30 - 35% lượng dinh dưỡng cho người dân. Số lượng cá khỏe mạnh cũng giúp duy trì hai ngành công nghiệp lớn trên thế giới: Các hoạt động giải trí liên quan tới cá tạo ra hơn 100 tỷ USD/năm. Trong khi đó các loài cá cảnh là một trong những vật nuôi phổ biến nhất thế giới, có giá trị thương mại đến 30 tỷ USD.
Tuy nhiên theo WWF, hàng ngàn loài cá đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Suy giảm đa dạng sinh học nước ngọt đang xảy ra với tốc độ nhanh gấp 2 lần so với suy giảm đa dạng sinh học biển và rừng. Đã có 80 loài cá nước ngọt được liệt vào danh sách ‘tuyệt chủng” trong sách Đỏ của IUCN (Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên). Riêng năm 2020 đã có 16 loài. Ca tra dầu và cá hô khổng lồ sông Mekong, hai loài cá biểu trưng của con sông, cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong khi đó, quần thể các loài cá nước ngọt di cư đã suy giảm 76% kể từ năm 1970 và các loài cá lớn suy giảm 94%.
Báo cáo còn nhấn mạnh những mối đe dọa tàn khốc mà các hệ sinh thái nước ngọt, ngôi nhà các loài cá đang phải đối mặt bao gồm phá hủy sinh cảnh, xây dựng đập thủy điện trên các dòng chảy của sông, khai thác nước quá mức cho tưới tiêu, và ô nhiễm do công nghiệp và nông nghiệp gây ra.
Thêm vào đó, cá nước ngọt cũng bị đe dọa bởi khai thác quá mức và mang tính hủy diệt, sự xâm lấn của các loài ngoại sinh và tác động của biến đổi khí hậu cũng như khai thác cát không bền vững, hoạt động có thể dẫn tới thay đổi sinh quyển và trữ lượng cá, và buôn bán trái phép.
Ông Stuart Orr, Quản lý Chương trình Nước ngọt của WWF Quốc tế:
Không nơi nào khác trên thế giới lại thể hiện rõ cuộc khủng hoảng thiên nhiên như tại các con sông, hồ và các vùng đất ngập nước. Sự tàn phá do chính chúng ta gây ra đó là sự suy giảm quần thể các loài cá nước ngọt. Bất chấp tầm quan trọng của chúng đối với cộng đồng địa phương trên toàn cầu, cá nước ngọt luôn bị lãng quên và không được cân nhắc khi đưa ra các quyết định phát triển về đập thủy điện, sử dụng nguồn nước hoặc xây dựng trên các vùng lũ. Cá nước ngọt quan trọng đối với sức khỏe của con người và các hệ sinh thái nước ngọt, hỗ trợ sự sống cho chúng ta và các loài khác trên trái đất.