| Hotline: 0983.970.780

Cà rốt Hải Dương tìm hướng lách 'cửa hẹp'

Thứ Tư 09/10/2019 , 14:32 (GMT+7)

Hải Dương là vựa cà rốt vụ đông ở miền Bắc với khoảng trên 1.200 ha. Cà rốt Hải Dương được xem là không có cửa xuất khẩu Trung Quốc lúc chính vụ do đang phải cạnh tranh với chính cà rốt của Trung Quốc tại các thị trường.  

Với tổng sản lượng khoảng trên 43 nghìn tấn, cà rốt vụ đông của Hải Dương tập trung chủ yếu ở các huyện như Nam Sách (khoảng 650 ha), Cẩm Giàng (khoảng 550 ha). Ngoài ra, nhiều nông dân sản xuất lớn ở Hải Dương những năm gần đây còn thuê đất để sản xuất cà rốt vụ đông tại nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Hồng như Hải Phòng, Hà Nội... 

Bài học rớt giá năm 2018

Cà rốt tỉnh Hải Dương chủ yếu được các công ty, doanh nghiệp và thương lái thu mua và tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung, miền Nam và các thành phố lớn. Một phần được các nhà máy thu mua sơ chế, chế biến, bảo quản để xuất khẩu.

Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, tính tới vụ đông năm 2018, tỉnh có 16 và khoảng 50 tư thương thu gom cà rốt tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, Nam Sách để sơ chế, đóng gói tiêu thụ nội địa, xuất khẩu ở dạng tươi và một phần sấy khô cung cấp cho công nghiệp chế biến và cấp đông, bảo quản lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, các vùng Trung Đông.

Cà rốt vụ đông của Hải Dương hàng năm chịu sự cạnh tranh với chính cà rốt của Trung Quốc.

Các doanh nghiệp lớn tiêu thụ cà rốt như Cty TNHH MTV Hưng Việt (huyện Gia Lộc); Cty Cổ phần Chế biến nông sản - Thực phẩm Tân Hương, Cty Cổ phần Giống cây trồng và Nông sản xuất khẩu Kiên Giang, Cty Cổ phần xuất nhập khẩu Xuân Lộc, Cty TNHH Nông sản thực phẩm Ánh Dương (huyện Cẩm Giàng); DNTN Vũ Công (huyện Nam Sách)...

Ngược lại những năm mùa đông không quá lạnh, cà rốt Trung Quốc trúng mùa lớn, thương lái Trung Quốc sẽ dừng hẳn việc “ăn hàng” tại Hải Dương. Đây là bài học mà vụ đông năm 2018, vựa cà rốt Hải Dương đã một phen lao đao do không có thương lái Trung Quốc sang thu mua, khiến giá rớt mạnh.

Mặc dù vậy, cà rốt Hải Dương hàng năm chịu sự tác động không nhỏ từ thị trường Trung Quốc, bởi nếu so với Việt Nam thì Trung Quốc cũng chính là “thiên đường” sản xuất và xuất khẩu các loại rau củ ôn đới, trong đó có cà rốt.

Vào những năm mùa đông tại Trung Quốc quá khắc nghiệt, băng giá, việc sản xuất cà rốt của nước này không thuận lợi, nguồn hàng khan hiếm, đó là những năm mà lượng thương lái Trung Quốc sang Hải Dương tìm mua tăng mạnh.

Tại các hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ cà rốt Hải Dương ở vụ đông năm 2018, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu cà rốt đã kiến giải những định hướng nhằm tránh đi vào “vết xe đổ”.

Theo ông Nguyễn Đức Mệnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (Tân Hương foods), một công ty có thâm niên thu mua và xuất khẩu cà rốt tại Hải Dương: Lượng cà rốt xuất khẩu và tiêu thụ nội địa của công ty này hàng năm thường cân bằng ở mức 50/50. Thị trường xuất khẩu ổn định của doanh nghiệp này là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu, năng suất, mẫu mã, độ đồng đều của cà rốt Hải Dương còn kém xa so với cà rốt của Trung Quốc.

Theo ông Mệnh, không chỉ Tân Hương foods, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cà rốt tại Hải Dương hàng năm vẫn phải cạnh tranh nảy lửa với thị trường cà rốt Trung Quốc. Bởi thị trường xuất khẩu các mặt hàng rau củ vụ đông nói chung (cải bắp, súp lơ, cải thảo, su hào, cà rốt...) của Trung Quốc hiện nay cũng tương đối giống Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các nước Đông Bắc Á, Trung Đông và một số nước Đông Nam Á.

