| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng: Tuyệt đối không chủ quan trước bão số 3

Thứ Sáu 06/09/2024 , 15:32 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Hải Phòng phải duy trì chế độ, nắm, cập nhật thông tin hướng đi của bão thường xuyên. Công tác phòng, chống bão phải làm hết sức mình, tuyệt đối không được chủ quan.

Bộ đội thành phố Hải Phòng hỗ trợ nhân dân chuẩn bị ứng phó bão số 3. Ảnh: Đinh Mười.

Bộ đội thành phố Hải Phòng hỗ trợ nhân dân chuẩn bị ứng phó bão số 3. Ảnh: Đinh Mười.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Lúc 13h ngày 6/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,8 độ vĩ bắc; 111,2 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc); cách Quảng Ninh khoảng 450km về phía đông đông nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 3 mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng tây tây bắc, tốc độ 15-20km/h.

Từ đêm 6/9 và gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối 7/9).

Tất cảTổng thuật

Hải Phòng

Toàn thành phố đã sơ tán được gần 3.100 hộ

z5804705124622_5ff9f6c671e52d5906d90fe8e2efddde

Người dân Hải Phòng khẩn trương sơ tán về nơi trú ẩn an toàn trước khi siêu bão Yagi đổ bộ. Ảnh: Đinh Mười.

Đến 16h ngày 6/9, toàn thành phố Hải Phòng đã sơ tán được 3.070 hộ với 9.259 người tập trung, 549 hộ với 1.839 người tại chỗ.

Nhiều nhất là quận Ngô Quyền với 1.275 hộ, 3.683 người tại các chung cư cũ, yếu về trụ sở UBND các phường, nhà văn hoá và các trường học trên địa bàn. Quận Đồ Sơn sơ tán 388 hộ với 1.360 người ở những vùng trũng, thấp gần biển sang nhà kiên cố. Các quận Lê Chân, Hồng Bàng cũng đang tập trung di dời hơn 800 hộ dân đến các nơi tránh trú an toàn trước khi bão đổ bộ.

Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hải Phòng cũng cho biết, đến 14h ngày 6/9, 158 trường học trên địa bàn thành phố được trưng dụng làm nơi tránh, trú cho nhân dân trong bão số 3.

Tại các huyện, Tiên Lãng là địa phương có số hộ dân phải di tản nhiều nhất với 459 hộ, chủ yếu sinh sống ngoài đê và lao động trên chòi canh ngao về nhà kiên cố trong làng.

Số lượng các hộ dân đã sơ tán khá lớn nhưng chưa hết, do vậy, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - yêu cầu các đơn vị lên phương án di dân khỏi những khu vực nguy hiểm, đặc biệt là tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố, bắt đầu từ 12h ngày 6/9 đến trước 20h ngày 6/9.

Hải Phòng

Không còn tàu thuyền hoạt động trên vùng biển quanh đảo Bạch Long Vỹ

z5804649995312_04d3c88609eae946dbeb6bf20d1187ca

Hầu hết các tàu, thuyền tại Hải Phòng đã vào nơi tránh, trú an toàn. Ảnh: Đinh Mười.

Chiều tối 6/9, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Hải Phòng cho biết, tại các vùng biển Hải Phòng, hầu hết các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn.

Riêng tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, địa phương đầu tiên sẽ chịu ảnh hưởng nếu bão đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ, các phương tiện tàu thuyền được đưa lên bờ, kéo lên bãi cát, không phát hiện có hoạt động trên vùng biển quanh đảo.

Cát Bà (Hải Phòng)

Đưa hàng trăm lao động trên các lồng bè lên bờ tránh bão

z5804333852038_ac8136e11701e1bc1706bf015d5f55c9

Lực lượng chức năng tổ chức đưa người dân lên bờ tránh bão. Ảnh: Đinh Mười.

Chiều 6/9, thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Hải Phòng cho biết, bão số 3 đã giật trên cấp 17, chỉ cách Quảng Ninh khoảng 230km về phía Đông Đông Nam.

Trên địa bàn huyện Cát Hải có 123 lồng bè/260 lao động, trong đó 113 lồng bè nuôi trồng thủy sản, 10 lồng bè dịch vụ. Chiều 6/9, các hộ dân trên các bè nuôi trồng thủy sản và các hộ dân tại các vị trí xung yếu đã sơ tán về nhà người thân tránh trú an toàn, tổng cộng 282 người.

