| Hotline: 0983.970.780

Cá tầm bén duyên huyện nghèo miền núi

Thứ Tư 10/01/2024 , 10:55 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Cá tầm phù hợp với điều kiện nuôi ở huyện Sơn Tây, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi thành công với mô hình này.

Điều kiện nuôi ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) phù hợp với loài cá tầm. Ảnh: L.K.

Điều kiện nuôi ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) phù hợp với loài cá tầm. Ảnh: L.K.

Sơn Tây (Quảng Ngãi) là một trong những huyện miền núi nghèo nhất nước với 82% dân số là người đồng bào dân tộc Ca Dong. Nhằm tạo sinh kế, giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo bền vững, năm 2014, UBND huyện này đã giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện mô hình thử nghiệm nuôi cá tầm tại xã Sơn Bua.

Theo đó, từ năm 2014 - 2017, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tây đã triển khai thực hiện 2 vụ nuôi cá tầm trên diện tích 500m2. Mặc dù đây là loài cá không có khả năng thích ứng rộng, cần những điều kiện đặc thù về môi trường, nhiệt độ nhưng kết quả thử nghiệm cho thấy cá tầm thích ứng rất tốt với khí hậu, nguồn nước ở huyện Sơn Tây. Cá phát triển tốt, đạt trọng lượng thương phẩm theo đúng chu kỳ nuôi và giá trị kinh tế cao.

Từ thành công thử nghiệm, năm 2018, UBND huyện Sơn Tây đã tiến hành bàn giao lại mô hình cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ huyện Sơn Tây để tiếp tục mở rộng, phát triển. Sau khi tiếp quản, HTX đã tiến hành cải tạo, nâng cấp ao nuôi thành ao xi măng, nâng diện tích ao nuôi lên 1.800m2. Tính đến nay, đơn vị này đã nuôi được 3 vụ, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Cá tầm là loài cá có giá trị thương phẩm cao, sống trong môi trường nước sạch với nhiệt độ phù hợp từ 18 - 24 độ C. Ảnh: L.K.

Cá tầm là loài cá có giá trị thương phẩm cao, sống trong môi trường nước sạch với nhiệt độ phù hợp từ 18 - 24 độ C. Ảnh: L.K.

Trong đó, vụ nuôi thứ nhất HTX thả nuôi 2.000 con cá tầm. Từ lúc thả nuôi đến thu hoạch tỷ lệ hao hụt khoảng 25%. Sau 16 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình từ 2,5 – 3kg/con, tổng khối lượng thu về 3,75 tấn, doanh thu mang lại 750 triệu đồng. Trừ hết các khoản chi phí, HTX lãi 230 triệu đồng.

Với 3.500 con thả nuôi trong vụ thứ 2, HTX thu hoạch được khoảng 6,3 tấn và bán với giá 250.000 đồng/kg, doanh thu đạt gần 1,58 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 600 triệu đồng. Cuối tháng 10 vừa qua, HTX xuất bán đợt 1 của vụ nuôi thứ 3 với hơn 1,3 tấn cá thương phẩm.

Ông Đinh Sang Sử, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ huyện Sơn Tây cho biết, thời gian đầu khi mới tiếp quản mô hình, các thành viên trong HTX gặp rất nhiều khó khăn. Đây là lần đầu tiên bà con nuôi loài cá này nên tất cả đều không có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là kỹ thuật phòng và điều trị 2 bệnh thường xuất hiện trên loài cá này là bệnh ghẻ và bệnh đường ruột - nguyên nhân dẫn đến sự hao hụt lớn.

Từ thực tế này, HTX đã nhờ chuyên gia tư vấn để xử lý bệnh cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm từ các mô hình nuôi cá tầm ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Nhờ vậy, những khó khăn dần được khắc phục. Đến vụ nuôi thứ 3, tỷ lệ hao hụt trên đàn cá nuôi giảm chỉ còn 15%, thấp nhất từ trước đến nay.

Những vụ nuôi vừa qua, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ huyện Sơn Tây đã xuất bán hơn 10 tấn cá tầm thương phẩm, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng. Ảnh: L.K.

Những vụ nuôi vừa qua, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ huyện Sơn Tây đã xuất bán hơn 10 tấn cá tầm thương phẩm, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng. Ảnh: L.K.

“Tại địa phương, chúng tôi có lợi thế nguồn nước nuôi lấy từ các con suối xung quanh rất sạch, nhiệt độ ở đây cũng dao động từ 18 – 20 độ C tạo điều kiện rất tốt cho cá tầm sinh trưởng, phát triển. Về vấn đề tiêu thụ, điều đáng mừng là hiện nay chúng tôi đã kết nối được với 2 đơn vị thu mua ở Quảng Ngãi và Hà Nội. Ngoài ra, một số nhà hàng ở TP Quảng Ngãi cũng đã liên hệ đặt vấn đề nhập cá tầm của HTX nên không lo lắng đầu ra”, ông Sử nói.

Cũng theo ông Sử, với giá bán thương phẩm cao, có thời điểm lên đến 300.000 đồng/kg, mô hình nuôi cá tầm đang mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho HTX cũng như các thành viên. Chính vì vậy thời gian tới, đơn vị này đang có kế hoạch cải tạo, nâng cấp lại ao nuôi hiện tại và mở rộng thêm diện tích. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi cũng sẽ hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, mã vạch, logo để tiến tới phát triển thành mô hình nuôi VietHGAP, trở thành sản phẩm OCOP trong tương lai.

Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch huyện Sơn Tây cho biết, dự án nuôi cá tầm của huyện là một trong những dự án mới được Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện tổ chức triển khai và đã có những thành công bước đầu. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đồng hành cùng HTX để phát triển mô hình kinh tế này. Tuy nhiên, muốn mở rộng, phát triển, cần có những chính sách đặc thù riêng.

“Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật nuôi, nguồn vốn đầu tư lớn, nhất là nguồn thức ăn và con giống. Do đó, việc nhân rộng mô hình là điều trăn trở của lãnh đạo huyện. Bên cạnh đó, nhận thức của bà con nơi đây vẫn còn rất hạn chế cũng như việc tìm vị trí nguồn nước nuôi phù hợp cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, huyện sẽ cố gắng duy trì mô hình này nhưng phải cần thời gian rất dài”, ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch huyện Sơn Tây Giang nói.

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.