Những cánh rừng này ở xã Tam Hiệp (huyện Yên Thế, Bắc Giang) do chính bàn tay người dân trồng, bảo vệ, chăm sóc, nhưng họ không được bán và hưởng thành quả. |
Về huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) bây giờ, đâu đâu cũng ngút ngàn rừng. Rừng vây sát vách nhà dân. Rừng ấy chính do bàn tay người dân đổ mồ hôi, sôi nước mắt chăm bẵm mà có. Thế nhưng oái oăm là rừng đó lại không phải sở hữu của họ. Họ phải đi làm thuê đúng nghĩa trên chính những cánh rừng bao đời đã gắn bó.
Đoạn trường đòi lại đất rừng
Nhiều năm nay, Yên Thế đã trở thành điểm nóng về đơn thư khiếu kiện của người dân liên quan đến quyền lợi đất lâm nghiệp. Khiếu kiện chẳng phải một nơi, mà nổ ra ở tất cả 9 xã, thị trấn trong huyện, càng ngày càng sôi sục. Đơn thư, hồ sơ khiếu kiện của họ đã chất thành đống, rải đi khắp nơi, lên cấp xã có, cấp huyện tỉnh có, các cơ quan Trung ương cũng có.
Để hiểu rành mạch, ngọn ngành lịch sử, những khúc mắc về nội dung khiếu kiện của người dân liên quan đến đất lâm nghiệp ở Yên Thế có lẽ xứng đáng cần cả một công trình nghiên cứu. Thế nhưng tựu chung lại, câu chuyện về cơ bản chỉ xoay quanh tình trạng người dân ở địa phương này không có đất để trồng rừng, trong khi những cánh rừng từng do chính bàn tay họ chăm sóc gây dựng từ lâu, lại được giao cho một doanh nghiệp, đó là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế (tiền thân là Lâm trường Yên Thế) sở hữu và khai thác.
Căn nhà cấp 4 của bà Bùi Thị Hòe, thôn Đền Cô (xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế) bây giờ chẳng còn gì giá trị ngoài chiếc tivi “đít lồi” đời cũ. Bà Hòe là người đứng đầu đơn cho gần 20 hộ dân ở thôn Đền Cô đi đòi đất rừng suốt từ năm 2012 đến nay. Bà bảo, trước đây, gia đình thuộc diện khá giả, thế nhưng trải qua hành trình lặn lội đi khiếu nại đòi đất rừng ròng rã hơn 5 năm trời, bây giờ gia tài gần như chẳng còn gì đáng giá. Cơ sự bắt đầu xảy ra với những gia đình ở đây từ năm 2012, khi Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế triển khai trồng rừng kinh tế trên các diện tích đất rừng đã được giao khoán cho dân trước đây.
Bà Hòe kể: Trước năm 1997, những quả đồi ở thôn Đền Cô lúc ấy còn thuộc quản lí của Lâm trường Yên Thế. Những đội sơn tràng của lâm trường ngày ấy chỉ biết khai thác gỗ, lại thiếu người quản lí bảo vệ nên rừng gần như chẳng còn gì. Khi những quả đồi đã bị bóc trọc, người dân đồng bào dân tộc Nùng ở địa phương bắt đầu vỡ hoang, đưa ngô, sắn, lúa nương lên trồng lấy cái ăn qua ngày.
Triển khai chương trình trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Chính phủ (chương trình 327), đầu năm 1997, Lâm trường Yên Thế triển khai chương trình gây trồng và bảo vệ rừng thuộc Khu rừng đặc dụng di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám tại thôn Đền Cô, xã Tam Hiệp.