Tại Cát Bà vẫn còn 181 khách du lịch đang lưu trú, trong đó có 104 người nước ngoài, còn tại Đồ Sơn chỉ còn 106 khách du lịch lưu trú. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức thông tin cho các doanh nghiệp, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn và du khách lưu trú trên địa bàn về diễn biến của bão số 3.

UBND huyện Cát Hải cũng đã đề nghị các cơ sở kinh doanh hỗ trợ, giảm giá tối đa các dịch vụ cho khách, khuyến khích giảm giá 50% dịch vụ phòng nghỉ tại các cơ sở lưu trú trong trường hợp khách du lịch bị mắc kẹt bất khả kháng không kịp về đất liền do ảnh hưởng của bão số 3.

Hải Phòng

z5804271743306_dcf2ae89541cb9dbf7a80c901ed5004f

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn kiểm tra công tác phòng, chống siêu bão Yagi tại Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Cuối giờ chiều 6/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống siêu bão Yagi tại Hải Phòng.

Sau khi kiểm tra đê biển Cát Hải, cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng, và nghe báo cáo nhanh về công tác phòng, chống bão số 3 của thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng ghi nhận việc thành phố thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống siêu bão.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Hải Phòng phải duy trì chế độ, nắm, cập nhật thông tin hướng đi của bão thường xuyên. Công tác phòng, chống bão phải làm hết sức mình, tuyệt đối không được chủ quan. Địa phương phải thể hiện tinh thần quyết liệt, giảm thiệt hại về người, tài sản mà siêu bão có thể gây ra.

Thanh Hóa

2 thanh niên thương vong do cây đổ gãy

z5804262530644_72a21e764c814cff888234b46b9faa97

Cây đổ gãy chắn ngang đường tại Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Mai Văn Phương, Chủ tịch UBND phường Quảng Cát, thành phố Thanh Hóa, cho biết: Vào hồi 23h50p ngày 5/9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tại tổ dân phố 4, xuất hiện cành cành cây vị đổ ngã ven đường, đường kính khoảng 20cm gãy đổ, chắn toàn bộ lối đi.

Thời điểm này, anh Nguyễn Công Chung sinh năm 2004, tại tổ dân phố 4, phường Quảng Cát lưu thông qua đoạn đường, nhưng do trời tối và không làm chủ được tốc độ nên đâm vào chướng ngại vật trên. Do vết thương nặng nên nạn nhân đã tử vong không lâu sau đó.

Cùng thời điểm, tại khu vực ngã tư Voi thuộc địa phận phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, 1 nam thanh niên đi xe máy cũng bị thương do cây đổ vào người đường. Thanh niên này sau đó được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Hiện tình trạng sức khỏe đã ổn định.

Dự báo, khoảng 12.000-17.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp có nguy cơ ngập úng

Báo cáo lúc 17h, Cục Thủy lợi cho biết, dung tích bình quân của các hồ khu vực Bắc bộ đạt từ 80-95% dung tích thiết kế. Trong đó, những hồ nằm trên khu vực từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đều xung quanh ngưỡng 90%. Cả khu vực phía Bắc có 129 hồ hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, Quảng Ninh có 3 hồ.

Cục Thủy lợi dự báo, khoảng 12.000-17.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp có nguy cơ ngập úng, tập trung nhiều ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Do giai đoạn bão số 3 đi vào đất liền là thời kỳ triều kém ở vùng ven biển, kết hợp với xả lũ các hồ thủy điện, nên khả năng tiêu thoát nước của công trình thủy lợi sẽ gặp khó khăn.

Sơn La

Gần 300 hộ nằm trong vùng có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở

a1

Do ảnh hưởng từ những trận mưa lớn của hoàn lưu bão số 2 hồi tháng 7/2024, nhiều hộ dân ở bản Panh, xã Chiềng Xôm bị đất đá sạt lở vào nhà. Ảnh: Quang Dũng.

Theo số liệu thống kê, rà soát, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La có gần 300 hộ nằm trong vùng có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở đất đá do cơn bão số 3.

