| Hotline: 0983.970.780

Cà phê tăng giá: Nông dân vẫn quyết "om" hàng

Thứ Ba 13/12/2011 , 11:13 (GMT+7)

Điều lạ lùng này chỉ mới xảy ra trong niên vụ cà phê 2011 – 2012 và đang tác động mạnh đến giá cà phê trên thị trường trong và ngoài nước.

Điều lạ lùng này chỉ mới xảy ra trong niên vụ cà phê 2011 – 2012 và đang tác động mạnh đến giá cà phê trên thị trường trong và ngoài nước. Liệu bài học tăng giá gấp hơn 2 lần do ghim hàng thành công của ngành hồ tiêu trong năm 2011 có đang “lây lan” sang ngành cà phê?

QUYẾT GIỮ CÀ PHÊ

So với đầu niên vụ trước, giá cà phê xô hiện tại đã cao hơn 10 triệu đồng/tấn và liên tiếp trong 1 tháng qua giá gần như chỉ đi lên: từ 34 - 35 triệu đồng/tấn tăng lên 40 – 40,5 triệu đồng/tấn. Vậy nhưng, hoạt động mua bán cà phê trên Tây Nguyên diễn ra không mấy sôi động. Nếu như vào thời điểm này năm trước, xe công nông, ba gác, xe thồ và cả xe bò kéo chở cà phê chạy đầy các ngả đường đổ về các vựa thu gom, các đại lý lớn nhỏ trao đổi mua bán, thì năm nay chỉ thấy những chuyến xe nhỏ chở cà phê bán cầm chừng.

Trao đổi với NNVN, nông dân Nguyễn Văn Nhân (ngụ KP4, phường Lộc Phát, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết: “Năm nay, gần 2 ha cà phê của tôi cho thu hoạch khoảng 8 tấn, nhưng tôi mới bán đúng 5 tạ”. Khi được hỏi tại sao không bán ngay như những năm trước, ông Nhân khẳng định: “Nếu giờ bán 40 triệu đồng/tấn thu được 320 triệu đồng, tính ra lời không bao nhiêu. Sau khi bàn bạc, gia đình chỉ bán vài tạ để trang trải tiền phân, thuốc, nhân công và sinh hoạt gia đình thôi”.

Theo tính toán của ông Nhân, ngoài sức ép về giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân trồng cà phê đang phải trả phí nhân công thu hái tăng gấp rưỡi đến gần hai lần vụ trước. “Trước đây chỉ 120.000 đồng/ngày công/người thì nay phải trên dưới 200.000 đồng. Hiện tôi thuê 8 người thu hoạch càng nhanh càng tốt để giảm tiền nhân công xuống” – ông Nhân nói.

Tương tự, hộ nông dân Trần Đức Khải (KP Thanh Xuân 1, phường Lộc Thanh, TP.Bảo Lộc) có 1,5 ha thu hoạch khoảng 5 tấn cà phê, nhưng hiện tại chỉ mới bán vài tạ. Chị Phượng, vợ anh Khải cho biết: “Xung quanh đây hộ nào chả thế. Chúng tôi kỳ vọng giá sẽ tăng lên nữa để được trả công xứng đáng cho 1 năm làm việc vất vả”.

Nhiều hộ cũng khẳng định, vụ mùa năm nay không tốt, sản lượng thu hoạch kém hẳn năm ngoái. Đơn cử như hộ ông Nhân đi đầu về trồng cà phê ghép, năng suất cao nhưng năm nay cũng bị giảm từ 9 tấn xuống còn 8 tấn/gần 2 ha. Hộ ông Khải thì dành khoảng 30% diện tích cà phê để ghép mới nên sản lượng cũng giảm từ 6 tấn xuống còn chưa đầy 4 tấn. Đặc biệt, hộ ông Hoàng Anh Dũng (đường Nguyễn Văn Cừ, phường Lộc Thanh, TP.Bảo Lộc) giảm tới 2/3 năng suất, từ 6 tấn xuống còn khoảng 2 tấn/diện tích gần 2 ha.

