| Hotline: 0983.970.780

Các doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng bổ sung nguồn lao động

Thứ Hai 04/10/2021 , 20:17 (GMT+7)

TP.HCM Hiện các doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao đang rà soát để tiếp tục tuyển dụng bổ sung nguồn lao động cho đơn vị mình.

Người lao động tại Công ty Mtex - Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người lao động tại Công ty Mtex - Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Thủy.

135.000 người lao động đang làm việc tại khu chế xuất, khu công nghiệp

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 chiều tối 4/10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết, trước ngày 1/10, khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM có khoảng 288.000 người lao động. Trong đó, có hơn 70.000 lao động làm việc theo chế độ "ba tại chỗ" hoặc "hai điểm đến, một cung đường".

Từ ngày 1/10 đến nay, trong 70.000 lao động "ba tại chỗ", đã giảm xuống còn 45.000 người làm việc. Sau đó, có khoảng 33.000 người lao động đăng ký làm việc mới.

Các lao động "ba tại chỗ" tiếp tục hoạt động trở lại trong bình thường mới, và tiếp tục được bổ sung thêm khoảng 57.000 người.

"Như vậy, số người lao động đang làm việc tại khu chế xuất, khu công nghiệp tính đến nay là 135.000 người, chiếm 46% tổng lao động. Do đó, số lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp hiện nay vẫn còn rất thiếu", ông Hải thông tin.

Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết hiện các doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất, khu công nghiệp đang rà soát để tiếp tục tuyển dụng bổ sung nguồn lao động cho đơn vị mình.

Đối với khu công nghệ cao, ông Hải cho biết, trước ngày 1/10 có khoảng 50.000 người lao động, trong đó, 25.000 lao động hoạt động theo chế độ "ba tại chỗ" hoặc "hai điểm đến, một cung đường". Sau ngày 1/10 đến nay đã giảm lại. Do đó, các doanh nghiệp tại khu cung nghệ cao đang tiếp tục rà soát xem ai có nhu cầu thì tiếp tục tuyển dụng.

"Trong 50.000 người lao động của khu công nghệ cao, thì có 40.000 người là ở TP.HCM, khoảng 10.000 còn lại đa phần ở hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Nên hiện Khu công nghệ cao đang khẩn trương mời gọi, tuyển dụng để có thêm người lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Hải nói.

Trong 3 ngày thực hiện Chỉ thị 18, có 5.279 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đăng ký hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị nguồn nhân lực, máy móc thiết bị, cơ sở vật chất để tiếp tục phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chủ trì cuộc họp. Ảnh: T.N.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chủ trì cuộc họp. Ảnh: T.N.

6.937 đơn đề nghị đưa người thân, con cái trở lại TP.HCM

Liên quan đến việc đón người dân trở lại TP.HCM sinh sống, học tập, lao động khi đang mắc kẹt tại quê, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) TP.HCM cho hay, ngay sau khi Chỉ thị 18 có hiệu lực, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi chính quyền các địa phương lân cận về việc phối hợp, hỗ trợ người dân có nhu cầu lưu thông trong trường hợp cấp thiết.

Theo ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP.HCM, Sở đã cấp 46.000 mã QR cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Riêng từ 30/9 đến nay, Sở TT-TT đã cấp 26.000 mã QR. Con số dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cao và nhanh trong thời gian tới.

"Các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đang tích cực phối hợp Sở TT-TT để tổ chức đăng ký QR đúng quy định. Đến ngày 8/10, theo Chỉ thị 18, TP.HCM chính thức quét mã QR trên toàn địa bàn”, ông Từ Lương thông tin.

Tính từ 8h ngày 3/10 đến 15h ngày 4/10, Sở GT-VT TP.HCM đã tiếp nhận 6.937 đơn cá nhân đề nghị đi các tỉnh để đưa người thân, con cái trở về TP.HCM qua hộp thư điện tử (sgtvt@tphcm.gov.vn). Đến 15h chiều nay, Sở GT-VT TP.HCM đã phản hồi, giải quyết 2.590 đơn, bằng thủ công.