Hiện UBND xã đang khẩn trương triển khai các phương án ứng phó, di chuyển các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao đến ở ghép, ở nhờ nhà người thân, anh em trong bản; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, bạt đồi, khoan đá, xây kè ta luy dương nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Ông Lèo Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm cho biết, địa phương đang nỗ lực dọn rác, khơi thông dòng chảy tại các mương, suối, hang các tơ, đảm bảo tiêu thoát nước khi có thiên tai xảy ra. Theo dự báo, từ ngày 7-9/9 tới đây, tỉnh Sơn La có mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 100-250mm mỗi đợt, có nơi trên 300mm. Cùng với xã Chiềng Xôm, hiện các địa phương của tỉnh Sơn La đang nỗ lực triển khai các phương án phù hợp với tình hình thực tế, nhằm giảm nhẹ rủi ro do thiên tai.

Theo ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La, địa phương hiện có hơn 30 điểm dân cư nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai. Trước dự báo bão số 3 có thể gây mưa lớn, tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố chủ động triển khai việc di dời người dân đến nơi an toàn.

Phó Thủ tướng: Tuyệt đối không chủ quan trước bão số 3

z5803988726457_26dbce56b36b8b1e09b43b24398b8031

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Quảng Ninh.

Tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra khu bến neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Thị trấn Cái Rồng (sức chứa 1.000 phương tiện). Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết, càng kỹ, càng cụ thể, nhiều phương án chủ động ứng phó sẽ càng giảm tối đa tổn thất, thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng, tài sản của nhân dân. Tuyệt đối không được có tư tưởng chủ quan.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 trên địa bàn, đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành và địa phương chịu trách nhiệm nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ gây thiệt hại về người và tài sản.

Các địa phương và lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn đã huy động 2.663 cán bộ chiến sĩ, 68 ô tô các loại, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư như: Vải bạt chống sóng, đá hộc, bao tải, rọ thép, dây thép, vải lọc… cho việc gia cố tại những vị trí xung yếu trên tuyến đê.

Ngoài huyện Vân Đồn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác còn kiểm tra công tác phòng, chống bão tại khai trường Công ty CP than Hà Tu; tuyến đê biển Hà Nam, cống tiêu thoát nước trên địa bàn thị xã Quảng Yên.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ninh khởi động mọi lực lượng, chỉ đạo tập trung, thông tin liên lạc thông suốt, chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ, dù trong tình huống nghiêm trọng nhất.

Hà Tĩnh

Xuất hiện lốc xoáy làm tốc mái nhà dân

z5803948517456_9c72d1ed73ef4d2ea9db3747be6b9e17

Cây trám cổ thụ bật gốc do lốc xoáy.

Do ảnh hưởng của bão số 3, sáng 6/9, trên địa bàn xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) xảy ra lốc xoáy khiến một cây trám cổ thụ bất ngờ bị bật gốc, đổ đè sập mái che của công trình chăn nuôi. Cây đổ cũng khiến một phần ngôi nhà của hộ dân, 10m hàng rào xung quanh sân, một xe máy và một số tài sản khác bị hư hỏng.

Cùng thời điểm, trận lốc xoáy cũng làm bay và hư hỏng một phần mái che của Trường Tiểu học xã Sơn Hàm; hư hỏng mái nhà, cây cối và hoa màu của một số hộ dân ở xã Sơn Lâm.

z5803948514318_1d2954b826a0f8afef836bf7548e11c8

Nhà dân bị tốc mái sau trận lốc xoáy.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, lốc xoáy không ảnh hưởng đến người nhưng ảnh hưởng bão số 3 còn nhiều nguy cơ xảy ra thêm giông lốc, bà con cần chú ý phòng tránh.

"Ngay sau khi lốc xoáy tan, chính quyền các xã cùng với người dân đã nhanh chóng đến giúp đỡ thu dọn hiện trường và khắc phục tạm thời một phần thiệt hại", ông Hưng nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khẩn trương di dời người dân sống trong khu vực nguy hiểm

z5803876547877_fe9f0f15e46829c5026b694d7247fd58

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão tại tỉnh Thái Bình chiều 6/9.

Chiều 6/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại tỉnh Thái Bình.

Theo báo cáo của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình, tính đến 15 giờ chiều nay, đã có 921 phương tiện trong tổng số 2.606 lao động neo đậu tại các bến trong tỉnh. Đến kiểm tra tại cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, các tàu thuyền đánh bắt của ngư dân đều đã được tập kết, neo đậu và gia cố an toàn sẵn sàng đón bão.

Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao sự chủ động ứng phó của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng cũng như ý thức của bà con ngư dân trước sự nguy hiểm của cơn bão số 3. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai phương án di dời người dân tại các nhà yếu và khu vực nguy hiểm đến nơi kiên cố trước khi bão vào để đảm bảo an toàn.

Trước đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy.

Hải Phòng

Huy động tổng lực gia cố công trình xung yếu

z5803793170482_c65d5e27aef361f266572dea4bb9036a

Các lực lượng khẩn trương gia cố công trình xung yếu bằng gỗ và bao cát. Ảnh: Đinh Mười.

Các công ty khai thác công trình thủy lợi ở Hải Phòng đang huy động tổng lực gia cố công trình xung yếu bằng gỗ và bao cát, phân công các nhóm để vận hành cống thủ công khi mất điện. Sẵn sàng tiêu thoát nước cho vùng ngập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của ngập úng khi có mưa lớn kéo dài.

Hà Nội

2 người đi đường bất tỉnh vì bị cây đè trúng

z5803774835435_134df7105c0d7665d194e0916879e618

Nhiều cây xanh bị ngã đổ gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Ảnh: Bảo Thắng.

Trước tình trạng xuất hiện mưa sớm vào giữa giờ chiều 6/9, nhiều doanh nghiệp đã cho nhân viên về sớm. Tình trạng tắc đường xảy ra ở nhiều tuyến phố.

Ngập lụt cục bộ đã xảy ra ở một vài điểm. Trong đó trên đường La Thành tắc cứng từ đoạn Ô Chợ Dừa đến đầu phố Xã Đàn. Trên đường Giải Phóng cũng tắc cứng từ ngã tư Đại Cồ Việt (Đại học Bách khoa) đến ngã tư Vọng.

z5803817882037_de976bbc481739ec6b3ece55dd21a913

Hiện trường cây đổ đè người đi đường tại khu vực Linh Đàm.

Do ảnh hưởng bão số 3 (siêu bão Yagi), 15h ngày 6/9, nhiều khu vực Hà Nội trời tối sầm, mưa dông, nhiều người dân phải dừng xe để tránh bão. Trên các tuyến phố như Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), gió quật gãy nhiều nhành cây lớn; xe cộ di chuyển khó khăn trên phố Phạm Văn Bạch, Trần Thái Tông (Cầu Giấy) do nhiều nhà cao tầng hút gió. Chị Đỗ Cẩm Linh, nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy, cảm nhận "sức gió khủng khiếp, mưa dường như sớm hơn so với dự báo".

Tại khu vực Linh Đàm, cơn dông kèm mưa lớn kéo dài 20 phút đã khiến nhiều cây xanh gãy đổ. Theo thông tin ban đầu, đã có 2 người đi đường bất tỉnh vì bị cây đổ trúng khi đang điều khiển xe máy.

Ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại đại đô thị ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), cửa kính sảnh tòa nhà GS2 đã bị vỡ do gió đẩy mạnh. Một số cửa kính logia căn hộ của người dân cũng bị vỡ do gió giật.

Gió mạnh khiến cửa kính sảnh tòa nhà GS2 bị vỡ. Ảnh: NDCC.

Gió mạnh khiến cửa kính sảnh tòa nhà GS2 bị vỡ. Ảnh: NDCC.

Thanh Hóa

Đưa thuyền, bè lên đường nhựa để tránh bão

z5803732849774_a3392d818a85f8b2d4e2c83df4d5e044

Thuyền, bè được tập kết trên đường Hồ Xuân Hương (TP. Sầm Sơn) để tránh bão. Ảnh: Quốc Toản.

Theo ghi nhận của phóng viên, đến cuối giờ chiều 6/9, hàng trăm chiếc thuyền ở TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã được tập kết an toàn trên đường Hồ Xuân Hương để tránh trú bão.

Tại cảng cá Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa), từ sáng tới trưa 6/9, ngư dân nơi đây đang thực hiện di chuyển 103 phương tiện tàu thuyền vào nơi an toàn sâu trong lạch sông, do cảng ở ngay gần cửa lạch có gió rất lớn khi bão vào.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo 4 Đài Thông tin báo bão thường xuyên thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm…

Đơn vị cũng chỉ đạo các đơn vị tuyến biển và Cơ quan Bộ Chỉ huy duy trì 100% quân số thường trực, sẵn sàng cơ động chi viện, xử lý tình huống tại chỗ khi có tình huống xảy ra; duy trì 2 tàu trực sẵn sàng cơ động; chỉ đạo 2 đơn vị tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo đúng quy định đảm bảo an toàn.

