| Hotline: 0983.970.780

Các biện pháp quản lý cỏ dại trên lúa đông xuân

Thứ Ba 27/11/2007 , 13:03 (GMT+7)

Ở ĐBSCL vụ lúa đông xuân quan trọng nhất trong năm. Đây là vụ lúa cho năng suất và sản lượng cao nhất. Tuy nhiên, trong số các yếu tố tác động mang tính chất di truyền của giống; điều kiện thời tiết môi trường, sâu bệnh...thì nếu có biện pháp khống chế tốt cỏ dại sẽ góp phần làm tăng năng suất lúa một cách trọn vẹn.

Chăm sóc lúa ĐX- HĐỞ ĐBSCL vụ lúa đông xuân quan trọng nhất trong năm. Đây là vụ lúa cho năng suất và sản lượng cao nhất. Tuy nhiên, trong số các yếu tố tác động mang tính chất di truyền của giống; điều kiện thời tiết môi trường, sâu bệnh...thì nếu có biện pháp khống chế tốt cỏ dại sẽ góp phần làm tăng năng suất lúa một cách trọn vẹn.

Cỏ dại cạnh tranh với lúa về nước, ánh sáng và chất dinh dưỡng làm giảm năng suất lúa trồng. Trong trường hợp mật số cỏ dại quá dày, chúng còn cạnh tranh với lúa về lượng CO2 trong không khí, làm giảm khả năng quang hợp tạo chất khô của lúa. Ngoài ra cỏ dại còn là nơi trú ẩn, sinh sản của chuột. Đặc biệt một số loài cỏ dại là ký chủ phụ của rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá như cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng.

+ Đối tượng cỏ dại cần kiểm soát

Quần thể cỏ dại trên ruộng lúa rất đa đạng.. Các loài cỏ quan trọng trên ruộng lúa nước tại vùng ĐBSCL bao gồm: Cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, lúa cỏ; cỏ chác, cỏ cháo, lác rận thuộc nhóm cỏ lác; rau mương, rau mác bao, cỏ xà bông (thuộc nhóm cỏ lá rộng). Gần đây lúa cỏ trở nên phổ biến và gây hại ngày càng nghiêm trọng. Tại ĐBSCL nông dân gọi chúng là lúa vàng cơi, lúa cỏ, lúa lẫn, lúa lộn, lúa ma...

 Sự xâm nhiễm lúa cỏ ngày càng gia tăng trên ruộng lúa là do sự tích lũy hạt lúa cỏ rụng từ nhiều vụ trước, hạt giống lẫn tạp lúa cỏ, vịt đàn chạy đồng, các máy móc nông cụ như làm đất, suốt lúa…di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác mang theo hạt lúa cỏ. Lúa cỏ có đặc điểm cao cây hơn lúa trồng, chín sớm hơn, lá hẹp và có màu xanh nhạt, vỏ trấu thường có râu dài hoặc ngắn, màu biến động từ vàng rơm, vàng sậm, nâu đến đen. Hạt thóc rất dễ rụng và hạt gạo lức thường có màu đỏ.

Quản lý cỏ dại kể cả lúa cỏ đòi hỏi sự kiên trì nhiều năm, bằng nhiều biện pháp tổng hợp mới có thể  khống chế được loài dịch hại nguy hiểm này.

+ Phòng ngừa

Các biện pháp phòng ngừa cỏ dại bao gồm sử dụng hạt giống ít lẫn hạt cỏ dại và lúa cỏ.  Nên mua hạt giống cấp xác nhận hàng vụ để sản xuất nhằm hạn chế cỏ dại, tạo cây lúa khỏe nhằm chống chịu tốt với sâu bệnh và các bất lợi khác của môi trường. Nên dùng dung dịch nước muối để loại bỏ hạt cỏ dại và hạt giống lúa lép lửng: Cân 15 kg muối ăn và pha với 100 lít nước để có dung dịch nước muối 15%. Cho hạt giống vào dung dịch này để các hạt cỏ dại (nhẹ hơn hạt lúa chắc) nổi lên mặt nước muối và được vớt ra. Biện pháp này cũng rất tốt để loại bỏ các hạt lúa lép lửng. Thông thường những hạt này chứa rất nhiều bào tử gây bệnh lúa von, do đó loại bỏ hạt lép lửng sẽ hạn chế bệnh lúa von rất tốt. Rửa kỹ lại cho sạch hết nước muối trước khi ngâm ủ bình thường.

