| Hotline: 0983.970.780

Các doanh nghiệp thâu tóm đất rừng, đẩy dân đến bước đường cùng

Thứ Năm 07/09/2017 , 13:15 (GMT+7)

Trong khi người dân miền rừng đang thiếu đất sản xuất trầm trọng thì các doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để thâu tóm đất, đẩy người dân đến bước đường cùng.

Tổng công ty giấy như "đười ươi giữ ống"

Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 8 công ty lâm nghiệp là thành viên của Tổng công ty Giấy Việt Nam, bao gồm: Yên Lập, Đoan Hùng, Sông Thao, Tam Thắng, Tam Sơn, Xuân Đài, Thanh Hòa, Tam Thanh, trải dài khắp các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Tam Nông.

10-12-17_phutho1
Không có đất sản xuất, người dân Tây Cốc làm thuê cho Cty LN Đoan Hùng

Từ nhiều năm trước, những đơn vị thuộc Tổng công ty Giấy đã là bá chủ đất rừng ở khắp vùng trung du mặc cho nông dân miền rừng vật vã trong cơn thiếu đất sản xuất. Người dân bức xúc khi trong tay không có lấy một tấc đất sinh kế trong khi hàng ngày phải nhìn những dải đất rừng thuộc các nông lâm trường để hoang. Đến độ, không ít nơi dân vác rựa đòi chém cán bộ lâm trường. Có xã trên huyện Tân Sơn, đông đảo người dân kéo lên đòi phá trụ sở một công ty lâm nghiệp để đòi trả bớt đất cho họ.

Khoảng năm 2010-2011, thực hiện các đề án sắp xếp đổi mới, UBND tỉnh Phú Thọ có yêu cầu các công ty trả cho địa phương một ít đất sản xuất, nhưng nhiều năm liền, những đơn vị thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam chỉ trả phần lớn các diện tích đất tranh chấp, đất khó canh tác. Còn nhớ, khi Báo NNVN thực hiện chuyên đề về đất nông lâm trường, lãnh đạo nhiều địa phương ở miền trung du này liên tục tố Tổng công ty Giấy Việt Nam chơi xấu.

Năm 2015, trước diễn đàn Quốc hội, ông Dương Hoàng Hương, lúc ấy là Bí thư huyện Cẩm Khê, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đã phải kêu lên rằng: “Một số công ty nông lâm nghiệp, diện tích giao khoán cao hơn khả năng tổ chức sản xuất cho người lao động dẫn tới không canh tác hết. Trong khi đó nhiều hộ dân địa phương ngay cùng khu vực thiếu đất sản xuất. Một số thuê lại đất của người lao động trong các công ty nông, lâm nghiệp về sản xuất. Thực trạng này gây bức xúc đối với cả người lao động cũng như trong cộng đồng dân cư địa phương”.

Sau hàng tá những rà soát, những đề nghị, đến thời điểm hiện tại, thống kê sơ bộ cho thấy, diện tích đất rừng của những đơn vị trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn hết sức khổng lồ. Họ đang quản lý trên hồ sơ đất khoảng 32.570,2 ha và tầm 16.866,79 ha thực địa đất lâm nghiệp ở Phú Thọ.

Trong các văn bản trình Trung ương, UBND tỉnh Phú Thọ cùng các ban ngành chức năng tỉnh này đánh giá “Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp không cao, không tương xứng với tiềm năng và lợi thế đất đai, mức nộp ngân sách hàng năm thấp”, đồng thời, yêu cầu Tổng công ty Giấy Việt Nam trả bớt cho địa phương nhằm phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhưng có vẻ cũng chưa ăn thua. Kể cả khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng công ty Giấy Việt Nam lại tiếp tục sử dụng chiêu trò cũ để đối phó.