Ninh Bình

Toàn bộ phương tiện, thuyền viên được kêu gọi về nơi tránh trú an toàn

z5803695065541_c611e3e2ff524aa46a4e8736f3f36172

Đến 15h ngày 6/9, tỉnh Ninh Bình đã kêu gọi tất cả 119 phương tiện với 267 thuyền viên vào nơi tránh, trú an toàn. Ảnh minh họa: Trung Quân.

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, đến 15h ngày 6/9, đã kêu gọi tất cả 119 phương tiện với 267 thuyền viên vào nơi tránh, trú an toàn. Trong đó, 4 tàu với 40 thuyền viên đang neo đậu tại Hải Phòng; 4 tàu với 20 thuyền viên đang neo đậu tại Ninh Cơ - Nam Định; 56 phương tiện với 132 thuyền viên đang neo đậu tại bến Cửa Đáy, cống CT2, cống Điện Biên; 55 phương tiện (thuyền nghề) với 75 người đang neo đậu tại khu vực đê Bình Minh III, trạm Lạch Càn và các cửa cống đê Bình Minh IV.

Về các công tác di dân từ đê Bình Minh II đến Cồn Mờ, toàn bộ 218 lều chòi với 374 lao động từ đê Bình Minh III đến Cồn Mờ đã về bờ an toàn. Toàn bộ 1.401 hộ với 2.311 nhân khẩu đang nuôi trồng thuỷ sản từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III đã di dời về nơi tránh trú an toàn.

Học sinh nghỉ học ngày 7/9

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có Công văn số 1398/SGDĐT-VP về việc cho trẻ em, học sinh, học viên nghỉ học để phòng tránh cơn bão số 3 và mưa lũ.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thủ trưởng các đơn vị triển khai thực hiện ngay các nội dung như: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về việc tập trung ứng phó với cơn bão số 3; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và chuẩn bị các điều kiện, phương tiện, thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ". Thông báo cho trẻ em, học sinh, học viên nghỉ học, không đến trường ngày 7/9/2024 (thứ Bảy).

Tổ chức trực bão 24/24 giờ, giữ liên hệ thường xuyên với các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ của địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp có sự cố xảy ra; quán triệt cán bộ, giáo viên, người lao động, học sinh, học viên chủ động phòng tránh bão. Tổ chức dạy bù chương trình đảm bảo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Thanh Hóa

Gần 10.000ha lúa đang chín có nguy cơ ngập úng vì bão số 3

z5803641637192_fb255086c0ebb887e1bc3f6ca139ec10

Người dân xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa gặt lúa chạy bão. Ảnh: Quốc Toản.

Theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Thanh Hóa, tính đến ngày 6/9, diện tích lúa đã thu hoạch 24.300/112.400ha (đạt hơn 21%). Diện tích lúa đã chín từ 80% trở lên chưa thu hoạch khoảng 22.000 ha; Diện tích có nguy cơ ngập lụt hơn 9,8ha.

Để ứng phó với bão số 3, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đề nghị các địa phương trong tỉnh huy động tối đa nhân lực, máy móc thiết bị, tranh thủ thời tiết chưa có mưa, tập trung thu hoạch triệt để diện tích lúa đã chín từ 80% trở lên và các cây trồng khác đã đến thời điểm thu hoạch.

Phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để linh hoạt điều chuyển máy thu hoạch lúa từ các huyện, xã chưa có lúa chín hoặc diện tích lúa chín còn ít sang nơi có diện tích lúa chín nhiều.

Tránh để người dân mất điện trong thời gian bão đổ bộ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với EVN, NSMO và các đơn vị về công tác phòng chống bão số 3 Yagi sáng 6/9. Ảnh: Tạp chí Công thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với EVN, NSMO và các đơn vị về công tác phòng chống bão số 3 Yagi sáng 6/9. Ảnh: Tạp chí Công thương.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa chỉ đạo Tập đoàn EVN phối hợp với VNPT, Viettel khẩn trương xây dựng phương án dự phòng trong việc cung cấp và đảm bảo hệ thống điện trong trường hợp cần thiết cần có phương án dự phòng, tránh để tình trạng người dân, nhất là khu vực đô thị, bị mất điện trong thời gian xảy ra bão vào đất liền.