+ Các biện pháp kiểm soát cỏ dại

 - Vệ sinh đồng ruộng

Năm nay lũ nhỏ, mực nước trong ruộng không sâu nên sau thu hoạch lúa hè thu vào tháng 8-9, lúa chét và cỏ dại mọc rất nhiều. Cần dùng máy kéo lớn có gắn bánh lồng để trục nhận toàn bộ lúa chét, cỏ dại và dư thừa thực vật xuống sâu, ngâm nước ít nhất 3 tuần trước khi gieo sạ vụ đông xuân. Biện pháp tương tự cũng được thực hiện sau khi thu hoạch lúa thu đông hay còn gọi là lúa vụ ba. Nông dân nên khai thác ưu điểm của tình trạng đất mềm nhão sau thời gian ngập nước lâu để làm đất thật kỹ, xới xáo, bừa, trục, đánh bùn, san phẳng mặt ruộng thật chu đáo. Kéo rò rãnh thoát nước cách nhau khỏang 4-5 m và sâu khoảng một tấc. Các rãnh này có thể được hình thành tự động bằng cách gắn các con cuối bằng rơm (hoặc đoạn gỗ bạch đàn) bên dưới cái trạc khi san phẳng mặt ruộng lần cuối. Các rãnh này quan trọng để thoát nước ra khỏi ruộng nhanh, giúp lúa mau đóng chông, tích tụ ốc bươu vàng để diệt tập trung, đưa nước vào ruộng để ém cỏ dại, thuận lợi trong tưới tiêu luân phiên giữa ướt và khô cho lúa.

- Sạ lúa theo hàng

ảnh minh họaSạ thưa khoảng 100 kg/ha giúp cây lúa phát triển tốt, ít bị bệnh đạo ôn tấn công. Tuy nhiên sạ thưa không giúp phân biệt được lúa cỏ và lúa trồng khi cây lúa còn ở giai đoạn đẻ nhánh. Công cụ sạ hàng ngày càng phổ biến ở ĐBSCL. Hiện nay toàn vùng có 61.387 chiếc. Mỗi nông dân có thể mua một chiếc cho chính mình (khoảng 400.000 đống/chiếc) và đi sạ thuê cho ruộng láng giềng sau khi sạ xong ruộng nhà. Lúa cỏ và cỏ dại thông thường còn sót sau khi phun thuốc diệt cỏ được phân biệt dễ dàng và rất sớm để nhổ bỏ bằng tay trước khi lúa giáp tán. Các thực vật không mong muốn này mọc ngẫu nhiên giữa hai hàng lúa trồng nên rất dễ nhận diện. Sạ hàng còn giúp cây lúa ít nhiễm sâu bệnh, hệ thống rễ phát triển tốt giúp hạn chế đổ ngã, chuột tấn công ít hơn, năng suất gia tăng khoảng 500 kg/ha so với sạ dày, sạ lan. Trong điều kiện cỏ dại được kiểm soát hiệu quả bằng hóa chất, sạ 50 -75 kg/ha cho năng suất không thua kém sạ dày ở mức từ 100 đến 200 kg /ha .

- Quản lý nước

Khác với vụ hè thu thường thiếu nước đầu vụ, vụ đông xuân nguồn nước dưới sông rạch rất dồi dào và có một số vùng không cần bơm mà khai dẫn nước được vào ruộng bằng trọng lực. Tuy nhiên việc dẫn và thoát thủy từ khi làm đất lần cuối đến khoảng 20 ngày sau khi sạ phải được tính toán cân nhắc kỹ trong mối tương quan về kiểm soát đồng thời nhiều đối tượng dịch hại như cỏ dại, rầy nâu, ốc bươu vàng, bệnh lúa von.