Theo đó, gia đình bà Hòe được Lâm trường Yên Thế vận động nhận hợp đồng khoán gây trồng và bảo vệ rừng với diện tích 2,2 ha, thời hạn hợp đồng khoán là 50 năm (tới năm 2047). Hồi ấy, bà chỉ nhớ lâm trường hỗ trợ cây giống với loại cây như trám trắng, keo. Là dự án rừng đặc dụng nên những hộ dân ở xã Tam Hiệp như gia đình bà Hòe chẳng ai dám lơ là, phải răm rắp ra sức thực hiện những quy định về bảo vệ, chăm sóc diện tích đã được giao.
Qua gần 14 năm chăm sóc, bảo vệ, đến năm 2011, từ những quả đồi trọc chỉ có cỏ tranh, những quả đồi ở thôn Đền Cô – Đền Quan đã trở thành những khu rừng đặc dụng đúng nghĩa. Lâm trường Yên Thế lúc này cũng không còn nữa, mà đã lần lượt được chuyển đổi qua hàng loạt tên gọi theo chính sách đổi mới lâm trường của Nhà nước như Cty Lâm nghiệp Yên Thế, rồi chuyển thành Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế.
Thực ra, người dân ở thôn Đền Cô cũng chẳng ai quan tâm, và họ cũng chẳng thể biết Lâm trường Yên Thế bây giờ đã là gì. Họ chỉ biết rằng cuối năm 2011, người của Cty TNHH MVTV Lâm nghiệp Yên Thế về thông báo rằng, các diện tích rừng đặc dụng đã giao khoán cho dân trước đây sẽ phải thanh lý để chuyển sang trồng rừng kinh tế. Những cánh rừng tốt bời bời được người ta đưa cưa máy về cắt trọc. Riêng diện tích rừng hơn 2,2 ha của bà Hòe được thanh lý với trị giá hợp đồng cho 14 năm chăm sóc bảo vệ khoảng trên 100 triệu đồng.
Cuối năm ấy, người của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế đưa cho các hộ dân ở đây những bản hợp đồng có tên gọi Hợp đồng Khoán công trồng rừng năm 1. Theo hợp đồng này, những hộ dân nhận khoán chỉ được phía Cty trả tiền công lao động theo từng khâu kiểu “tiền trao cháo múc” như phát dọn thực bì, cuốc hố, vận chuyển phân bón, trồng cây theo chỉ đạo của Cty, tra dặm cây chết… Toàn bộ sản phẩm khi tới chu kỳ khai thác đều do Cty tự quyết, người dân không được đếm xỉa gì tới. Hợp đồng còn nêu rõ, sau khi kết thúc hợp đồng theo từng năm, phía Cty có quyền bố trí lao động khác thi công, nếu bên nhận khoán cũ gây cản trở việc Cty thi công thì phải chịu mọi trách nhiệm về hành vi cản trở trước pháp luật!
Ngồi mát ăn bát vàng!
Dưới cái trướng “rừng nhà nước”, những người dân sau khi phải nhả đất rừng cho Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế, dù muốn hay không vẫn phải quay trở lại nhận khoán làm công cho Cty này với tiền công bèo bọt chỉ 2-3 triệu đồng/ha/năm. Bởi ở rừng, ruộng không có, không đi trồng rừng thuê cho Cty thì còn biết làm nghề gì? Hộ nào thuộc diện chân yếu tay mềm, đào hố, phát thực bì, trồng cây chậm, không đảm bảo tiến độ thì lập tức Cty thuê người từ nơi khác về làm ngay, từ năm sau đừng hòng được nhận khoán nữa! Ai hay, những cánh rừng ở xã Tam Hiệp ngút ngàn, đã tới tuổi thứ 6 sắp khai thác được, phần lớn do chính bàn tay của người dân địa phương chăm chút mà thành. Đây chính là mảnh đất của họ trước đây, nhưng nay, quyền khai thác, hưởng thành quả cuối cùng lại là của Cty. Rừng càng lớn, bảo vệ của Cty càng siết chặt trông coi, người dân đừng hòng bén mảng.