“Phương án trả những diện tích chồng lấn, hiện trạng ngoài thực địa các công ty không quản lý được để người dân địa phương, công nhân của các công ty xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ, chuyển mục đích sang trồng các loại cây khác từ nhiều năm trước…", UBND tỉnh Phú Thọ báo cáo và khẳng định Tổng công ty Giấy Việt Nam chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

10-12-17_phutho2
Đất rừng của công ty lâm nghiệp bỏ hoang

Doanh nghiệp chẳng khác gì “đười ươi giữ ống” trong khi người dân thiếu đất sản xuất khiến mâu thuẫn ngày càng đào sâu, thậm chí còn trở thành những cuộc chiến. Tại huyện Yên Lập, số diện tích tranh chấp lên tới 205,20 ha và phải đưa vụ việc ra TAND huyện giải quyết. Còn tại huyện Tân Sơn, người dân giành 277,3 ha đất với Cty Lâm nghiệp Tam Sơn nhưng vẫn còn hết sức cam go.

Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Thọ nói: Tiếng là trả đất nhưng đó đa phần đều là những diện tích mà các công ty lâm nghiệp buông lỏng, không quản lý nổi nên có có giao lại cũng rất khó để tổ chức sản xuất.
 

Nghịch lý ở Tây Cốc

Con đường vào xã Tây Cốc, miền rừng xanh ngắt thuộc huyện Đoan Hùng, từng tốp nông dân bản địa đang làm lầm lụi khai thác gỗ keo. Rừng xanh đấy, keo to đấy, nhưng tất tật đều của Công ty lâm nghiệp Đoan Hùng. Dân bản địa chỉ làm thuê lấy công. Chủ tịch UBND xã Tây Cốc, ông Nguyễn Trung Hiếu nói với tôi, từ dạo thôi phát canh thu tô, các công ty lâm nghiệp chuyển sang hình thức giao khoán cho các công nhân của công ty rồi để những công nhân này tự thuê lại lao động địa phương tổ chức sản xuất. Nông dân Tây Cốc thiếu đất sản xuất trầm trọng, nhìn sang đất lâm trường bạt ngàn thèm lắm.

Lời ông chủ tịch xã nửa nghe như tiếc, nửa lại xót xa. Nhưng biết làm sao được. Tổng diện tích đất sản xuất ở Tây Cốc tầm khoảng 500 ha. Trong đó, Cty lâm nghiệp Đoan Hùng chiếm 189 ha, Cty chè Phú Bền chiếm 200 ha. Số còn lại, 1.700 hộ dân, hơn 6.700 nhân khẩu trong xã chia nhau. Mấy năm nay, nông dân Tây Cốc trồng bưởi, khai thác đến kiệt cùng quỹ đất được khoảng 20 ha, nhưng mỗi năm cũng thu 7-8 tỷ đồng. Ông Chủ tịch UBND xã tiếc là bởi: Nếu có đất thì dân ở đây chắc chắn sẽ nhanh giàu.

Ông Phạm Đức Hạnh, trưởng thôn 3 xã Tây Cốc cũng nói như than thở: Công ty Lâm nghiệp tính kiểu xôi đỗ, chỗ nào đất thịt, đất sản xuất tốt thì giữ, chỗ nào đồi đá thì chừa cho dân. Chú xem quanh thôn đấy. Đồi rừng tất tật của công ty hết, chỉ có 2 quả núi trọc, đất đá khó canh tác thì họ bỏ lại. Dân không có đất sản xuất nên đành phải chấp nhận làm thuê. Thanh niên hết học, không có công ăn việc làm bỏ đi tứ xứ hết cả.

Thôn 3 tứ bề đều là đồi keo xanh ngằn ngặt. Rừng của Cty Lâm nghiệp Đoan Hùng vây sát đến tường nhà các hộ dân. Thế nên, dù địa giới hành chính khá rộng, nhưng đa phần đều là đất rừng của doanh nghiệp. Nếu đem diện tích đất sản xuất mà nhân dân đang sở hữu so với đất lâm trường chẳng bõ bèn gì. Bi kịch ở ngay trước mắt. Tại thôn này, Cty Lâm nghiệp Đoan Hùng đã lập một đội quản lý sản xuất chỉ có 8 người nhưng phụ trách gần cả trăm ha đất rừng, còn 750 khẩu thôn 3 đa phần chấp nhận bán sức cho các hộ nhận khoán để kiếm sống.

10-12-17_phutho3
Người dân trồng 1 cây bưởi bằng cả 1 ha đất trồng keo

Đau đớn hơn, khi chứng kiến người dân bản địa trồng bưởi hiệu quả, Cty Lâm nghiệp Đoan Hùng cũng khoán cho công nhân tổ chức trồng 5 ha ở thôn 3. Đất đẹp, lại còn xây bể nước tưới hẳn hoi nhưng hiện trạng bây giờ chỉ toàn cỏ dại. Lý do công nhân nhận khoán trồng cho xong việc, không chăm sóc nên chết hết, cả quả đồi bỏ hoang từ mấy năm nay.