“Do đây là nhiệm vụ mới nên Sở GT-VT TPHCM chưa chuẩn bị về mặt công nghệ. Trong khi lượng đơn tăng lên hàng giờ, nhu cầu của bà con rất lớn.

Dự kiến đến ngày 6/10, Sở GT-VT TP.HCM sẽ tổ chức giải quyết nhu cầu của người dân qua zalo hoặc mail để mọi việc thuận lợi và giải quyết chính xác”, ông An thông tin.

Hiện, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi các tỉnh nhưng việc qua lại giữa các chốt ở các tỉnh chưa thuận lợi nên xảy ra tình trạng mắc kẹt.

Ông An cho hay, Sở GT-VT TP.HCM vừa phải tương tác với người dân do khai báo thông tin trong đơn không chính xác nên không đủ cơ sở để giải quyết, vừa phải liên hệ với lực lượng cảnh sát giao thông các tỉnh để giải quyết cho người dân trong thời gian tất cả các địa phương đều đặt phòng chống dịch lên hàng đầu.

Trước số đơn lớn như hiện nay, Sở GT-VT TP.HCM có một tổ gồm 40 người xử lý yêu cầu trên email. Thời gian tới, đơn vị này sẽ hướng dẫn người dân điền thông tin trên website và giải quyết trực tiếp bằng tài khoản Zalo để bà con di chuyển thuận lợi, đặc biệt là sự trả lời chính xác. 

Ông An cũng đề nghị người dân, cung cấp thông tin chính xác đến các tổ để có thể giải quyết một cách nhanh nhất nhu cầu cho bà con.

Theo phương án của TP.HCM, trong trường hợp người dân cần di chuyển từ địa bàn TP.HCM đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác và chiều ngược lại thì đều cần sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Các hoạt động đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai, người có cuộc hẹn phỏng vấn trước khi đi nước ngoài cùng những trường hợp cấp thiết đều được tạo điều kiện ưu tiên.

Tại cuộc họp báo, Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM thông tin, những ngày qua, lực lượng công an đã hỗ trợ khoảng 34.000 trường hợp di chuyển qua địa bàn TP.HCM để đi về các tỉnh miền Tây và khu vực Nam bộ. Trong đó, có khoảng 8.000 người là người dân lưu trú tại TP.HCM.

“Lực lượng công an phụ trách tại cửa ngõ sẽ dẫn đường để đảm bảo người dân đi thành đoàn, tuân thủ giãn cách. Bà con về các tỉnh miền Trung sẽ được Công an tỉnh Đồng Nai tiếp nhận, bà con đi miền Tây sẽ được Công an tỉnh Long An tiếp nhận và tổ chức về địa phương một cách trật tự", Thượng tá Trần Thanh Giang thông tin.

Xử phạt 588 trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch

Thực hiện Chỉ thị 18, Công an Tp.HCM sẽ kiểm tra ngẫu nhiên với người dân đang lưu thông ngoài đường. Nếu không đầy đủ giấy tờ, người dân sẽ bị xử phạt theo quy định.

Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, từ khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18, lực lượng công an đã tổ chức tuần tra, kiểm soát lưu động ngẫu nhiên người lưu thông.

Cụ thể, khi tham gia lưu thông, người dân cần khai báo di chuyển qua phần mềm VNEID và chuẩn bị trước mã QR hoặc giấy tờ có thể hiện lịch sử tiêm chủng hoặc đã F0 khỏi bệnh, cùng các giấy tờ tùy thân để chứng minh là chủ nhân của mã QR và các loại chứng nhận trên.

Theo Thượng tá Trần Thanh Giang, hiện tại, các lực lượng tuần tra lưu động sẽ xử phạt hành chính theo Nghị định 117 của Chính phủ về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

"Người không thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân, như không đeo khẩu trang, không đảm bảo giãn cách sẽ chịu mức phạt từ 1 đến 3 triệu đồng. Nếu không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch truyền nhiễm theo yêu cầu cơ quan có thẩm quyền, người vi phạm chịu mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng", Thượng tá Giang phân tích.

Trong 3 ngày qua, lực lượng công an đã kiểm tra đột xuất 547.000 phương tiện. Trong đó, 588 trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch đã bị xử phạt với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.