Trong vụ đông xuân, biện pháp sạ ướt là phổ biến. Nước cần được rút cạn ruộng sau khi làm đất lần cuối để tạo điều kiện thuận lợi cho hạt lúa đã nảy mầm đóng chông và phát triển sau khi sạ. Nên sử dụng các loại thuốc tiền mọc mầm (1- 3 ngày sau sạ) hoặc hậu mọc mầm sớm (4-8 ngày sau sạ) để phù hợp với biện pháp đưa nước vào ruộng vừa ém cỏ và hạn chế rầy nâu lẻ tẻ tấn công sau khi sạ thành công đồng loạt né rầy. Đưa nước vào ruộng ngập sớm hạn chế tác hại của bệnh lúa non vì những cây lúa non nhiễm bệnh, mọc yếu sẽ bị chết chìm. Đưa nước vào ruộng sớm lúc 4 NSS thì ít cỏ dại hơn nhưng năng suất lúa lại cao hơn so với đưa nước vào ruộng muộn lúc 12 NSS.

Tuy nhiên lưu ý đưa nước vào sớm khích lệ các con ốc bươu vàng bị chôn vùi sâu khi làm đất sẽ trồi lên cắn phá lúa. Dùng lưới nylon có lỗ nhỏ (khoảng 1mm ) để vợt trứng ốc bươu vàng và các bào tử nang của bệnh đốm vằn trôi theo dòng chảy của nước vào ruộng. Nên dùng lưới rộng khoảng 10-20 m2 và chắn nằm nghiêng (như rèo rộng cá) chứ không bịt kín bộng dẫn nước sẽ cản trở dòng chảy.

Vào thời điểm 30 NSS, nên tháo nước cạn toàn bộ ruộng trong khoảng 10 ngày. Thời điểm đưa nước vào ruộng trở lại được xác định bằng cách quan sát ống nhựa hoặc ống tre chôn sâu 40 cm trong ruộng (ống nhựa, tre có đục lỗ bên hông). Nhìn vào ống, nếu mực nước trong ống nằm dưới sâu cách mặt ruộng 15 cm thì bơm nước trở lại. Quan sát trên mặt đất ruộng lúc đó có những lằn nứt chân chim. Rút cạn vào thời điểm này sẽ không sợ cỏ dại mọc lên đợt hai vì cây lúa đã giáp tán, che phủ không còn ánh sáng để kích thích hạt cỏ nảy mầm. Rút nước cạn lúc này có nhiều ưu điểm khác như hóa giải các chất độc hữu cơ tích tụ trong đất bằng con đường trôi theo nước hoặc oxy hóa khi đất thoáng khí. Rễ lúa mới được mọc thêm giúp cây lúa hấp thụ tốt chất đạm và kali được bón lúc đón đòng khoảng 45 NSS, ít lá ủ dưới gốc, giảm bệnh, cây lúa cứng cáp ít đổ ngã.

- Nhổ cỏ tay bổ sung và khử lẫn

Sử dụng hóa chất không diệt được 100% số cây cỏ trên ruộng. Nhổ bỏ bằng tay tất cả các cây cỏ dại còn sót trên ruộng và các cây lúa cỏ. Kết quả nghiên cứu tại Viện Lúa ĐBSCL cho thấy khử lẫn hai lần trước trổ và hai lần sau trổ là tối ưu và cho kết quả tương đương với khử lẫn 8 lần suốt vụ. Sau khi lúa trổ nên dùng dao chích bứng cả hệ thống rễ để diệt. Nếu dùng lưỡi liềm để cắt trên thân thì lúa cỏ và cỏ dại có thể nảy chồi tiếp và tạo hạt gây lẫn tạp cho lúa hàng hóa hoặc lúa giống lúc thu hoạch. Một vài cây cỏ còn sót không làm giảm năng suất nhưng nếu sạch cỏ hoàn tòan thì ruộng lúa thu hoạch sẽ trông rất đẹp mắt .

- Luân canh

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, ở những nơi có nguồn nước ngọt quanh năm, nên trồng luân canh cây trồng cạn (bắp, đậu, rau các loại) vụ xuân hè trước khi trồng lúa hè thu. Cỏ dại trong hệ thống hai lúa một màu sẽ ít hơn và dễ quản lý hơn trong ruộng trồng ba vụ lúa quanh năm. Hệ thống lúa-tôm/cá cũng ít cỏ dại hơn hệ thống lúa- lúa. Luân canh cũng giúp gia tăng độ phì của đất so với độc canh. (Còn nữa)

Kỳ sau: Lựa chọn hóa chất phòng trừ cỏ dại

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.