Bên cạnh đó so với cà rốt Việt Nam, cà rốt Trung Quốc được sản xuất quy mô lớn, đồng nhất nên củ to, năng suất cao, mẫu mã đẹp, độ đồng đều rất cao... Khâu đóng gói, mẫu mã, phát triển thị trường của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng rất mạnh.

Do đó vào năm Trung Quốc được mùa, không chỉ khiến thương lái Trung Quốc dừng việc thu mua cà rốt từ Việt Nam, mà cà rốt Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh rất quyết liệt của cà rốt Trung Quốc ở các thị trường xuất khẩu...

Chỉ có thể tranh thủ thời cơ

Giải pháp cho cây cà rốt của Hải Dương nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung trong vụ đông hiện nay đã được ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương cũng như các doanh nghiệp tính tới hiện nay, đó là tiếp tục đa dạng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, đồng thời “né” được cà rốt chính vụ của Trung Quốc.

Theo đó, hiện nay, mặc dù Trung Quốc có thể sản xuất được cà rốt quanh năm nhờ lợi thế khí hậu, tuy nhiên vẫn có những khoảng thời gian chuyển vụ. Ví dụ cà rốt vụ đông chính vụ của Trung Quốc thường chỉ kết thúc vào đầu tháng 2 hàng năm, trong khi đó, vụ cà rốt tại Hải Dương lại thường kéo dài hoạch đến tháng 4 hàng năm. Đây là khoảng thời gian mà cà rốt Hải Dương có thể tranh thủ để tiêu thụ.

Sản xuất lệch vụ, tranh thủ những năm cà rốt Trung Quốc mất mùa mới có thể xuất khẩu được cà rốt sang thị trường này.

Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Cty TNHH MVT Hưng Việt (huyện Gia Lộc), một doanh nghiệp có bề dày xuất khẩu rau củ vụ đông tại ĐBSH cũng thẳng thắn thừa nhận: Hàng năm, công ty này thu mua, xuất khẩu khoảng 10 nghìn tấn cà rốt, tuy nhiên thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là EU, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, chứ chưa thể xuất khẩu được sang Trung Quốc do đây là mặt hàng thế mạnh của họ.

Theo ông Trường, các loại rau ôn đới vụ đông nói chung, trong đó có cà rốt là các sản phẩm mà Trung Quốc có thế mạnh vượt trội, giá luôn cạnh tranh hơn ở các thị trường xuất khẩu nên Việt Nam rất khó có cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc.

Do vậy, chúng ta chỉ có thể tranh thủ cơ hội khi phía Trung Quốc mất mùa (ví dụ những năm mùa đông quá lạnh giá), hoặc buộc phải đẩy mạnh rải vụ, lệch vụ so với Trung Quốc. Điều này đòi hỏi công tác dự báo, nắm bắt diễn biến mùa vụ từ thị trường Trung Quốc cũng phải được theo dõi chặt chẽ, thường xuyên...

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương, nhằm hạn chế tình trạng ùn ứ trong tiêu thụ cà rốt, vụ Đông năm 2019, Hải Dương đã sớm lên kế hoạch sản xuất, theo đó giữ diện tích cà rốt ổn định ở mức khoảng 1.200 ha.

Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân làm đất trồng ngay sau khi hết mưa đầu tháng 9/2019. Bố trí cân đối giữa các trà, tăng diện tích trà sớm và trà muộn để rải vụ, không trồng dồn dập cùng đợt để tránh rớt giá. Đồng thời đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất với các công ty, đặc biệt công ty xuất khẩu, tìm đầu ra sản phẩm. Bên cạnh đó, lựa chọn giống chất lượng củ tốt, năng suất cao, phù hợp với thị trường, nhất là xuất khẩu như Ti-103, Super VL 444, Sakata… của Nhật Bản.

Những năm gần đây, một số doanh nghiệp tại Hải Dương cũng đã đầu tư hệ thống kho lạnh kho lạnh quy mô lớn để thu mua, bảo quản cà rốt lúc chính vụ, sau đó tung ra thị trường khi Trung Quốc khan hàng. Đồng thời, đồng thời đầu tư dây chuyền chế biến cà rốt thành các sản phẩm khô, mứt, các sản phẩm nước cà rốt chế biến...

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.