Với môi trường tự nhiên được bảo vệ, nguồn nước được đảm bảo cho đàn cá sinh trưởng, những năm qua, nghề nuôi cá nước lạnh ở huyện Bát Xát (Lào Cai) phát triển mạnh, mang lại thu nhập lớn cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện ngày một khởi sắc.
Ông Châu A Sình, ở xã Pa Cheo (huyện Bát Xát) sử dụng bạt để làm bể nuôi cá nước lạnh. Đây là cách người dân vùng cao đầu tư nuôi cá nước lạnh khi đồng vốn eo hẹp.
"Tôi nuôi con cá tầm là chính, cá hồi giá hơn một tí nhưng do chưa có kinh nghiệm nên không dám nuôi nhiều. Tôi học nuôi cá chỗ mấy anh em ở Sa Pa có mấy ngày, vừa học vừa làm thôi. Con cá này đòi hỏi nguồn nước phải sạch, khi đó cá mới khỏe, không bị bệnh dịch", ông Châu A Sình nói.
Xã Pa Cheo được quy hoạch trong bản đồ nuôi cá nước lạnh ở Bát Xát do khu vực này có điều kiện khí hậu và độ cao phù hợp. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo bà con không nên phát triển ồ ạt để đảm bảo sản xuất hiệu quả.
"Trên địa bàn xã Pa Cheo nguồn nước còn hạn chế, nên các hộ muốn nhân rộng ra sẽ gặp khó khăn cũng như rủi ro nhất định khi thiếu nước", lãnh đạo UBND xã Pa Cheo chia sẻ.
Ông Lý Láo Tả, ở xã Nậm Pung (huyện Bát Xát) cho biết, nếu người nuôi chủ quan, tắc nước sẽ chết cá. Cá nước lạnh chỉ cần thiếu oxy 30 phút sẽ chết hết. Cá nước lạnh cần nguồn nước sạch, mát, khi đó con cá mới khỏe, có chất lượng.
Tương tự, ở Sàng Ma Sáo cũng có nhiều khu vực có khí hậu và nguồn nước phù hợp để nuôi cá tầm, cá hồi. Hiện nay, cả 2 loại cá nước lạnh này đều có giá ngang nhau.
Ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát) cho biết: "Mấy bể nuôi cá tầm của tôi, bể nào cũng được đầu tư kiên cố và bài bản.
Hàng ngày, mỗi bể đều được xả tràn nước và quét dọn đáy bể cho thức ăn thừa cũng như chất thải của cá được đưa ra khỏi bể.
Cách này mất công, mất sức nhưng hiệu quả giúp con cá khỏe mạnh, hạn chế được dịch bệnh. Khi môi trường, nhiệt độ bình thường mà cá bị nhiễm bệnh do khâu vệ sinh ao không đảm bảo".
Nguồn nước có yếu tố quyết định đến thành bại trong nghề nuôi cá nước lạnh, khi người dân đã bỏ hàng trăm triệu đồng để khởi nghiệp từ nghề này, thì việc giữ nguồn nước cho phát triển bền vững luôn phải được đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, tuỳ thuộc vào tình hình thời tiết mà bà con nên tăng giảm lượng nước,lượng thức ăn sao cho phù hợp. Trong những ngày mưa điều chỉnh lượng nước sao cho phù hợp, lượng thức ăn chỉ bằng một nửa so với bình thường.
Các bệnh xuất hiện trên cá nước lạnh chủ yếu xảy ra do bể nuôi, ao nuôi không đủ vệ sinh, nước bị ô nhiễm do đó việc chú ý làm sạch nước, dụng cụ nuôi phải được tiến hành thường xuyên, định kỳ…
Theo ông Lý Khánh Lâm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bát Xát (Lào Cai), Bát Xát đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thể tích nuôi cá nước lạnh của huyện sẽ đạt 5.800m3, sản lượng khoảng 350 tấn cá tầm, cá hồi thương phẩm/năm.
Để thực hiện mục tiêu này, huyện sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có điều kiện đầu tư mở rộng bồn, bể nuôi cá nước lạnh ở các xã vùng cao, có nguồn nước dồi dào như Dền Sáng, Y Tý, Phìn Ngan...
Đặc biệt, cùng với cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Bát Xát cũng sẽ có cơ chế hỗ trợ các cơ sở nuôi cá nước lạnh xây dựng "cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh", đạt chứng nhận VietGAP.
Khuyến khích các hộ nuôi cá nước lạnh có phương án sử dụng nguồn nước hợp lý, tránh gây ô nhiễm môi trường và tác động đến nguồn nước tự nhiên.
Hiện trên địa bàn huyện Bát Xát có gần 70 cơ sở nuôi cá nước lạnh với tổng thể tích bồn bể 2.100 m3, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn cá hồi, cá tầm thương phẩm. Định hướng phát triển nghề nuôi cá nước lạnh, huyện cũng đã tạo điều kiện khuyến khích cũng như hướng dẫn kỹ thuật để bà con khởi nghiệp thành công.