Các hộ nông dân tại đây khẳng định, thời tiết xấu đã khiến chùm trái rất ít, quả không đầy đặn và đẹp như mọi năm. Tình hình này càng khiến người trồng cà phê có lý do để giữ hàng lại, mong chờ một mặt bằng giá mới thiết lập nhằm đảm bảo cho việc tái đầu tư cho vườn cây, đồng thời có dư trang trải cho cuộc sống gia đình.

LIÊN KẾT ĐỂ ĐIỀU PHỐI GIÁ

Đó là khẳng định của ông Đỗ Hà Nam,  Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa), kiêm Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA). Với những kinh nghiệm thành công rực rỡ của ngành hồ tiêu trong việc giữ hàng, điều tiết bán ra và chi phối hoàn toàn giá hồ tiêu toàn cầu (năm 2011, giá hồ tiêu tăng gấp hơn 2 lần năm 2010), ông Nam khẳng định: “Niên vụ trước, nông dân trồng cà phê đã thu lợi nhuận khá lớn nên có thêm kinh nghiệm về điều phối lượng bán ra, đồng thời giảm được sức ép bán ngay khi bước vào vụ mới. Điều này giải thích tại sao lượng cà phê của các DN bán ra trong những ngày đầu tháng 12 này chỉ bằng 50% so với cùng kỳ; đồng thời kế hoạch mua tạm trữ cà phê của DN cũng chưa thực hiện được bao nhiêu vì lượng hàng giao bán không nhiều”.

Ông Nam cũng quả quyết, nông dân VN giờ đã “tỉnh đòn” hơn trước khi mỗi lần vào vụ, nhiều DN và tổ chức nước ngoài lại tung tin VN được mùa, thu hoạch sớm, nông dân và DN sẽ phải bán tháo để trả nợ, mức trừ lùi cao… Nhưng vụ này, người trồng cà phê đã không sa vào “bẫy” thông tin nhiễu loạn. Đây cũng được xem là một tín hiệu tốt cho ngành cà phê VN khi quyền quyết định về giá bán dần được chuyển vào tay của người nông dân, tương tự như ngành hồ tiêu đã làm được trong năm 2011.

Theo tìm hiểu của NNVN, không chỉ có nông dân quyết ghim hàng, hiện 20 DNXK cà phê hàng đầu của VN (CLB G20) đã liên kết với nhau không ký những hợp đồng với số lượng lớn vào thời điểm đầu vụ. Cụ thể, CLB G20 thống nhất điều tiết số lượng cà phê bán ra chỉ khoảng 100.000 tấn/tháng. Việc làm này cũng được xem như một dạng giữ hàng để đảm bảo giá bán của DN; tránh trường hợp như đầu niên vụ cà phê 2010 – 2011, nhiều DN ký hợp đồng bán với số lượng lớn, nhưng sau đó giá cà phê liên tục tăng khiến lợi nhuận “chảy” hết vào túi của DN nước ngoài.

Theo nhận định của CLB G20, nếu cả nông dân và DN liên kết để điều tiết được lượng bán, giá cà phê có thể tăng lên trên mức 2.100 USD/tấn trong thời gian tới.

THẾ GIỚI THIẾU HỤT 3 TRIỆU BAO CÀ PHÊ

Một tín hiệu tốt nữa là các nước trồng cà phê lớn nhất trên thế giới như Brazin, VN, Colombia vừa ngồi lại với nhau để đưa ra những nhận định về cung cầu của thị trường, hoạch định chiến lược kinh doanh cà phê phù hợp trong năm 2012. Đặc biệt, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) đưa ra dự báo, niên vụ 2011 - 2012 sản lượng cà phê toàn cầu khoảng 132 triệu bao (60kg/bao) trong khi nhu cầu tiêu dùng vào khoảng 135 triệu bao. Vì thế, những thông tin sai lệch trước đây về việc dư thừa cà phê đã chính thức bị bác bỏ.

Có lẽ, các nhà đầu cơ trên các sàn giao dịch hàng hóa ở London, New York chắc đang phải “vắt óc” nghĩ ra các “chiến thuật” mới để đối phó với sự thức tỉnh của nông dân trồng cà phê toàn cầu, nhất là khi nông dân đã biết rằng: Năm 2012, thế giới sẽ thiếu hụt tới 3 triệu bao cà phê.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.