Hải Phòng

Kiểm tra chung cư cũ xuống cấp, công trình đang thi công

z5803585832742_273e695a10eae2d4a214c254b821d31d

Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng trực tiếp kiểm tra hiện trượng hệ thống đê biển trên địa bàn.

Ngày 6/9, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng - dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại quận Hải An và quận Ngô Quyền. Đây là những nơi thường bị ảnh hưởng nặng bậc nhất của Hải Phòng khi bão đổ bộ, do có nhiều chung cư đã xuống cấp và các tuyến ven biển, đê biển chưa hoàn chỉnh.

Cụ thể, quận Hải An đoàn công tác kiểm tra tình hình chuẩn bị ứng phó bão tại cảng Nam Đình Vũ, công trình tuyến đê biển, khu vực tàu thuyền neo đậu. Địa bàn quận Ngô Quyền, kiểm tra các Khu Chung cư cũ xuống cấp; cống Máy Điện, khu vực đang thi công cầu May Chai (khu vực tàu thuyền neo đậu ở Cảng).

Sau khi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các địa phương tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Thành phố, nhanh chóng hoàn thành công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3. Lãnh đạo các quận tập trung cao cho công tác chỉ đạo, bám sát địa bàn, kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm và nguồn nhân lực; đảm bảo an toàn cho người dân.

Đối với các khu nhà nguy hiểm, thực hiện di dời nhân dân đúng theo chỉ đạo đã ban hành và có phương án bảo vệ tài sản khi di dời; lưu ý kiểm tra đảm bảo an toàn một số công trình xây dựng, đảm bảo cấp nước, tăng cường các biện pháp phòng chống bão cắt cây, tỉa cành, khơi thông dòng chảy… để ứng phó hiệu quả với bão số 3, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất.

Giám sát vệ sinh chất lượng nước mùa mưa lũ

xu-ly-nuoc-sau-mua-bao-lu

Cục Quản lý Môi trường y tế đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trước mùa bão lũ (Ảnh minh họa).

Để ứng phó với tình hình mưa lũ trong năm 2024, nhằm đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải, góp phần phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân, Cục Quản lý Môi trường y tế đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trước mùa bão lũ.

Sở Y tế tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp chuẩn bị, sẵn sàng với ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ, chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước; thu gom, quản lý chất thải y tế, đảm bảo vệ sinh cá nhân... theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bố trí nhân lực, đảm bảo dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị xử lý nước, xử lý môi trường. Xây dựng các phương án chuẩn bị xử lý nước, vệ sinh môi trường; phương án bảo đảm an toàn các công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế và thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định hiện hành.

Khi có bão lũ xảy ra, Cục Quản lý Môi trường y tế đề nghị tổ chức các đoàn công tác của ngành y tế thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân.

Theo công văn, cần chủ động cấp hóa chất xử lý nước, môi trường; triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại các vùng bị ngập lụt.

Hà Nội

Di dời hộ dân sống ở nơi nguy hiểm

cay do

Hà Nội xuất hiện mưa, cây đổ dù bão số 3 chưa đổ bộ vào đất liền. Ảnh: Bá Thắng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài vừa ký ban hành Điện hỏa tốc của Thường trực Thành ủy về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn.

Văn bản nêu rõ, theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão số 3 (YAGI) trên biển Đông hiện đang di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh, diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng, có khả năng cao ảnh hưởng trực tiếp đến TP Hà Nội.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của TP khẩn trương tăng cường thông tin về diễn biến và tính chất nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3.

Tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, người dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là.

Điện của Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu đề cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của bão và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, nhất là tại các khu vực ven sông, bệnh viện, trường học, khu vực tập trung đông dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp.

“Chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân”, văn bản nêu.

Điện của Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương chủ động nắm sát tình hình bão để tập trung kịp thời thực hiện tốt các nhiệm vụ ứng phó.

“Theo dõi sát tình hình bão, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng khai thác và ngăn nguy cơ ngập lụt từ lũ rừng ngang; đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hoá, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân.

Chủ động kích hoạt các trạm bơm tiêu để đón trước các khu vực trọng điểm tiêu úng; triển khai các biện pháp bảo vệ hồ đập, đê điều, nhất là khu vực các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất…”, Thường trực Thành ủy yêu cầu.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất