| Hotline: 0983.970.780

Dân oằn lưng với 'phát canh, thu tô' trồng rừng

Thứ Tư 06/09/2017 , 13:30 (GMT+7)

Mỗi chu kỳ rừng kéo dài 8-10 năm, người dân phải đổ mồ hôi ra trồng, chăm sóc bảo vệ, nhưng lại chỉ nhận được thành quả chẳng khác nào một mẩu của chiếc bánh.

11-54-28_nh_1
Anh Đỗ Đình Thắng, một trong những hộ dân còn giữ lại được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cấp năm 1993

Các lâm trường cũ dù đã chuyển đổi sang nhiều hình thức hoạt động như Cty lâm nghiệp, Cty TNHH MTV, nhưng bản chất của việc quản lí sử dụng đất lâm nghiệp thì thật khó dùng từ nào khác ngoài “phát canh, thu tô”.
 

Bỗng dưng… mất đất!

Ở xã Đồng Vương (huyện Yên Thế, Bắc Giang), bản Đồng Tâm nổi tiếng nhiều rừng, nhưng người dân lại gần như chẳng còn sở hữu được bao nhiêu rừng. Họ vốn là những hộ dân ở ngã ba của 3 xã Đồng Vương, Đồng Kỳ và Đồng Hưu của huyện Yên Thế, và đa phần là công nhân của các lâm trường trước đây. Trong đó, nhiều hộ dân hiện nay có hộ khẩu đăng ký ở xã Đồng Hưu, nhưng lại sinh sống trên địa giới hành chính của xã Đồng Vương. Đến bây giờ, trong khi nhiều thôn bản khác ở xã Đồng Vương nhà lầu san sát thì bản Đồng Tâm nhà nào nhà đó vẫn lụp xụp.

Căn nhà của vợ chồng anh Đỗ Đình Thắng ở bản Đồng Tâm do bố mẹ anh để lại từ những năm 80 của thế kỷ trước bây giờ vẫn vậy. Đưa cho chúng tôi xem quyển sổ chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp của gia đình được cấp từ năm 1993 đã mòn vẹt (dân ở đây vẫn hay gọi là sổ xanh), anh cho biết: Quyển sổ này đáng ra đã bị Lâm trường Yên Thế thu hồi từ khoảng năm 1999-2000. Trong bản, những hộ dân được cấp sổ xanh như nhà anh đã bị Lâm trường Yên Thế thu lại, duy chỉ có nhà anh là vẫn “giữ trộm” lại nên bây giờ vẫn còn.

Năm 1993, triển khai chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc (Chương trình 327), gia đình anh lúc ấy đã được huyện Yên Thế cấp sổ xanh cho chủ hộ là bố anh – ông Đỗ Đình Nhỡn với diện tích 7,5ha, trong đó hơn 4ha là đồi trọc chưa có rừng, hơn 3ha là đất đồi thuộc dạng “hậu quả” khai thác gỗ do lâm trường để lại, chỉ có chồi. Những hộ dân ở bản Đồng Tâm sau đó được nhận giống như bạch đàn, keo, muồng, trám trắng… về trồng bổ sung theo cơ chế liên kết với Lâm trường Đồng Sơn (huyện Yên Thế). Năm 2002, Lâm trường Đồng Sơn đã thực hiện thanh lý toàn bộ các diện tích rừng thuộc rừng 327.

Năm 2003, cán bộ của Lâm trường Yên Thế lúc ấy về phổ biến rằng, những diện tích rừng ở bản Đồng Tâm nay thuộc quản lí của Lâm trường Yên Thế. Trước đó, những chiếc sổ xanh được cấp từ năm 1993 bị Lâm trường Yên Thế thu hồi lại, với lí do từ nay đất rừng sẽ được chuyển sang trồng rừng kinh tế nên sẽ được cấp sổ mới có thời hạn 50 năm. Tuy nhiên kể từ đó tới nay, những hộ dân ở bản Đồng Tâm chẳng thấy cái sổ mới nào, chỉ thấy những bản hợp đồng khoán trồng, bảo vệ rừng do Cty Lâm nghiệp Yên Thế (nay là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế) đưa cho ký.

Anh Đỗ Đình Thắng bảo rằng, chẳng rõ nhà nước hiện nay có những chính sách khoán trồng rừng thế nào, chỉ biết rằng từ năm 2003 đến nay, đất rừng đã không còn thuộc về nhà mình, không tự quyết định chuyện trồng chặt được nữa, mà đã là của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế. Dân địa phương cũng chỉ biết có 2 loại rừng mà họ hay gọi là rừng quốc doanh và rừng liên doanh. Với loại rừng quốc doanh, phía Cty cấp giống, phân bón, dân đổ sức ra trồng, đào hố, phát thực bì… được bao nhiêu công thì hưởng bấy nhiêu, tới khi khai thác người dân chỉ được hưởng 2% sản lượng rừng tăng trưởng hàng năm (tính từ năm thứ 4 sau trồng), gọi là công bảo vệ. Với loại rừng liên doanh, họ phải kiêm luôn tất tần tật từ A đến Z. Tới kỳ khai thác, hộ nhận khoán phải mang lên tận trụ sở Cty để “nộp sản” với định mức quy ra tiền mặt bất di bất dịch là 28 m3/ha.
 

Cốc mò, cò xơi!