Rừng Dự án FAM ở xã Tam Hiệp nay là rừng của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế. |
Trao đổi với PV, bà Bùi Thị Hòe bức xúc: Nhiều năm qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương giao đất giao rừng cho dân. Từ khi có chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc đến nay, người dân đồng bào Nùng ở thôn Đền Cô chính là những người đã chấp hành chủ trương của Nhà nước, nhận rừng để trồng, bảo vệ. Thế nhưng đùng một cái, những khu rừng đặc dụng tốt tươi lại được chặt thanh lý để rồi giao cho Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế sử dụng để trồng rừng kinh tế. Người dân từ địa vị là chủ rừng, nay bỗng dưng bị biến thành những người làm thuê không hơn không kém cho Cty trên chính mảnh rừng đã được giao trước đây.
“Ngày trước khi còn nhận khoán trồng rừng đặc dụng, những hộ dân chúng tôi ngoài hỗ trợ giống, còn được hưởng toàn bộ sản phẩm của cây trồng phụ trong quá trình chăm sóc bảo vệ, tới khi thanh lý còn được hưởng phần lớn sản phẩm cây trồng chính, mỗi hecta quy ra cũng 50-70 triệu đồng. Nay bỗng dưng đi làm công cho Cty, sản phẩm không được hưởng. Ở miền núi này ruộng không có, có vài hecta rừng cũng bị lấy mất để giao cho Cty, dân chúng tôi biết sống bằng gì?” – bà Hòe ngao ngán.
Không chỉ có rừng đặc dụng, ở xã Tam Hiệp, diện tích rừng hơn 10ha thuộc Dự án FAM từng được giao cho các hộ dân ở thôn Đền Quan trước đây nay cũng đã thuộc về tay Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế. Cánh rừng keo hơn 0,8 ha của ông Dương Văn Bình (sinh năm 1955) ở thôn Đền Quan năm nay đã ngót nghét 7 năm tuổi, nó nằm ngay sát vách nhà ông. Mấy năm nay, ông Bình bị đột quỵ, chỉ có thể lê lết quanh sân nhà. Gia tài khánh kiệt vì bệnh tật. Cánh rừng 0,8ha ấy giá như ông có thể bán, chí ít cũng có 50-70 triệu đồng trang trải. Rừng đó do chính bàn tay ông trồng và chăm bẵm, nhưng nó lại là của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế nên chẳng thể đụng vào.
Vợ ông, bà Bùi Thị Hiền méo xệch kể: Mảnh đồi 0,8 ha sau nhà ấy trước đây là nơi trồng ngô, sắn mưu sinh cho 5 miệng ăn trong nhà. Năm 2000, huyện Yên Thế triển khai Dự án trồng rừng FAM. Gia đình ông được vận động nhận hợp đồng dự án trồng keo xen kẽ với bạch đàn trên diện tích 0,8ha đó. Tới cuối năm 2004, khi cây rừng còn chưa kịp lớn thì Lâm trường Yên Thế quyết định thanh lí rừng để chuyển sang trồng rừng kinh tế. Những hộ dân trồng rừng Dự án FAM sau đó được Lâm trường ký các hợp đồng quản lí, bảo vệ rừng kinh tế. Bây giờ, rừng FAM ngày nào đã được thay bằng rừng keo, hiện đã là chu kỳ thứ hai sắp có thể khai thác được.
“Đất rừng trước đây rõ là đất của dân đã sử dụng từ bao đời, bỗng dưng hơn 10 năm nay lại thuộc về Cty. Mỗi chu kỳ rừng, họ (trước là lâm trường, nay là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế) chỉ có mỗi việc đưa giống, phân bón về ném cho dân. Còn lại từ phát thực bì, đào hố, trồng cây, chăm sóc bảo vệ hàng năm đều do bàn tay dân đổ sức ra làm. Thế nhưng tới khi khai thác, người dân lại chỉ nhận được vỏn vẹn 2,5% sản phẩm. Thật là quá… ngồi mát ăn bát vàng!” – bà Hiền than trời!