VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết, qua 3 cuộc khảo sát quy mô cấp vùng ở ĐBSCL, trao đổi trực tiếp 30 lãnh đạo các DN và làm việc với các chuyên gia và tổ chức 3 cuộc họp trực tuyến với hơn 120 doanh nghiệp (DN) đại diện cho các ngành mỗi địa phương tại ĐBSCL, trong đó có 3 giai đoạn.
Giai đoạn I (thời gian 14 ngày, từ 15/9/2021): Giai đoạn nới lỏng giãn cách, cho phép tái sản xuất- kinh doanh có điều kiện. Đây là giai đoạn đầu tái sản xuất, địa phương cần cấp thẻ “Công dân xanh” dành cho nhóm người lao động trong vùng xanh để có thể tham gia hoạt động, làm việc tại DN. Người dân, người lao động trong vùng “đỏ” chưa được cấp giấy thì để đảm bảo an toàn thì chưa được phép lưu thông và tham gia sản xuất kinh doanh.
Theo đó, địa phương nên xem xét thay thế phương án “3 tại chỗ” và “1 con đường 2 điểm đến” bằng giải pháp 3 XANH “lao động XANH – con đường XANH - nhà máy XANH”.
Giai đoạn II (thời gian 60 ngày, từ 30/9/2021): Mở rộng sản xuất có điều kiện và liên kết vùng nguyên liệu các tỉnh trong vùng Đây là giai đoạn các doanh nghiệp có thể phục hồi tốt, vì vậy sau giai đoạn I (14 ngày) thì giai đoạn II cần tính tới cần liên kết vùng nguyên liệu để đảm bảo cung ứng cho sản xuất.
Ngoài ra, đánh giá tình hình diễn biến dịch bệnh, tiếp tục khoanh vùng theo giai đoạn I, sàng lọc để mở rộng/thu hẹp vùng dịch bệnh để tái cấp thẻ “Công dân xanh” cho người lao động đi làm việc. Giai đoạn này sẽ xem xét tình hình, diễn biến dịch để có những động thái phù hợp.
Giai đoạn III (từ tháng 12/2021 hoặc từ 1/2022), mở rộng sản xuất kết nối ĐBSCL với TP.HCM và miền Đông Nam Bộ. Sau giai đoạn II, các DN đã sản xuất kinh doanh ổn định, gia tăng năng suất, công suất, tạo ra lượng hàng hóa thành phẩm cao, vì vậy giai đoạn này cần tính tới cần liên kết thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Theo đó, TP.HCM và Đông Nam Bộ sẽ là thị trường nội địa tiêu thụ lớn cho hàng hóa của ĐBSCL. Đối với xuất khẩu, cần kết nối cảng biển lớn tại Long An, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu một cách thuận lợi nhất.
Đánh giá tình hình diễn biến dịch bệnh, tiếp tục khoanh vùng theo giai đoạn I và II, giai đoạn III này người lao động sẽ có thêm nguồn vacxin nên nếu ổn định có thể sử dụng chứng nhận tiêm vacxin thay cho thẻ “Công dân xanh” để tiện đi lại và kiểm soát. Giai đoạn này tùy tình hình sẽ quyết định cho việc mở rộng sang trạng thái bình thường mới, các ngành có thể trở lại hoạt động bình thường, không giới hạn nhưng phải gắn với những điều kiện quy định từ chính quyền nhằm đảm bảo phòng dịch an toàn.
Mô hình 3 XANH “lao động XANH - con đường XANH - nhà máy XANH”. Lao động XANH phải thỏa các điều kiện phải được tiêm 2 mũi vaccine hoặc 1 mũi vacxin từ 14 ngày trở lên hoặc phải cư trú ở vùng xanh trên 30 ngày liên tục. Giai đoạn này giới hạn 30 - 50% lao động được làm việc tại DN.
Cung đường XANH chỉ đi từ 1 điểm (từ nơi cư trú) và đến 1 điểm (nhà máy, phân xưởng). DN phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn về phòng chống dịch. Giấy đi đường sẽ do DN đề xuất và cơ quan có thẩm quyền xác nhận, có thời gian đi – về cụ thể.
Nhà máy XANH là nhà máy/công ty phải thỏa điều kiện chưa từng nhiễm Covid-19 hoặc nếu có nhiễm phải có thời gian khử khuẩn ít nhất 2 ngày. DN phải chia ca sản xuất, đảm bảo số công nhân thay ca, ca trước và ca sau cách nhau 60 phút để đảm bảo phòng dịch giữa các nhóm công nhân.
Đầu tháng 9 vừa qua, VCCI tại Cần Thơ đã công bố kỳ báo cáo Báo cáo Động thái doanh nghiệp vùng ĐBSCL đầu tiên. Báo cáo được thực hiện từ tháng 07/2021, ra mắt cùng với giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19 đã gây ra tác động tiêu cực đến các các tỉnh, thành Nam bộ. Qua khảo sát doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, loại hình và VCCI tại Cần Thơ đã trực tiếp phỏng vấn, trao đổi 30 lãnh đạo doanh nghiệp một số ngành hàng tiêu biểu khu vực ĐBSCL về chính sách chống dịch tại các địa phương trong tháng 7 vừa qua. Kết quả ghi nhận qua khảo sát, các DN trên địa bàn đã bị ảnh hưởng rất nhiều đến mục tiêu kinh doanh do DN phải xoay trở để duy trì sản xuất.