Gia đình anh Thắng được Cty ký hợp đồng trồng rừng quốc doanh từ năm 2002, diện tích 1,1ha, đến năm 2014 thì thanh lí với tổng khối lượng gỗ lên tới 116 m3, củi hơn 22 m3, thế nhưng nhà anh chỉ được hưởng công bảo vệ tương đương hơn 9 m3 gỗ và 1,7 m3 củi. Diện tích rừng liên doanh hơn 3,7ha còn xót hơn. Phía Cty chỉ mỗi việc cấp giống, phân bón về, hai vợ chồng anh phải quần quật làm tất cả, từ phát thực bì, đào hố, trồng cây, bón phân, phát dọn, bảo vệ chăm sóc đằng đẵng suốt hơn 8 năm trời. Người của Cty chỉ thi thoảng ghé qua kiểm tra, “chỉ tay năm ngón”, nhưng tới khi khai thác lại được hưởng lên tới 28 m3/ha.

11-54-28_nh_2
Những cánh rừng bạch đàn do chính người dân thôn Đồng Tâm trồng và chăm sóc, nhưng lại không được phép khai thác

“Mỗi ha bạch đàn, chăm sóc giỏi lắm thì cũng chỉ được 60 m3/chy kỳ, xem như phía Cty ăn gần phân nửa. Đợt thanh lí chu kỳ đầu năm 2014, tổng thu rừng liên doanh của gia đình chỉ được hơn 100 triệu đồng, nhưng đã phải nộp cho Cty khoảng 50 triệu đồng, trong khi đầu tư giống, phân bón ban đầu của phía Cty theo tính toán của chúng tôi cao lắm cũng chỉ 3-4 triệu đồng/ha. Rõ là họ chẳng phải làm gì mà ăn dày quá thể! Như nhà tôi vậy cũng là may, nhiều hộ nhận phải lô giống kém, chăm sóc kém để trâu bò phá hay gặp phải lô đất xấu, rừng chậm lớn thì nộp sản xong cho Cty xem như huề” – anh Thắng thổ lộ.

Được nhận trồng rừng liên doanh, mỗi chu kỳ dù phải “nộp sản” cho Cty, nhưng nếu chăm sóc tốt còn được hưởng chút ít. Chứ những hộ không được ký hợp đồng liên doanh, phải ký hợp đồng theo công đoạn hàng năm thì còn bọt bèo hơn.

Ông Phan Văn Tụng (thôn Đồng Tâm), người đã vác đơn đi kiện đòi đất rừng của gia đình từ hơn 15 năm qua xót xa kể lại: Gia đình ông đã từng trồng từng theo Chương trình 327 lên tới hơn 32ha, đã được huyện Yên Thế cấp sổ xanh năm 1993. Sau khi thanh lí Rừng 327 với Lâm trường Đồng Sơn năm 2002, năm 2003, gia đình ông được Lâm trường Yên Thế dí cho một bản hợp đồng, gọi là Hợp đồng Trồng rừng. Hợp đồng này chẳng thấy nói rõ về cơ chế ăn chia sản phẩm thế nào khi rừng khai thác, mà chỉ quy định các hạng mục theo kiểu làm công cho lâm trường theo đơn giá định sẵn. Có sức đào hố, trồng cây, bón phân, phát thực bì… bao nhiêu diện tích thì hưởng bấy nhiêu.

Ông Tụng tính: Tiền công trồng rừng cho Cty tất tần tật từ A đến Z trong năm đầu quy ra chỉ khoảng chưa tới 2 triệu đồng/ha. Trong 2 năm sau đó, Cty chỉ nhận hợp đồng chăm sóc bảo vệ, tính ra chỉ 750 nghìn đồng/ha/năm. Kể từ năm thứ 4 trở đi, Cty không còn có nhu cầu thuê nhân công nên xem như không còn liên quan. Tiền công bèo bọt, nhưng xót đất, xót rừng, lại không còn việc gì để làm nên từ năm 2003, ông chẳng còn cách nào khác là phải nhận hợp đồng để triển khai trồng bạch đàn phủ kín diện tích trên 32ha. Tuy nhiên đến năm 2011, khi thanh lí chu kỳ thứ nhất, gia đình ông chẳng hề được hưởng một xu cắc nào sản phẩm.

Tới nay, diện tích rừng bạch đàn 32ha do ông dày công trồng, chăm sóc năm nào đã thuộc về sở hữu của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế. Hiện tại, diện tích rừng này đang ở chu kỳ 2 để chồi, nhiều diện tích thiếu bàn tay chăm sóc đã trở nên còi cọc, còn chủ nhân trước đây của nó vẫn chưa hề có thông báo nào về quyền lợi được hưởng trong nay mai. Cho rằng rừng đó đáng ra phải là của mình chứ không phải của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế, ông Tụng đã đâm đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan chức năng suốt hàng chục năm qua.

Trong khi nhiều hộ dân địa phương “khát” đất trồng rừng thì theo UBND xã Đồng Vương, trên địa bàn xã hiện vẫn còn trên 260ha đất lâm nghiệp vẫn thuộc quản lí của 2 DN là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế (130ha  và Lâm trường Đồng Sơn (130ha).

Trao đổi với PV, ông Phan Văn Tụng bức xúc: “Trồng rừng kinh tế thì cũng là bảo vệ môi trường, dân chúng tôi cũng làm được, và đang không có đất để SX, không hiểu cớ sao lại phải giao cho Cty? Tôi được biết nhà nước có định mức giao rừng cho hộ gia đình lên tới 30ha, rừng ấy trước đây lại chính do gia đình tôi đã tiên phong theo kêu gọi của nhà nước đứng ra nhận chăm sóc gây dựng, tới khi đất rừng có giá trị thì lại bị thu hồi để giao cho lâm trường, giao cho Cty sử dụng mà không ưu tiên giao lại ổn định cho nhân dân SX” – ông Tụng bức xúc!

 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.