Có lẽ nhiều năm chứng kiến thảm cảnh ấy nên Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đoan Hùng, ông Nguyễn Hoàng Minh bức xúc: Nói thẳng ra là các công ty lâm nghiệp giữ đất nhưng quản lý và sản xuất kém. Đơn cử Cty Lâm nghiệp Đoan Hùng, quản lý hơn 2.000 ha đất nhưng thử hỏi họ đã nộp ngân sách được bao nhiêu? Một chu kỳ trồng keo dài 6-7 năm, thu tiền trăm triệu đấy, nhưng nếu tính lãi mỗi năm chỉ bằng một cây bưởi.

Công nhân kêu khổ, công ty thì chả đóng ngân sách được bao nhiêu nhưng người dân thiếu đất sản xuất các ông không chịu nhả ra. Vừa rồi Sở NN-PTNT Phú Thọ phối hợp rà soát đề xuất tỉnh xin 300 ha tại 7 xã công ty đang quản lý để giao cho dân trồng bưởi nhưng các ông ấy cứ lấy lý do này nọ. Chúng tôi tính, nếu nhân dân có được chừng ấy đất trồng bưởi chắc chắn sẽ đẻ ra nhiều tỷ phú. Từ nhiều năm nay, dân trồng bưởi Bằng Luân thu 300-400 triệu đồng/ha, trồng bưởi Chí Đám thu 600 triệu đồng/ha rồi. Nhưng đất trồng bưởi của cả huyện chưa bằng đất công ty lâm nghiệp quản lý, trong khi quỹ đất cũng đã hết rồi.

Vì sao các công ty lâm nghiệp khư khư giữ đất? Xin thưa, cho dù với năng lực không thể sản xuất hết thì họ vẫn quyết tâm giữ. Bởi thực tế, các công ty lâm nghiệp đang sống dựa vào chính sách giao khoán, dựa vào thực trạng người dân không có đất buộc phải làm thuê cho các hộ nhận khoán. Một công nhân nhận khoán ở xã Tây Cốc đã tiết lộ: Bây giờ không phát canh thu tô nữa nhưng công ty giao công cho các hộ nhận khoán và trả tiền. Tiền nhân công 15-17 triệu đồng/chu kỳ. Tiền trồng chăm sóc từ 15-17 triệu/ha… Sau chu kỳ 7 năm, làm tốt thu được khoảng 80-100 triệu đồng/ha.

Nếu đúng như những gì những người nhận khoán nói, các công ty chỉ việc chi tiền cho các hộ nhận khoán và thuê người thu sản phẩm đem bán. Không biết đây có phải là một hình thức phát canh thu tô kiểu mới hay không?

Chúng tôi tiếp tục đến các xã Ca Đình, Phương Trung rồi nhiều xã khác ở miền rừng Phú Thọ, nghịch lý này đang có khắp mọi nơi.

Lãng phí đất và thất thu ngân sách

Chiếm phần lớn diện tích đất lâm nghiệp “bờ xôi ruộng mật” nhưng trong nhiều năm liền các công ty lâm nghiệp không đóng nộp tiền thuê đất do hưởng các chính sách ưu đãi ở vùng khó khăn. Còn tiền nộp vào ngân sách nhà nước của các công ty lâm nghiệp lại càng không thể tin nổi.

Theo thống kê, năm 2014, các thành viên của Tổng công ty Giấy Việt Nam như Cty Lâm nghiệp Thanh Hòa nộp ngân sách được 26,5 triệu đồng, Cty Lâm nghiệp Sông Thao nộp được 2,1 triệu đồng, Cty Lâm nghiệp Yên Lập nộp 1 triệu đồng, Tam Sơn nộp 9,1 triệu đồng…

Cũng theo thống kê, có đến 3.513,53 ha do các đơn vị của Tổng công ty Giấy Việt Nam quản lý không được tổ chức sản xuất, gây lãng phí tài nguyên đất vô cùng.

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.